Nam Lê qua mặt những nhà văn tên tuổi để chiếm giải Book of the Year Award của Thủ hiến New South Wales

19 Tháng Năm, 2009 | Người Việt đó đây

 

 

Nhà văn Nam Lê. Photo courtesy The Australian

 

Một lần nữa, người Úc gốc Việt  Lê Hữu Phúc Nam, thường được biết với tên ngắn gọn Nam Lê đã trở thành tin lớn về văn chương trên những tờ báo lớn ở Úc như The Australian, nhật báo phát hành toàn quốc.  Đây là lần đầu tiên Nam Lê được giải văn chương lớn ở quê nhà của anh.

 

Trong ấn bản ra ngày Thứ Ba hôm nay, The Australian đăng một bức hình lớn của Nam Lê đang ở La Mã vào cuối tuần rồi với tít: “Người mới bắt đầu đã bỏ lại các nhà văn danh tiếng đàng sau anh ta”.

 

Thật vậy, trong các giải văn chương và dịch thuật của Thủ hiến Tiểu bang New South Wales ở Úc Châu năm 2009, Nam Lê  –tác giả cuốn truyện ngắn The Boat— đã qua mặt những nhà văn tên tuổi như Tim Winton, Helen Garner, Kate Greenville, Joan London và Steve Toltz để chiếm giải Book of the Year Award với trị giá tiền mặt $10,000 Úc kim.

 

Nam Lê còn giật giải UTS Glenda Adams Award trị giá $5,000 cho một tác phẩm mới.

 

Nam Lê được cha mẹ đem đi tị nạn, tới Mã Lai khi mới lên 3 tháng. Cha anh là ông Lê Hữu Phúc đã được định cư tại Melbourne và thành phố này trở thành quê hương của anh cho đến khi anh tốt nghiệp cử nhân luật tại Đại học Melbourne và là nghề luật một thời gian ngắn, sau đó chuyển sang nghề viết văn.

 

Đây là lần đầu tiên Nam Lê đoạt những giải thưởng văn chương quan trọng tại đất nước mà anh lớn lên.

 

Trước đó Nam Lê đã đoạt những giải thưởng quốc tế như Dylan Thomas tại Wales, Anh quốc, dành cho những tác giả trẻ tuổi. Anh cũng đoạt giải Anisfield-Wolf Book Award tại đại học Harvard. Ngoài ra, Nam Le còn được đề cử vào giải US National Book dành cho người dưới 35 tuổi.

 

Sau khi bỏ nghề luật để nhảy sang nghề viết, Nam Lê đến Nữu Ước sống tại đó để viết lách. Ngoài Hoa Kỳ, Anh quốc cũng là nơi mà Nam Lê thường sinh sống.

 

Tối hôm qua, khi nhận được giải thưởng lần đầu tiên tại quê nhà mình, Nam Lê nói: “Tôi có một tương quan rất phức tạp trong đầu óc tôi về ý niệm quốc tịch, nhưng nếu tôi buộc phải chọn để nói một, thì dứt khoát tôi là người Úc”.