Tân Tây Lan (4): di chuyển, ngắm cảnh và ăn uống ở Auckland- nhà hàng quay

19 Tháng Mười, 2021 | Du lịch,Tân Tây Lan
Đường vào thành phố với tháp Sky Tower nổi bật trên nền trời Auckland. Hình: TVTS

Nguyễn Hồng Anh ***

Giống Melbourne từng là thủ đô của Úc trước khi trung tâm quyền lực của quốc gia dọn về Canberra, Auckland cũng đã một thời là thủ đô của Tân Tây Lan kể từ năm 1841 cho đến khi Wellington trở thành thủ đô vào năm 1865 bởi vì thành phố này nằm gần Đảo Nam (South Island), tiện lợi về mặt hành chánh.

Auckland nằm gần phía bắc của Đảo Bắc (North Island), khí hậu ấm hơn các thành phố ở phía nam, là thành phố lớn nhất của Tân Tây Lan với dân số trên 1.3 triệu người. Tại Tân Tây Lan, người Á Châu đa số là người Hoa và Ấn Độ. Người Việt Nam tại đấy là những tị nạn từ đầu thập niên 1980 và sau đó là những đợt đoàn tụ, nhưng họ đã lần lượt khăn gói qua Úc hay Hoa Kỳ sinh sống nên nghe nói còn đâu chừng 5,000 người, sống tập trung ở thành phố Auckland, một ít ở thủ đô Wellington.

Một người bạn của tôi sống trên 30 năm ở Wellington nói rằng người Việt Nam hiện nay ở Tây Tân Lan phần lớn là du học sinh. Nhiều cán bộ ở Việt Nam đưa con cái du học Tân Tây Lan và đầu tư vào việc mua tậu đất đai, nông trại.

Trên đường từ phi trường về trung tâm thành phố Auckland, đi ngang qua vùng Greenlane là địa danh nghe quen quen vì nơi đây có địa chỉ (hộp thư) của Linh mục Nguyễn Hữu Lễ, một nhà hoạt động chính trị nổi tiếng ở hải ngoại. Tôi hỏi bác tài ở Greenlane có nhiều người Việt sinh sống không nhưng bác tài cho biết chỉ có ít người Á Châu và họ là những người Hoa.

Tác giả trong nắng chiều với hậu cảnh Sky Tower. Hình: TVTS

Greenlane cách trung tâm phố chừng bốn năm cây số về phía đông nam, là vùng có nhiều cây cối. Bác tài taxi chỉ cho tôi “địa danh” Alexandra Raceway nằm trên đường từ phi trường về phố, nói đây là vùng trung lưu. Ngồi trên xe, tôi có cảm tưởng Greenlane giống Doncaster hay Box Hill ở Melbourne. Nhìn nhà cửa hai bên đường, tôi chỉ vào một căn trung bình loại ba phòng ngủ, hỏi giá khoảng bao nhiêu, bác tài cho biết chừng sáu, bảy trăm ngàn đô la NZ.

Auckland cũng làm tôi nhớ lại câu chuyện ông võ sư Nai Yin Xue người Hoa vào năm 2007  giết vợ bỏ trong cốp xe, đem con gái 3 tuổi qua Úc và dục ở ga Melbourne trước khi trốn qua Mỹ và sau đó đã bị bắt, bị dẫn độ về Auckland hầu tòa. Vì thế tôi muốn tới xem một khu vực tiêu biểu người Hoa sinh sống. Bác tài nói tên vùng hai ba lần nhưng tôi không thể nhớ được—có thể do tiếng Anh của bác tài xế trung niên này khó nghe mà cũng có thể danh từ bản địa khó nhớ– chỉ biết rằng nó nằm ở miền đông và cách trung tâm thành phố chừng 20 phút lái xe.

Chúng tôi chỉ ở Auckland một ngày và hai đêm nên đã không đi nhiều, chỉ kể cho bạn nghe những nơi nào mà chúng tôi đã đi qua.

“Cỡi ngựa xem hoa”

Cũng giống như đi tham quan các đảo bằng tàu hop-on hop-off mà tôi đã kể trong tuần trước, bạn có thể ngắm thành phố Auckland bằng xe bus. Đi kiểu này xem không đã mắt nhưng là cách nhanh nhất để bạn có một bức tranh tổng thể về một thành phố với giá rẻ.

Explorer Bus đưa du khách đi xem thành phố Auckland. Hình: TVTS

Dịch vụ này có tên Explorer Bus Hop-on Hop-off Sightseeing với những chiếc xe bus có bảng hiệu màu vàng. Bạn chỉ tốn $35 đô la NZ  (trẻ con $15) để mua vé All Day Pass Bus là có thể lên ngồi bất cứ chuyến xe nào chạy từ 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều và cứ 30 phút có một chuyến chạy từ Ferry Building (mùa đông bắt đầu 10 giờ và 60 phút có một chuyến).

Có hai tuyến đường chạy vòng tròn, một khởi hành từ trạm Ferry Building ở bến cảng, cuối đường Queen Street và một bắt đầu ở trạm Auckland Museum là nơi bạn có thể đổi xe để chạy một vòng tròn khác, xem những nơi như Eden Gardens, Mt Eden, Eden Park, St Lukes Westfield Shopping Centre, Auckland Zoo, Museum of Transport & Technology (MOTAT).

Nếu mua vé trọn ngày, bạn có thể nhảy xuống một trạm nào đó, đi tham quan một khu phố hay thắng cảnh nào đó, xong trở lại xe và tiếp tục lên xe, rồi nhảy xuống bất cứ trạm nào bạn thích, nhưng đến 4 giờ là không còn xe nữa, bởi lúc đó bạn sẽ phải đi bộ.

Chúng tôi đi lang thang trong phố một lúc và khoảng 3 giờ chiều mới nghĩ đến việc “cỡi ngựa xem hoa” nên chỉ mua vé 1 một giờ (1 Hour Ticket) giá $20 một người.

Với vé này, bạn chỉ được ngồi trên xe bus 1 tiếng mà thôi. Bạn ngồi lâu bác tài có thể biết và mời bạn xuống. Nhưng nếu bạn đổi ý và muốn đi nguyên ngày, bạn chỉ việc đóng thêm $15. Người ta nói dùng phương tiện công cộng ở Tân Tây Lan rất thuận lợi, hẳn là như thế.

Bạn có thể đứng ở bất cứ trạm nào có dấu hiệu Explorer Bus, đợi xe tới, lên xe mua vé với bác tài và “tự giác” xuống xe sau 1 giờ ngồi. Chuyến của tôi đi là chuyến chót, nên có muốn ngồi lâu cũng không được.

Cảng Waitemata chụp từ trên lầu vọng cảnh Sky Tower. Hình: TVTS

Chúng tôi đi từ trạm Civic Theatre, tòa nhà mà máy thu băng thuyết minh trên xe bus cho biết là nơi đã từng được dùng để đóng phim King Kong. Tới đâu, băng cassette sẽ thuyết minh cho bạn ở chỗ đó. Đôi lúc máy kể chuyện với nội dung không đúng với nơi bạn đến, bác tài sẽ điều chỉnh lại máy.

Từ đây, xe chạy tới các trạm Sky Tower, Victoria Park Market, America Cup Viaduct Harbour, Ferry Building, Bastion Point Lookout, Kelly Tarltons, Rose Park Gardens, Holy Trinity Cathedral, Auckland Museum và Parnell Village.

Bạn đã trở về trạm Civic Theatre rồi đấy. Nếu ngồi thêm một trạm để tới trạm Sky Tower nơi có cái tháp cao nhất nam bán cầu có lẽ bác tài cũng không làm khó bạn đâu. Tôi không biết ngồi trên xe bus ngắm thành phố theo kiểu cỡi ngựa xem hoa đã tới 1 tiếng chưa, nhưng thôi chúng ta hãy xuống vì nơi đây đi bộ về khách sạn gần. Vả lại, ngồi trên xe ngắm cảnh như thế đã đủ, nếu không muốn nói là đã bắt đầu chán. Nhưng đó là cách để biết sơ qua về một thành phố đấy bạn ạ.

AucklandMuseum. Hình: TVTS

 

Ăn uống

Đã con mắt rồi, nhưng bụng của bạn bắt đầu cồn cào rồi đó. Ăn chỗ nào đây? Đã mười giờ đêm, nhiều cửa tiệm trong thành phố đóng cửa. Các quán rượu trong những con đường nhỏ không là nơi thích hợp cho gia đình. Bạn hãy cùng tôi đến nhà hàng Patio Restaurant nằm trên đường Queen Street, cách khách sạn Mercure Hotel Windsor chừng hai chục mét.

Nhà hàng nằm trên tầng lầu một, không khí ấm cúng. Một đĩa thịt bi-tét Eye Fillet giá $30 đô Tân Tây Lan, rẻ hơn ở Úc nhiều.

Nhưng có ngon không? Khỏi chê. Cả gia đình chúng tôi hôm đó đều ăn beef steak và mọi người đều khen. Lý do? Thịt bò của Tân Tây Lan nổi tiếng ngon.

Úc là đất nước nổi tiếng về nông sản, thịt bò và thịt cừu là nguồn lợi xuất cảng hàng đầu của đất nước Miệt Dưới. Không ai có thể phê bình, chê bai thịt bò của Úc.

Nhưng bạn nên biết ở Tân Tây Lan, cừu và bò đông hơn người, hơn rất nhiều. Tùy theo năm, trung bình có gần 50 triệu con cừu và khoảng 5 triệu con bò (dân số hiện  nay khoảng 4.3 triệu người). Nếu có dịp đi xe hàng trăm cây số xuyên bình nguyên đất nước của những dải mây trắng dài, bạn sẽ thấy bò và cừu được thả đầy dọc hai bên đường. Chỉ thấy đàn cừu và bò nhởn nhơ trên những cánh đồng xanh hay những đồi cỏ, bạn sẽ thấy thịt của chúng chắc phải ngon.

Đêm đầu tiên ăn thịt bò bi-tét Tân Tây Lan ở Auckland đã khiến chúng tôi khẳng định thịt bò Tân Tây Lan rất ngon, nếu không hơn thì cũng không thua gì thịt bò của Úc.

Sky Tower, tòa nhà cao nhất nam bán cầu 

Cách đây hơn một thập niên, tôi được nghe cao ốc Rialto ở Melbourne là tòa nhà 63 tầng cao nhất nam bán cầu với chiều cao 251 mét (tính đến mái) và nếu cộng thêm ăng-ten thì cao đến 270 mét. Lầu vọng cảnh (observation deck) nằm ở tầng 55  cao 234 mét.

Tháp Sky Tower (với đế tháp trong hình) nằm trong khu Sky City, là một khu phố lớn ở Auckland. Hình: TVTS

Nhưng đến năm 2006, cao ốc Eureka 91 tầng trở thành tòa nhà cao nhất nam bán cầu với chiều cao 300 mét (và là tòa nhà cư dân cao nhất thế giới). Lầu vọng cảnh nằm ở tầng 88, cao 285 mét.

Qua Auckland, xem các tập hướng dẫn du lịch, tôi thấy người ta ghi rằng Sky Tower xây xong năm 1997 là tòa nhà cao nhất nam bán cầu với chiều cao 328 mét tính luôn cả tháp ăng-ten.  Cao hơn các tòa nhà ở Úc? Vậy thì phải tới xem mới được.

Nhưng tới nơi, mới biết rằng Sky Tower chỉ là một cái tháp giống Sydney Tower (Skywalk của tháp cao 260 mét, tính luôn ăng-ten cao 305 mét).

Lầu vọng cảnh của Sky Tower nằm dưới tháp ăng-ten, cao 220 mét cho bạn nhìn một khoảng cách xa tới 82 cây số. Tại lầu vọng cảnh này có trò chơi “Skyjump” nằm bên ngoài tường kính dày 38mm mà người nhảy xuống (dĩ nhiên được buộc dây) sẽ rơi với tốc độ 85 cây số giờ. Ngoài ra, còn trò chơi trèo lên tháp ăng-ten ở độ cao 300 mét và đi bộ bên ngoài tháp.

Trên tháp này có hai nhà hàng, một nhà hàng có tên Orbit at Sky Tower ở độ cao 190 mét và một nhà hàng buffet (mỗi người $60 đô ăn bao nhiêu tùy ý) cao hơn một tầng. Đêm đầu chúng tôi đến Sky Tower, nhà hàng buffet còn chỗ nhưng nhà hàng Orbit at Sky Tower hết chỗ. Nhà hàng xoay tròn này đòi hỏi khách hàng phải ăn tối thiểu $33 đô mỗi người và trước khi ăn, sẽ được lên tháp vọng cảnh xem mà không phải trả thêm tiền.

Chúng tôi thích ngồi ăn ở nhà hàng Orbit at Sky Tower hơn vì muốn ngắm cảnh thành phố 360 độ mà không phải di chuyển.  Cái thú ngồi ăn ở nhà hàng nằm trên tháp cao xoay vòng tròn chúng tôi đã hưởng vài lần khi ăn buffet đồ biển ở tầng 26 của nhà hàng Crowne Plaza Surfers Paradise tại Gold Coast, tiểu bang Queensland.

Nhưng ngồi ở Orbit at Sky Tower, bạn sẽ được người ta phục vụ mình để thưởng thức những đĩa beef steak trứ danh của Tân Tây Lan, nhâm nhi ly rượu vang đỏ trong mùa xuân nhiệt độ chỉ từ 15 đến 18 độ C.

Chúng tôi đặt chỗ cho ngày hôm sau. Nhưng chỉ còn giờ cho những buổi ăn 5 giờ chiều hay 9 giờ tối.

Trong các chuyến du lịch, chúng tôi thường lên các lầu vọng cảnh của những tháp cao nhất trong thành phố ngắm cảnh giữa ban ngày. Lần này chúng tôi quyết định ngắm cảnh thành phố Auckland về đêm. Nhân viên nhà hàng đề nghị chúng tôi đến  sớm trước 40 phút để lên lầu vọng cảnh ngắm trước khi ăn. Như vậy chúng tôi sẽ được dịp nhìn thành phố khi trời còn sáng và sau đó sẽ ngồi ăn khi đèn điện đã lên.

Tác giả tại nhà hàng quay tròn Orbit at Sky City sau bữa ăn tối

Ngày hôm sau, khi đến nơi chúng tôi đã thấy nhiều khách đến quầy tiếp tân nhưng phải bỏ ra về vì nhà hàng không còn chỗ, như đã xảy ra với chúng tôi ngày hôm trước.

Một đĩa thịt Eye Fillet ở nhà hàng quay tròn Orbit at Sky City là $35.50, đủ tiêu chuẩn mà nhà hàng yêu cầu một thực khách phải chi khi ăn ở nhà hàng này.

Chúng tôi đã có hơn một tiếng đồng hồ ngồi bên những miếng thịt bò thơm và mềm của vùng đất dải mây trắng dài. Dưới chân chúng tôi, ánh đèn của thành phố như muôn vì sao lấp lánh. Tôi cảm thấy tinh tú quay cuồng… vì rượu cũng có mà cũng vì… do tầng lầu của nhà hàng đang từ từ xoay? (còn tiếp)

Nguyễn Hồng Anh

Trích từ báo giấy TVTS