Lâm Lương cười sau khi giết 4 đứa con bằng cách quẳng xuống cầu

16 Tháng Ba, 2009 | Người Việt đó đây

 

Kiều Phan và các con

 

Phiên tòa xử người cha gốc Việt quẳng 4 đứa con nhỏ xuống biển chết, đã bắt đầu trước một bồi thẩm đoàn gồm 10 ông và 6 bà. Bà Kiều Phan, 23 tuổi, làm chứng rằng người chồng 38 tuổi đã cười liên tục khi báo cho bà hay các con của họ đã chết.

 

Đầu tháng này, Lâm Lương đã nhận tội giết các con, nhưng khi biết rằng dù nhận tội vẫn bị xử trước một bồi thẩm đoàn, người đàn ông này đã rút lại quyết định đó.

 

Lâm Lương

Tại phiên xử hôm qua, bà Kiều Phan đã khai rằng người chồng của bà đã cười khi cho bà hay các con của họ đã chết hết.

 

Bà Kiều đã khóc khi những bức hình màu của các con được chiếu cho bồi thẩm đoàn xem. Công tố viện nói họ sẽ xin án tử hình nếu ông Lâm bị kết án có tội.

 

Ông Lâm đã ngồi bất động khi bà vợ cũ đọc tên từng đứa con ra, những đứa con của họ có với nhau như Hannah Lương 2 tuổi; Lindsey Lương 1 tuổi; Danny Lương 4 tháng và đứa con riêng của bà Kiều Phan là Ryan Phan 3 tuổi.

 

Ông Lâm bị cáo buộc đã quẳng các con từ một cây cầu cao khoảng 24 mét tại Alabama vào ngày 7.1.2007 sau một cuộc cãi vã với vợ.

 

Bà Kiều ra làm chứng với sự giúp đỡ của một thông dịch viên Việt Nam. Bà Kiều nói ban đầu ông Lâm bảo bà ông gởi các con ở nhà một phụ nữ tại Bayou La Batre, nhưng đến 7 giờ tối thấy chúng không trở về, bà tới báo cảnh sát và bắt đầu một cuộc đi gõ cửa từng nhà để tìm con.

 

Sau nhiều ngày bị nghi ngờ và sau khi Lâm Lương bị bắt, ông ta đã  yêu cầu cảnh sát đưa vợ tới phòng giam và nói với vợ: “Bọn chúng đã chết hết trọi”.

 

Bà Kiều nói ông chồng đã nói với bà: “Không có cách nào tìm ra bọn chúng nữa”, bà kể tiếp: “Ông ta cứ thế mà cười”. Bà nói sau đó bà ngã quỵ xuống đất.

 

Lâm Lương đến tị nạn ở Mỹ vào năm 1984, làm nghề đánh tôm. Hai vợ chồng sống trong làng Bayou La Batre.

 

Trong phiên tòa, bà Phan nói cuộc sống của họ bắt đầu có sự rạn nứt kể từ sau trận bão Katrina phá sập ngôi làng đánh cá của họ năm 2005. Họ tới định cư ở Hinesville, Georgia.

 

Bà Kiều nói ông Lâm sau này có bồ mới và xài ma túy. Gia đình trở lại sống ở Mobile County sau khi ông Lâm mất việc làm trong một nhà hàng. Ông Lâm sau đó không tìm được việc.

 

Tài liệu Bộ Di trú cho thấy ông Lâm đến Mỹ khi mới 14 tuổi với tư cách là một người tị nạn, được trở thành thường trú nhân hộp pháp nhưng chưa bao giờ trở thành công dân Mỹ.