Tân Tây Lan (10- kỳ chót): Những thú vị về cảnh và người ở Wellington

09 Tháng Hai, 2022 | Du lịch,Tân Tây Lan
Cổng chào của vườn bách thảo, hậu cảnh là núi và vịnh Wellington

Nguyễn Hồng Anh

Những lúc cả gia đình cùng đi du lịch, trong lúc con cái đang còn ngủ vợ chồng chúng tôi thường dậy sớm ra phố uống cà phê và ngắm cảnh, đi dò la xem nơi nào đẹp, hấp dẫn và tiện lợi để mọi người có thể đi thăm quan trong ngày.

Chúng tôi nhìn vào bản đồ, đi lần lên trung tâm phố xá và sau đó ra bờ biển là nơi tôi vẫn thích đến nhất trong mọi dịp đi du lịch. Thành phố Wellington coi bộ không lớn. Từ đường Victoria Street đi lên hướng bắc đến gần khu vực xem ra gần biển, chúng tôi nhập vào đường Customhouse Quay nằm song song ở phía trái. Rẽ trái, thêm một hai đường nữa thì gặp Lambton Quay, con đường này nhộn nhịp, có nhiều cửa tiệm bán áo quần, có cả trạm xe Cable Car mà chúng tôi đã thấy trên bản đồ khi tìm book khách sạn, nhưng chưa hiểu xe dây cáp như thế nào, có giống Cable Car đi từ núi này qua núi nọ không.

Như những binh sĩ tiền phương, chúng tôi  đi ra hướng biển, khu bến tàu Lambton Quay. Chúng tôi ra cầu tàu Queens Wharf là khu vực giải trí nằm sát phố. Nơi đây có tàu cho du khách thuê như thuyền buồm, có máy bay trực thăng phục vụ khách xem thắng cảnh và có cả một chiếc tàu của hải quân là chiếc HMAS Diamantina, hình như đã trở thành một loại bảo tàng viện hàng hải—Wellington Naval Museum.

Các tour xem thắng cảnh bằng trực thăng ở đây (Shed 1, Queens Wharf) do www.helipro.co.nz thực hiện.

Các chuyến đi tour từ 10 phút ($95/người) cho đến 4 tiếng ($580/người và phải có tối thiểu 4 người mới bay).

Có tour ngắn chỉ 1 giờ 15 phút có tên Marlborough Sounds Safari với lệ phí $640/người. Bạn sẽ có dịp ngắm cảnh phía bắc của Đảo Nam, đường thủy chằng chịt, kênh, những luồng nước (waterway) giữa vô số đảo và quần đảo ở nơi mà ngày xưa Thuyền trưởng James Cook đã đậu chiếc Endeavour

Trực thăng ở cầu tàu Queens Wharf: những trò du ngoạn tốn tiền

Đi xa hơn nữa về hướng bắc dọc đường Waterloo Quay sát bờ biển sẽ gặp bến tàu đò (ferry terninal) nơi có những chuyến tàu đi qua lại giữa Wellington và Picton ở Đảo Nam.

Làm xong nhiệm vụ quan sát tổng quát, chúng tôi trở về khách sạn,  chỉ mất khoảng mươi phút đi bộ.

Wellington Cable Car Museum

Bây giờ cả gia đình cùng lên đường, cứ tới trạm Cable Car giữa ở trung tâm phố để xem Cable Car là cái chi chi.

Nằm trên đường Lambton Quay (còn gọi là khu Lambton), nhưng bạn phải đi sâu chút như vào trong con hẻm. Tới quầy xin tờ hướng dẫn. Thấy từ trạm này đi nhiều nơi, mà toàn là đi lên đồi: Này Botanic Garden, vùng Kelburn, học xá Đại học Victoria.

Hỏi người bán vé thì được biết có vé đi cả ngày và vé một chuyến. Lần đầu tiên đến Wellington, lớ ngớ không biết Cable Car sẽ đưa mình tới đâu, đi bao xa. Cầm tờ giấy hướng dẫn đứng trước quầy vé đọc chữ được chữ mất, vì còn những người xếp hàng mua vé. Phải quyết định nhanh. Rõ khổ!

Người bán vé cho biết đoạn xa nhất là Botanic Garden, lên trên đó ngắm cảnh thành phố, xem hoa, cây cỏ, bảo tàng viện xe dây cáp… và đề nghị chúng tôi chỉ mua vé khứ hồi $10/người. Ừ, đi lên thấy không thích thì đi xuống, mua khứ hồi là đủ rồi (sau này chúng tôi mới tiếc, bởi biết trước chỉ mua vé đi lên đồi, vì khi đi xem thì đã xuống đồi hồi nào không hay, dù ở khu khác).

Xe dây cáp chạy mỗi 10 phút, suốt ngày từ 7am đến 10pm;  Thứ Bảy, Chủ Nhật và các ngày lễ bắt đầu chạy hơi trễ một chút, từ 8.30am hay  9am.

Gia đình chúng tôi trên chiếc xe trưng bày trong viện bảo tàng Wellington Cable Car Museum

Khi xe chạy một đoạn, mới biết tuyến đường này rất ngắn, chỉ mất vài phút. Đỉnh nằm trước tầm nhìn của mắt. Lâu là vì chạy lên núi nhờ dây cáp kéo cuộn. Gọi Cable Car là thế. Giữa đường thấy khách nhảy xuống hai trạm trong đó có một trạm gồm khách  sinh viên đi học ở Victoria University và sống trong những cư xá gần đó. Những người đi tiếp hẳn là du khách—ngoại quốc hay địa phương.

Để cho cư dân có phương tiện đi lên Botanic Garden và những khu vực lân cận ở trên cao, người ta đã nghĩ ra việc thực hiện đường xe dây cáp. Một số tù nhân đã được sử dụng với thợ thầy dùng cuốc xẻng để xẻ núi, đào ba cái hầm thực hiện con đường dài 620 mét từ dưới đường Lambton Quay lên đỉnh đồi cao 120 mét.

Chiếc xe tram sẽ được kéo trên đường rầy bằng dây cáp, kéo lên đồi bằng trục quay vòng tròn (funicular)  chạy bằng hơi nước. Trục này nằm trong hầm nhà trên đồi. Một chiếc được kéo lên trong khi chiếc kia tuột xuống, tạo sự cân bằng.

Khai trương vào năm 1902, trong năm đầu có đến 425,000 lượt đi, là một sự thành công. 10 năm sau, lượt người đi lên tới 1 triệu, tuy nhiên việc kinh doanh tuyến đường xe dây cáp này  cũng có lúc bị thất bại bởi nhiều lý do, kể cả bị xe bus cạnh tranh sau này.

Năm 1933, điện thay thế hơi nước để vận hành những bánh xe kéo xe lên đồi. Đến năm 1978  những toa xe tram với những hàng ghế ngồi bên ngoài dọc thân xe không an toàn đã được thay thế bằng những toa mới được dùng cho đến ngày nay.

Trục quay dây cáp và chiếc xe tram đang được kéo từ dưới thấp lên đồi

Hai toa xe kiểu ngày xưa được cất giữ trong bảo tàng viện nằm gần trạm chót cho du khách tham quan. Tại đây có những phòng mô tả cuộc sống và y phục của phụ nữ thời  đầu thế kỷ 20. Có bán những đồ kỷ niệm, nhất là áo quần làm bằng da của con possum.  Địa chỉ chính thức: số 1 Upland Road, Kelburn.

Người Kiwi khác người Aussie ở chỗ họ không “ke” việc giết possum lấy da (ở Úc đụng mấy con possum là phải coi chừng, vì chúng được bảo vệ bằng đạo luật, vi phạm có thể bị phạt tiền hay nằm nhà đá).

Có nhiều áo da possum rất đẹp, giá vài trăm đô la. Hay găng tay vài chục. Tôi muốn mua một bộ găng tay để làm kỷ niệm hay mang vào mùa đông nhưng rồi nghĩ có thể chuốc phiền toái, sự khó chịu nơi người khác nên đành thôi, bởi nhớ vụ ông John So hồi còn làm đô trưởng Melbourne mặc áo lông possum bị phê bình.

Wellington Cable Car Museum được quảng cáo là nơi thu hút du khách khi họ thăm viếng thủ đô Tân Tây Lan và từng chiếm giải thưởng về du lịch. Nhưng đối với chúng tôi, vườn bách thảo mới là nơi chúng tôi thích và dành nhiều thì giờ để đi rong và xem.

Vườn hoa hồng Lady Norwood Rose Garden trong Botanic Garden

Wellington Botanic Garden

Bạn đã nghe Vườn treo Babylon chưa? Hanging Gardens of Babylon– một thứ vườn nằm trên cao, nhưng không phải treo mà chồng lên nhau, được coi là một trong 7 kỳ quan cổ đại nằm ở đâu đó tại nước Iraq ngày nay.

Truyền thuyết nói rằng vườn treo được vua Nebuchadnezzar II của xứ Chaldean xây vào khoảng năm 600 trước Công Nguyên để làm vui lòng bà vợ nhớ quê nhà có nhiều cây và hoa thơm ở xứ Ba Tư (Persia nay là Iran) của bà.

Vườn được xây như những ban-công chồng lên nhau (như các cung điện nhiều tầng) gồm nhiều bậc được chống đỡ bằng những cột trụ hình ống, rộng 30 mét mỗi bề và cao tới 20 mét.

Vườn này được nhiều sử gia cổ Hy Lạp nhắc đến, sau này được một số họa sĩ danh tiếng ở thế kỷ 20 vẽ lại, nhưng cũng chỉ là truyền thuyết mà thôi bởi người ta vẫn chưa thống nhất với nhau về địa điểm của Vườn treo Babylon.

Vậy thì mời bạn cùng tôi đi xem “Vườn treo” Wellington cao đến 120 mét và rộng tới 25 hếc-ta. Đi mệt thì nghỉ. Nơi nào cũng có chỗ đáng ngắm.

Royal Botanic Garden của Melbourne nổi tiếng thế giới nhờ đẹp, có đến 10,000 loại cây khác nhau, nằm trong một khu vực rộng đến 36 hếc-ta với những đồi thoai thoải, vườn cỏ mênh mông và cạnh những di sản như  Dinh Toàn Quyền (Government House), nơi trình diễn nhạc ngoài trời Sidney Myer Music Bowl, Đài Chiến Sĩ Trận Vong (Shrine of Remembrance). Đất Royal Botanic Garden có nơi cao nơi thấp nhưng không giống Wellington Botanic Garden, hoàn toàn nằm trên đồi cao, là một nơi “phải” đến xem. Đẹp và mát mẻ. Thơ mộng nữa chứ.

Khẩu đại bác nằm trong khu vực đài thiên văn Carter Observatory chĩa ra vịnh Wellington

Bạn có dịp nhìn thành phố bên dưới, những dãy núi chung quanh vịnh, tôi không biết người ta gọi là vịnh gì, cứ tạm gọi là vịnh Wellington. Một vịnh không quá lớn và không quá nhỏ, có một hòn đảo nằm ở giữa, mắt trần có thể thấy. Đứng trên  cao tôi ngắm vịnh mất cả nửa tiếng, nếu vợ con không thúc… đi, đi xem vườn bách thảo.

Cầm bản đồ nhưng chúng tôi không buồn nhìn kỹ, nhắm mắt đi bởi đường nào cũng… nằm trong vườn bách thảo, gặp gì coi nấy.

“Ma đưa lối quỷ dẫn đường” nên cứ thế mà đi, về hướng bắc vài trăm thước thì gặp ngay đài thiên văn Carter Observatory, đài viễn vọng quốc gia của Tân Tây Lan, nhưng xui thay, vì đang bị đóng cửa để tân trang, sẽ mở cửa vài tháng sau.

Thôi, không xem được đài thiên văn, hãy tạm ra đùa với khẩu súng đại bác thật to đang chĩa ra vịnh. Khẩu đại bác dài, họng lớn bỏ cả cái đầu gần lọt. Chúng tôi chơi đùa bắn súng ca-nông như trẻ con làm những du khách đi qua phì cười.

Đường có nhiều cây cối đẹp, rất nhiều loại tùng bách (conifers, những loại cây hình nón) thì cứ đi mà thưởng thức. Gặp Sundial of Human Involment, đồng hồ mặt trời. Cả đời người tôi đã từng nghe nói về đồng hồ mặt trời, sundial, nhưng hôm nay mới tận mắt thấy và thực tập xem giờ bằng ánh mặt trời.

Có nhiều loại sundial nhưng Sundial Human Involment  là một loại cần có sự tham dự của con người mới biết giờ giấc. Làm theo bảng chỉ dẫn, tôi đứng vào tháng November ngày 14, lưng quay về phía mặt trời hai tay chấp vào nhau để trên đầu và thấy bóng của hai bàn tay chỉ giữa số 1 và 2, tức một giờ rưỡi trưa. Tuyệt vời, mức chính xác chỉ cách nhau vài phút so với đồng hồ… Thụy Sĩ.

Tác giả đang thử dùng đồng hồ bằng mặt trời Sundial Human Involment: bóng bàn tay cho thấy 1 giờ rưỡi

Đồng hồ gồm hình vẽ ellipse với ngày tháng ghi chung quanh hình ellipse, phía trước có 14 cột đá, ghi số 1 ở giữa, bên phải tuần tự từ số 12, 11, 10, 9, 8, 7 (tức 7 giờ sáng) bên trái tuần tự  từ 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 (tức 8 giờ chiều)… không có giờ tối và khuya bởi lúc đó không có mặt trời.

Tiếp tục đi xuống dốc về hướng tây gặp Children’s Play Area, dành cho trẻ con vui chơi nhưng người lớn có thể ngắm cây cối dưới thung lũng và nhà cửa bên kia sườn đồi.  Nhà cửa ở lưng đồi cất theo kiểu mới màu trắng, ló ra khỏi những lùm cây xanh trông rất đẹp, nhìn mà mê.

Một loại đồng hồ Sundial khác, không cần sự tham dự của con người để biết giờ giấc

Cứ đi, bạn sẽ thấy Treehouse Visitor Centre mà bàn làm việc của văn phòng là những tấm gỗ lớn cắt ngang từ thân cây bự. Chung quanh “Treehouse” có những cây như thông bản địa Norfolk Island Pine hay tùng của Nhật như Japanese Cedar. Treehouse nằm cao trên các chóp cây, còn dùng làm nơi tổ chức những cuộc hội thảo quốc tế.

Đi xuống nữa bạn gặp Duck Pond, có nhà thủy tạ và đàn vịt. Bạn đã ở chân đồi rồi đó, và  bên ngoài là đường cái, nhưng mới chỉ đi một phần hay một đoạn của vườn bách thảo.  Ra ở đây là ra cổng chính Founders (Main) Entrance, có trạm xe bus đi tới phố.

Nhưng chúng tôi còn cái vé khứ hồi của xe dây cáp. Bỏ đi sao? Hay trèo lên lại đồi như  một du khách mới để rồi lại xuống đồi bằng xe dây cáp? Chúng tôi quyết định đi lên đỉnh đồi, không vì cái vé khứ hồi mà vì muốn xem thêm cảnh vật của vườn bách thảo.

Đi vòng về hướng bắc, chúng tôi gặp vườn cỏ Sound Shell Lawn, những cây tùng thấp (dwarf conifers) và nhất là được ngắm vườn hoa hồng nổi tiếng Lady Norwood Rose Garden, xây trong một khu đất hình tròn chia làm 8 mảnh, đứng xa trông đẹp mắt như hình khối bát giác.

Qua vườn cây thuốc (Herb Garden) lại gặp một đồng hồ mặt trời Sundial đơn giản khác do hội Wellington Herb Society dựng vào năm 1975, nhưng chúng tôi không biết xem giờ.

Tiến lên đồi, bạn sẽ gặp Listening and Viewing Device Sculpture, một kiến trúc trông giống cái phễu đổ nước mà tôi chẳng hiểu để làm gì. Lại gặp một bức tường bằng đá cẩm thạch lớn gọi là Rudderstone Sculpture trông  như một bức tranh với màu trắng và xanh (của mây nước), những sọc chạy dài là hình ảnh quen thuộc của những người đi biển và dân cư  Thái Bình Dương.

Chúng tôi đã trở lại trạm xe Cable Car trên đỉnh đồi. Tôi đứng nhìn một lát cảnh thành phố trên vịnh, thu thập bằng mắt, ghi nhớ bằng ký ức và bằng máy ảnh bởi nghĩ rằng sẽ không có dịp trở lại thủ đô Wellington. Tôi đã thỏa mãn với một buổi trưa trên “vườn treo” Wellington.

Bức tường bằng đá cẩm thạch lớn gọi là Rudderstone Sculpture

Từ Quốc hội về khu đa văn

Xuống phố. Trời đã về chiều. Làm gì bây giờ? Thôi thì đi dạo phố và mua sắm. Mục này thì con cái thích. Nhưng rồi cũng chẳng sắm sửa được bao nhiêu, ngoại trừ một vài đồ kỷ niệm bởi vì những gì ở Wellington có, bên Úc đều có, đôi khi còn rẻ hơn.

Rồi chúng tôi ra phía biển, đi dọc bờ  lên hướng bắc, dự trù chừng nửa tiếng thì quẹo trái vòng lại. Và khi vòng lại thì thấy một căn nhà xem ra hơi lạ hình tròn như cái thùng tô-nô. Chúng tôi kéo nhau vào xem thử đây là cái chi.

Hóa ra mình đang đứng sau tòa nhà quốc hội. Vòng tới trước thì thấy cả một tòa nhà lớn và cổ kính như quốc hội ở Melbourne dính liền với tòa nhà hình kỳ lạ đó. Bây giờ chúng tôi mới biết đấy là Beehive, là một phần trong quốc hội Tân Tây Lan.

Có dự trù sẽ đi xem cho biết hay tệ lắm chụp hình. Nay đi lang thang tình cờ gặp, thích quá. Tổ Ong và Quốc Hội mở cửa cho công chúng vào xem tự do theo lối đi tour, có người hướng dẫn.

Các tour bắt đầu mỗi giờ. Tour đầu tiên 10am và tour cuối cùng bắt đầu lúc 4pm. Thứ Bảy và các ngày lễ nghỉ, tour cuối cùng lúc 3pm.

Nhưng hôm nay là Thứ Bảy, đã hơn 3 giờ chiều, chúng tôi đã bỏ lỡ cơ hội hiếm có.

Chúng tôi trở về khách sạn bằng một con đường song song với bờ biển để khám phá phố xá bên trong của Wellington. Vợ con lên phòng cất đồ mua sắm, chuẩn bị cơm tối trong khi tôi –luôn luôn khỏe, đi không biết mệt—tiếp tục đi một mình để khám phá khu phố trong vùng được xem là trung lưu, đa văn có tên Te Aro.

Beehive (Tổ Ong), là một phần trong phức hợp quốc hội Tân Tây Lan

Te Aro là khu đất bằng bao bọc bởi ba ngọn núi, là một phần của trung tâm thành phố và có nhiều dịch vụ giải trí nhất ở Tân Tây Lan (Tòa thị chính cũng nằm trong khu này, cách khách sạn chúng tôi ở chừng trăm mét).

Gọi là khu đa văn cũng đúng bởi ngoài dân Pakeha chiếm đa số (77.7%), sắc dân đứng hàng thứ hai trong ngoại ô này là người Maori (8.4)% và Trung Hoa (4.7%). Người Anh /Ái Nhĩ Lan đứng hàng thứ 4 (3.1%) và sau đó Ấn (2.2%), Samoa (1.8%) và Úc 1.3%)—theo tài liệu từ wikipedia.

Người Pakeha là người không phải gốc Maori nhưng là con cháu người Âu Châu, di dân phần lớn từ Anh, Ái Nhĩ Lan và các nước khác như Hòa Lan, Đức, Nam Tư. Nói cách khác Pakeha là… người Tân Tây Lan, tức New Zealanders.

Không thấy ghi người Việt bởi vì như ông bạn Lý Hồng Giang cư ngụ mấy chục năm ở đây nói thì không có là bao. Trong số khoảng 375,000 dân ở Wellington, người Việt có chừng 1000 và đa số là sinh viên du học. Tuy vậy, trong thời gian ở đây chúng tôi có gặp một gia đình người Việt có anh chị em làm chủ hai kiosk bán thức ăn trong một trung tâm thương mại dưới hầm ở trung tâm thành phố.

Khách sạn chúng tôi nằm ở góc đường Victoria Street và Dixon Street, là con đường lớn của khu Te Aro. Đường này nối dài với Courtenay Place, được cắt ngang bởi Cuba Street (có những đoạn là mall, dành cho người đi bộ) là những con đường chính trong khu này.

Mua sắm, ăn uống mặc sức. Có nhiều đồ sale, đồ rẻ tiền. Có nhiều tiệm ăn từ Ý, Cuba (có đường mang tên Cuba mà), Pháp đến Ấn… Chúng tôi đã chọn một tiệm ăn Đại Hàn và lại ăn những món thịt nướng kiểu Đại Hàn. Chủ nhân và những người làm việc ở đây là người Đại Hàn nhưng không hiểu sao món kim chi không ngon bằng kim chi ở Hán Thành.

Khu phố Te Aro ngoài đa văn còn đa tính nữa. Đây là tụ điểm của những người đồng tính ở Wellington. Cộng đồng này có hai quán rượu dành riêng cho họ. Bởi vậy, vào khu này trông vui lắm.

Cạnh bức tượng doanh gia John Plimmer (1812-1905) và  chú chó Fritz, Lambton Quay, Wellington: Mua sắm là cái thú khi đi du lịch…

Nghe “sex” mệt nghỉ

Người ta thường nói “chửi cha không bằng pha tiếng” khi bị người khác miền nhại giọng nói của mình. Nhưng phát âm khác nhau chẳng là gì so với nói ngọng đối với một số từ, như câu chuyện người đàn ông ở Chợ Lớn (phát âm chữ Đ thành L)vượt biên bị công an VC bắt, khi được thả về kể rằng “ngộ thấy người bị giam trong đồn đông ơi là đông”.

Nhiều người trong một vài vùng ở miền bắc Việt Nam phát âm chữ N thành L (và ngược lại) là đề tài để người ta diễu cợt, nhất là đối với cán bộ VC sau năm 1975.

Nhưng lạ một điều tôi chưa bao giờ nghe người ta phát âm sai chữ tiếng Anh như tên của nhà hàng McDonald. Dù ít học (hay chỉ nghe tên nhà hàng qua âm thanh), người ở xứ nói lộn N thành L nhất định vẫn nói “tôi ăn mắc-đô-nồn”. Hay thật! Có lẽ vì đấy là tiếng “húy kỵ” nên không dám nói lộn.

Cũng vậy, một số tiếng Anh do người Mỹ, Anh, Úc phát âm khác nhau, có lúc làm mình hiểu nghĩa khác.

Nhưng không “bức xúc” bằng một chữ phát âm mà tôi thường xuyên nghe khi người Tân Tây Lan “vô tư” nói khi đếm tiền, đếm đồ vật.

Ban đầu tôi không hiểu, nhưng sau đoán và muốn nắm chắc là mình đoán đúng bằng cách hỏi con  có phải vừa rồi họ nói “sex” không thì được trả lời “ba không biết người Kiwi thay vì phát âm six họ nói sex sao?”.

Lần đầu tiên biết, bởi hàng ngày phải nghe khi mua sắm.

Không tránh được nghe tiếng “sex”, làm tôi cứ phải nhìn cái miệng của họ, nhất là các bà các cô khi đếm số 6 mà cứ nói “sex” một cách ngọt lịm.

Nhưng nghe nhiều đến độ làm tôi cứ tưởng tượng rằng mỗi khi tôi hỏi món hàng kia còn bao nhiêu cái mà họ trả lời  “I have sex” thì họ sẽ không đỏ mặt mà chính là tôi. Mang ý tưởng “hắc ám” đó trong đầu nên tôi cứ muốn phì cười khi các bà các cô thối tiền và đếm. May mà chỉ đếm one, two, three, four, five… sex, chứ không nói “tôi có 6”.

Người ta nói rằng khi nghe ai nói tôi thích ăn “feesh and cheeps” thì người đó là Úc thòi lòi; còn nếu ai thích “fush and chups” thì dứt khoát họ là Kiwvi chính hiệu nai vàng.

Cuộc vui chơi nào rồi cũng qua. Bạn hỏi tôi nghĩ gì về đất nước láng giềng này? Nên đi một chuyến cho biết, bởi vì có nhiều lý thú không ngờ.

Còn hao tốn như một vài người nhận xét? Đã đi chơi thì ở đâu chẳng tốn kém, ngay tại Melbourne cũng vậy thôi.

Bài bút ký du lịch Tân Tây Lan đến đây chấm dứt. Hẹn bạn đọc trong một chuyến du lịch khác.

Nguyễn Hồng Anh

Melbourne  15.1.2010

Trích TVTS số 1242 phát hành ngày 20.1.2010