Trả đũa: Lá thư được gọi là đòi “vạch mặt” Lý Tống của Trần Mạnh Quỳnh

01 Tháng Tám, 2008 | Người Việt đó đây

 

Trần Mạnh Quỳnh (phải) và dân biểu Jim Morissey:  ngày trở về Mỹ năm 1998

 

(TH – 2.8.08) Cách đây một tuần, đã có một buổi họp gọi là “diễn đàn đối chất” để hai người bạn tù “tranh luận” về những việc làm của họ trong tù và những chuyện bôi bác nhau của họ trên báo chí và mạng lưới. Tuy nhiên, Lý Tống đã không đến như ông đã từng viết thư trả lời trước đó rằng “bản tính tôi hay nóng sảng… dộng một báng súng vào đầu thêm dơ tay, giây với hủi mang họa, lại hạ mình đi đối chất với hầm cầu tiêu thối tha đó sao!”. Vì thế mà diễn đàn  trở thành cuộc độc diễn để ông Trần Mạnh Quỳnh phê bình và kết án Lý Tống.

 

Buổi “hội luận” đó có nghe nói có khoảng từ 200 đến 300 người đến dự, được phát thanh trên đài và nay cuộn băng video thu cuộc “hội luận” đó đã được đưa lên mạng lưới toàn cầu.

 

Lý Tống nghe nói hiện đang ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn đã chưa có phản ứng gì sau cuộc hội luận độc diễn của Trần Mạnh Quỳnh. Chưa không  có nghĩa là không!

 

10 năm qua, đã không có sự xích mích công khai giữa hai người hùng gốc “đất thần kinh” này, bởi vậy người ta vẫn chưa hiểu lý do, động cơ nào thúc đẩy họ mở một cuộc chiến chẳng có lợi cho cả hai người.

 

Để rộng đường dư luận, TVTS Online cho đăng các bài viết của hai ông Trần Mạnh Quỳnh và Lý Tống đã được đăng trên các phương tiện truyền thông, mở đầu bằng  lá thư của Trần Mạnh Quỳnh, được đăng trên một trang website với cái tít giựt gân: “Lá thư Trần Mạnh Quỳnh vạch mặt Lý Tống”.

 

San Jose 17/06/2008

Kính gửi quý Cơ Quan Truyền Thông, Hội Đoàn và Thân Hữu,

 

Xin gửi tới quý vị Thư Ngỏ sau đây để trình bầy về một sự việc liên hệ tới cộng đồng.

 

Cũng xin nhờ quý vị vui lòng giúp đỡ phổ biến rộng rãi thêm vì chúng tôi chỉ có một số địa chỉ giới hạn.

 

Chân thành cảm tạ,

Trần Mạnh Quỳnh

 

Thư ngỏ của Trần Mạnh Quỳnh nhân dịp Kỷ Niệm Ngày Quân Lực VNCH 19/6/2008

 

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Quân Lực 19/6, với tư cách là một cựu quân nhân Quân Lực VNCH và một thành viên của cộng đồng người Việt tại San José, tôi xin gửi tới quý hội đoàn và đồng bào lá thư này để đóng lại một vở hài kịch đã làm thương tổn danh dự của quân lực VNCH và uy tín của cộng đồng người Việt tại San Jose trong thời gian qua: đó là huyền thoại Lý Tống.

 

Nhờ vào huyền thoại, Lý Tống đã đóng vai 1 cựu sĩ quan quân lực VNCH nhưng hành xử một cách lố lăng để tạo sự chú ý và thương mại hoá những hành động nhân danh chính nghĩa.

 

Cũng nhờ vào huyền thoại, Lý Tống đã thực hiện một cuộc “Tuyệt thực” vô lý và khó tin để đòi hỏi bằng được Thành Phố San Jose phải chiều theo ý của ông ta trong việc đặt tên cho 1 khu thương mại, lối tranh đấu này đã làm dư luận các sắc dân địa phương coi thường cộng đồng người Việt tại San Jose.

 

Nay sau khi sinh hoạt tại San Jose đã bình thường trở lại, không còn có cảnh có một người Việt ngồi ăn vạ tại trung tâm thành phố làm đề tài đàm tiếu cho các sắc dân khác, tôi là Trần Mạnh Quỳnh, xin trình bầy với đồng bào về quá khứ gian dối và bất xứng của Lý Tống, để sau khi những sự thật này được phơi bầy ra ánh sáng, Lý Tống sẽ không còn khả năng để tạo trở lại những xáo trộn trong sinh hoạt của thành phố San José, làm mất thể diện cho quân lực VNCH, cho tập thể cựu tù nhân chính trị và cho đồng bào trong vùng.

 

Với tư cách là một người đã từng tin theo những huyền thoại của Lý Tống, nhưng sau bị nhốt tù chung với Lý Tống tại VN trong thời gian từ năm 1993 tới năm 1998, tôi đã được nghe những gì đương sự tuyên bố trong tù và thấy tận mắt lối hành xử của đương sự với các bạn tù và cai ngục.

 

Tôi có thể nói Lý Tống chỉ là một người mắc bệnh tâm thần, bại hoại, hoang tưởng và có nhiều hành động không lương thiện.

 

Tôi đã được VC phóng thích trở về Mỹ cùng với Lý Tống vào cuối năm 1998, từ đó tôi trở về nếp sống của một người dân thường và cố gắng im lặng khi thấy Lý Tống khoa trương những chuyện không hề xẩy ra hoặc chỉ là một phần nhỏ sự thật.

 

Trong lá thư này tôi chỉ xin nêu lên một số điểm chính và dành quyền tự bào chữa cho Lý Tống trong một buổi đối chất công khai được tổ chức trong vòng một tháng trước mặt bởi chính đương sự hay do bất cứ những ai đang tin y là anh hùng hoặc tôn sùng y như là thần tượng.

 

Nếu trong vòng 2 tuần về phía Lý Tống không cho biết sẽ trách nhiệm tổ chức buổi đối chất này, tôi sẽ nhờ tới quý vị đồng bào và hội đoàn nào muốn thấy cơ hội để biết rõ về Lý Tống và đánh giá các điều nhận định của tôi, giúp cho tôi tổ chức buổi gặp gỡ đồng bào và các cơ quan truyền thông, dầu Lý Tống chấp nhận hay từ khước tham gia.

 

Sau đây là vài nhận định của tôi về “Huyền Thoại Lý Tống”:

 

Những dấu hiệu hoang tưởng đầu tiên của Lý Tống.

 

Năm 1992 tôi là một trong những người rất ngưỡng mộ Lý Tống vì Lý Tống đã thả truyền đơn chống cộng xuống Sài gòn. Tuy nhiên sự ngưỡng mộ này cũng có phần bị giao động khi được mục kích tờ truyền đơn, thấy nội dung thật ngây ngô khi y tự ký tên Lý Tống là Tổng Tư Lệnh lực lượng nổi dậy. Trong khi đương sự chỉ là một cá nhân đơn độc, nhẩy dù xuống tới đất là bị bắt ngay, không có tới một người thứ nhì hậu thuẫn.

 

Lúc đó tôi chỉ mong đó là tờ truyền đơn do VC làm giả vì với nội dung như vậy thì rõ ràng tác dụng chống cộng chẳng có gì và Lý Tống chỉ là một người hoang tưởng, liều mạng để được nổi tiếng.

 

Tôi cũng đà công phẫn về cuốn phim của ký giả Nam Trân mô tả một Lý Tống dị hợm và hèn nhát trước Toà Án VC, tôi nghĩ rằng đó cũng là tài liệu ngụy tạo.

 

Nhưng sau này qua một thời gian dài gần gũi với anh ta cũng như các bạn tù khác, tôi mới biết anh ta còn hèn hạ hơn 10 lần như thế, tôi có lỗi với Nam Trân khi đã nghi ngờ như vậy.

 

Căn bệnh mầu mè, trình diễn khoác lác cố tạo sự chú ý một cách kệch cỡm của Lý Tống khi ở trong tù.

 

Đầu năm 1993 tôi từ San Jose về Sài gòn, bị VC bắt và khép vào tội “Âm mưu phá hủy tượng đài Hồ Chí Minh” tại Tòa Đô Chính cũ và Bến Nhà Rồng. Sau khi bị kêu án 20 năm tù tôi được chuyển tới nhà tù Xuân Phước cùng 4 đồng phạm, nơi đây tôi bị giam chung với Lý Tống và chứng kiến con người thật của đương sự.

 

Ở trong tù, Lý Tống vẫn bị ám ảnh bởi căn bệnh khoác lác, mầu mè, đương sự không ngừng giả bộ như sắp vượt ngục, lối đóng kịch này thường làm ngạc nhiên và tức cười những người bị giam chung, đôi khi cũng làm phiền cho những ai có ý định vượt ngục thực sự, vì hành động gỉa bộ của Lý Tống chỉ làm tăng sự chú ý của cai ngục đối với các anh em khác đang âm thầm tìm cách vượt thoát.

 

Con người Lý Tống trước kẻ thù.

 

Thái độ bất thường của Lý Tống không làm tôi quan tâm hay nghi ngại thời gian đầu, tôi đã thân thiết với đương sự và cùng toan tính vượt ngục với Lý Tống. Chuyến vượt ngục này không may thất bại do Lý Tống không thật tâm và sợ hãi, sau đó tôi có thì giờ sống và quan sát đương sự nhiều hơn và đã rất thất vọng trước liên hệ của Lý Tống với quản giáo.

 

Lý Tống làm thân và tìm sự ưu đãi của cai ngục bằng một phương pháp mà một sĩ quan quân lực VNCH hay một tù nhân chính trị không bao giờ làm!

 

Đó là đương sự luôn luôn dựa hơi thân nhân phục vụ bên phía VC để được ân huệ. Lý Tống chỉ là một tên giả, tên thật của đương sự là Lê Văn Tống, đương sự luôn luôn khoe bằng Liệt Sĩ của Bố và Anh là Lê Văn Nhân để được cai tù ưu đãi.

 

Chuyện bán danh dự để được quản giáo cho ăn uống no say trong tù đã được Lý Tống kể lại trong phần  IV bài viết Người Mù Sờ Voi phổ biến ngày 5/4/2008 với những chi tiết man trá để tự tôn và miệt thị các bạn tù thời đó.

 

Vì ganh tị, Lý Tống có thể phản bội dễ dàng.

 

Vì thái độ thiếu tư cách và khoa trương của Lý Tống, tôi xa lánh dần đương sự và lần vượt ngục thứ nhì, tôi đã thực hiện với một bạn tù khác là anh A-Quý thay vì Lý Tống.

 

Chuyện vượt ngục phải dấu cai ngục đã khó mà dấu bạn cùng tù lại còn khó hơn. Tuy không rõ một cách chắc chắn nhưng đoán là tôi dự mưu vượt ngục với một bạn tù khác là A Quý, Lý Tống đã có những hành động phá hoại rất vô lương tâm mà tôi chưa tiện trình bầy chi tiết trong bức thư này.

 

Vào đêm anh A Quý và tôi vượt ngục, khi chúng tôi đã tới hàng rào trại thì Lý Tống làm ồn ào một cách bất thường trong phòng giam của y, báo động toàn trại, và hai chúng tôi đã bị bắt lại trong khi đang leo qua hàng rào trại giam. Hình phạt cho tôi sau đó đã bị tăng từ 20 năm thành chung thân khổ sai.

 

Năm sau, nhờ sự tranh đấu của đồng bào và can thiệp của chính giới Mỹ, và cũng do thay đổi trong cuộc diện chính trị, cả tôi và Lý Tống đều được phóng thích và trục xuất về Mỹ (tháng 9 năm 1998).

 

Mười năm sau, Lý Tống vẫn tiếp tục phản bội một cách vô liêm sỉ.

 

Trong bài Mù Sờ Voi, tại đoạn IV với tiêu đề “Tiền Việt Cộng” Lý Tống đã viết như sau:

 

Mỗi hành động cần được đánh giá theo động cơ, mục đích và cách suy luận. Sau vụ Tuyệt thực nguyên tháng 4/1995 tại nhà tù Ba Sao, Nam Hà, và được thỏa mãn toàn bộ 4 yêu sách (Tù Chính trị không ở chung với Tù Hình sự, Tù Chính trị không lao động, được đọc sách Báo tự do, được sinh hoạt bình thường), mỗi tháng tôi được tay Đại Tá Giám Đốc Trại Nguyễn Tiến Lấn mời lên văn phòng nhậu một lần .

 

“Ông Nổ Tượng,” một đồng tù cũng ở Mỹ về bảo tôi: “Coi chừng ông bị quay phim gửi ra nước ngoài là cháy đấy!” Tôi cười trả lời: “Tôi chỉ mong được quay phim, đưa về Mỹ, để thân hữu bên đó chứng kiến cảnh một người tù được Giám Đốc Trại tự tay rót rượu và mời một cách trân trọng để họ biết có những loại người sống trong nhà tù địch vẫn được địch kính nể về tiết tháo, tư cách của mình. Còn ông, dù không uống rượu, nhưng cảnh ông xun xoe, điếu đóm khi tiếp chuyện sếp Trại nếu bị quay phim, đưa ra nước ngoài thì không chỉ bị cháy mà còn bị thiên hạ nhổ vào mặt nữa .”

 

Chuyện Lý Tống huênh hoang bốc phét là điều không lạ, người ta không khen nhưng chấp nhận vì không rõ các khía cạnh hèn kém và dối trá của đương sự. Tuy nhiên, qua những điều đương sự viết ra về một bạn tù cũ là cá nhân tôi mà y gọi là “ông Nổ Tượng”, không có gì thù oán hay chống đối y, mà chỉ vì Tống muốn dìm người khác xuống để tự tôn mình lên, y không những đã dối trá về những bữa ăn mà quản giáo Nguyễn Tiến Lân đãi “con Liệt Sĩ lầm đường theo Ngụy Lê Văn Tống” gọi là chút tình đối với Cha y, thành bữa tiệc được mời trịnh trọng!

 

Mà Tống còn những lời lẽ xấc xược xuyên tạc với bạn đồng ngũ và đồng tù, thì là hành động vô lương tâm không thể tha thứ được. Hành động vô lễ và thiếu giáo dục này không phải chỉ nhằm vào cá nhân tôi mà vào nhiều bạn đồng tù khác…

 

Cũng may, thời gian 10 năm qua chưa đủ lâu nên nếu Lý Tống dám đối chất với tôi như đã đề cập ở phần đầu bức thư, y sẽ có dịp gặp lại một số bạn tù cùng giam với y và tôi trong thời gian 93-98, những người này sẽ làm nhân chứng cho những gì tôi nói, để rồi sau đó Lý Tống sẽ đi vào quên lãng, không còn tiếp diễn trò huênh hoang lừa bịp hay liều mạng để tô vẽ cho cái mẽ ngoài anh hùng cá nhân của y hòng kiếm tiền một cách không lương thiện như y đã từng dự định ở trong tù.

 

Trần Mạnh Quỳnh