Chuyện dài “Đền Thờ Quốc Tổ” ở Sunshine (Kỳ 6): Chủ tịch hội Cộng Đồng Nguyễn Thế Phong trả lời

28 Tháng Ba, 2008 | Người Việt đó đây

 

Cái thư dài 6 trang gởi bằng fax ngày 3.3.08 cho thấy ông Nguyễn Thế Phong đã bắt đầu tỏ thiện chí trong việc giải quyết một vấn đề liên quan đến chuyện cộng đồng mà ông là người đại diện.

 

Tuy nhiên có nhiều điểm trong thông báo mà ông Phong nêu ra không hợp lý hay hợp pháp liên quan đến việc xây “Đền Thờ Quốc Tổ” mặc dù ông có lời xin lỗi mọi người trong cái thông báo báo chí số 2 này.

 

Xin kê ra một điểm thôi: Ông Phong cho rằng bởi vì người khác xây nhà không có giấy phép thì ông cũng cứ bắt chước làm theo. Ông Phong lại còn nhận xét rằng việc Hội đồng Thành phố ra lệnh tạm ngưng sinh hoạt, đóng cửa trung tâm và đền thờ là chuyện nhỏ,  chỉ  “là một cái nấc cục và chúng ta đã hoàn thành được ước nguyện lớn –có được một Đền Thờ Quốc Tổ và nơi sinh hoạt cộng đồng khang trang”.

 

Câu nói bừa, coi thường luật lệ của nước Úc này chẳng khác câu nói phi lý trước đây trong buổi họp Cộng Đồng ngày 9.12.07 đại khái rằng các chính trị gia Úc đã tới dự các buổi lễ lạc tại “Đền Thờ Quốc Tổ” thì việc xây tòa nhà này không còn là chuyện làm bất hợp pháp.

 

Ông Phong không thể làm sai rồi cứ xin “Quốc tổ và Anh linh các bậc Tiền nhân, Anh Hùng Liệt nữ, Tử sĩ của QLVNCH và Úc Đại Lợi phù hộ” như ông vẫn có thói quen nói như thế được.

 

Sau đây là nguyên văn cái thông báo của ông Nguyễn Thế Phong.

* * *

 

 

Thông báo báo chí số 2 của ông Nguyễn Thế Phong, Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị Đền Thờ Quốc Tổ và Trung Tâm Bảo Tồn Di Sản Văn Hóa Việt Nam.

 

Kính thưa:

– Quý vị lãnh đạo tinh thần các tôn giáo

  Quý vị lãnh đạo các hội đoàn đoàn thể

– Quý thành viên của Ủy Ban Độc Lập Giải Quyết Các Vấn Đề Liên Quan Đến Đến Thờ Quốc Tổ

– Quý vị giới truyền thông báo chí

– Cùng toàn thể đồng bào

 

Như đã đưa cùng quý vị trong thông báo trước đây, chúng tôi đang chờ đợi để được tường trình đầy đủ chi tiết liên quan đến dư luận chung quanh Đền Thờ Quốc Tổ cho Ủy Ban Độc Lập Giải Quyết Các Vấn Đề Liên Quan Đến Đến Thờ Quốc Tổ và cùng lúc đó, chúng tôi vẫn tiếp tục giải quyết các thủ tục hành chánh cần thiết để chúng ta có thể tiếp tục sinh hoạt tại Đền Thờ Quốc Tổ.

 

Ông Nguyễn Thế Phong

Tuy nhiên, tuần trước, một “Ủy Ban Bảo Vệ Tài Sản Cộng Đồng Người Việt Tự Do – Victoria” (do ông Nguyễn Như Long làm Chủ Tịch) vừa được một nhóm người đứng ra thành lập. Danh xưng của Ủy Ban ám chỉ rằng tài sản của cộng đồng đang bị đe dọa, cần phải được “bảo vệ”, cùng với những bài viết đăng trên báo Tivi Tuần San trước đây, tôi xem đó như những lời cáo buộc tôi âm mưu chiếm đoạt tài sản Cộng Đồng qua việc thành lập Công ty “Trung Tâm Bảo Tồn Di Sản Văn Hóa Việt Nam”.

 

Điều này gây hoang mang cho mọi người và ảnh hưởng đến danh dự cá nhân tôi nên trong khi chờ Ủy Ban Độc Lập điều tra và kết luận về việc làm của chúng tôi, tôi thấy cần phải làm sáng tỏ càng sớm càng tốt 3 vấn đề chính yếu sau đây để tránh các hiểu lầm và hoang mang ngày càng nhiều trong cộng đồng: việc mua đất để xây Đền Thờ Quốc Tổ; việc lập công ty “Bảo Tồn Di Sản Văn Hóa Việt Nam” và việc xây dựng Đền Thờ Quốc Tổ.

 

1. Việc mua đất xây dựng Đền Thờ Quốc Tổ:

 

Việc thờ phượng Quốc Tổ là điều những người Việt xa xứ chúng ta ai cũng quan tâm. Từ lúc được tín nhiệm vào chức Chủ tịch CĐNVTD-VIC năm 1999, tôi không ngừng quan tâm đến nhu cầu quan trọng này. Năm 2001, một Ủy Ban Xây Dựng Đền Thờ Quốc Tổ được cộng đồng thành lập với nhiều thân hào nhân sĩ cùng đứng trong Ủy ban trong đó có: Ông Nguyễn Hiệp, Ông Trần Đức Vũ (tự Vương Thiên Vũ), Bà Bé Hà, Ông Nguyễn Xuân Khoan (tự là Thiên Nhân), Cụ Trần Như Kình, Ông Trần Văn Hoàng Phương, Ông Nguyễn Đức Vĩnh, Ông Châu Xuân Hùng, Ông Nguyễn Diệp, Bà Lâm Thị Cúc, Bà Bùi Thị Tùng, Cô Nguyễn Phượng Vỹ, Bà Nguyễn Kim Phương, Ông Nguyễn Hồng Ký, Ông Lê Đình Anh, Ông Nguyễn Hoàng Sơn và tôi Nguyễn Thế Phong (danh sách này đã có thông báo trên các báo chí Việt Ngữ).

 

Năm 2002, Ủy ban đã thương lượng và mua được 4 lô đất với tổng diện tích là 2,200m2 tại Sunshine North với giá $189,000 (2 lô đất trống giá $89,000 và 2 lô đất có căn nhà 3 phòng trên đó giá $100,000). Theo các chuyên viên địa ốc trong vùng, vào thời điểm đó, giá thị trường 1 lô đất trống tại khu này khoảng từ $45,000 đến $55,000.

 

Lúc đó CĐNVTD-VIC tồn quỹ được $50,000 từ tiền lời hai năm tổ chức Hội Chợ Tết và dự định vay số tiền ít nhất là $140,000 để mua 4 lô đất này. Tuy nhiên điều may mắn không ngờ là khi biết được “Quốc Tổ thiếu nợ” (vì Quốc Tổ mà phải mang nợ ngân hàng), Giáo sư Lương Minh Đáng (ngành Nhân Điện) đã tặng đền thờ Quốc Tổ $133,000 để “Quốc Tổ khỏi mang nợ”. Phần sai biệt $6,000 cùng chi phí đăng bạ, chuyển nhượng do CĐNVTD-VIC kêu gọi quyên góp thêm.

 

Dù bỏ ra số tiền gấp 3 lần của CĐNVTD-VIC, giáo sư Lương Minh Đáng không hề đặt ra bất kỳ một điều kiện nào về chủ quyền hay sở hữu gì trên các lô đất đó và các lô đất được đăng bạ dưới tên sở hữu chủ (proprietor) là Cộng Đồng Người Việt Tự Do – Victoria chứ không phải một cá nhân nào. Vì không vay tiền nên CĐNVTD-VIC hoàn toàn làm chủ miếng đất 2,200m2 đó, không có thế chấp hay ràng buộc nào khác.

 

Đến nay, CĐNVTD-VIC chỉ trả Council Rates bình thường, chưa phải trả “special rates” (khoảng $12,000/năm trong 10 năm và chỉ bắt đầu trả sau khi Council hoàn tất đường tráng nhựa, cống rãnh và nước trong khu vực – có lẽ sẽ xong vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau).

 

Sở dĩ CĐNVTD-VIC chọn khu đất này vì ngay vào thời điểm dự trù mua, tài chánh của CĐNVTD-VIC rất eo hẹp, không đủ khả năng mua các lô đất ở những vùng đã phát triển. Ngoài ra vì lô đất nằm ngay trong vùng sẽ phát triển, thuộc khu kỹ nghệ nhẹ, nên xin làm chỗ hội họp thờ phượng sau này sẽ ít gặp khó khăn hơn. Hiện nay, Council đang làm đường và các bãi rác gần đó đã bắt đầu được dọn dẹp, nâng giá một lô đất hiện nay lên đến khoảng $150,000 gấp 3 lần lúc chúng ta mua đất.

 

2. Việc thành lập công ty lấy tên “Trung Tâm Di Sản Văn Hóa Việt Nam (Vietnam Cultural Heritage Centre):

 

Tôi tin chắc rằng tất cả mọi người đều biết việc gây quỹ trong cộng đồng để có một số tiền lớn nhầm xây dựng một công trình công cộng hay văn hóa cho cộng đồng chúng ta vô cùng khó khăn và chậm chạp nếu đã không có được sự giúp đỡ của vị mạnh thường quân Giáo sư Lương Minh Đáng, vì mọi khoản tiền lời của CĐNVTD-VIC kiếm được hàng năm qua Hội chợ Tết và đóng góp của mọi người cũng chỉ vừa đủ để trả tiền ngân hàng khi mua 4 lô đất. Cũng như hầu hết các tổ chức cộng đồng khác ở nước Úc, chúng tôi bắt buộc phải nghĩ đến việc xin tài trợ từ các cấp chánh quyền của Úc.

 

Khi chúng tôi bắt đầu tìm hiểu về các khoản tài trợ của chính phủ thì vấp phải vấn nạn căn bản: hình thức tổ chức của CĐNVTD-VIC. CĐNVTD-VIC đăng ký sinh hoạt dưới hình thức Hiệp Hội, mỗi 2 năm bầu lại Ban Chấp Hành một lần và thành viên Ban Chấp Hành khó bị buộc phải chịu trách nhiệm cá nhân trên tài chánh hay trách nhiệm dân sự của “hiệp hội” thể theo nội quy đã đề nạp cho Bộ Tư Pháp tiểu bang Victoria.

 

Các nhân viên làm việc trong các chương trình tài trợ (funding officers) của chánh phủ khuyến cáo chúng tôi nên “thành lập một công ty” (to incorporate a company) để điều hành hay chịu trách nhiệm về sinh hoạt của Đền Thờ Quốc Tổ thì cơ hội xin được tài trợ mới có nhiều. Lý do họ đưa ra là cá nhân thành viên Hội Đồng Quản Trị trong một công ty bị luật pháp ràng buộc nhiều trách nhiệm hơn cũng như mục đích của công ty tâp trung vào một dự án nào đó nên chính phủ sẽ “tin tưởng hơn” khi xét đơn tài trợ.

 

Lúc đầu, nói đến công ty, chúng tôi cũng như quý vị, dễ nghĩ đến các hoạt động thương mại nhưng sau đó chúng tôi được biết càng ngày càng có nhiều nhóm thành lập dưới hình thức công ty để hoạt động văn hóa. Chúng tôi có tham khảo về hình thức “Foundation” nhưng bên cạnh foundation vẫn là một công ty đứng ra điều hành foundation đó. Có lẽ luật sư Nguyễn Bá Đại hiểu rõ sự khác biệt giữa một Hội đoàn (Hiệp hội) và một công ty làm văn hóa hơn chúng tôi và luật sư cũng không chê trách chúng tôi “ngu muội” nghe lời các nhân viên chính phủ đặc trách về các chương trình tài trợ?

 

Chúng tôi kế đó lại gặp trở ngại về “danh xưng” (tên) của công ty. Chính phủ ít khi (gần như không bao giờ) tài trợ cho các dự án có tính cách tôn giáo hay thờ phượng trừ khi dự án đó có mục tiêu bao quát các lãnh vực văn hóa phục vụ nhiều tầng lớp dân chúng. Chữ “Đền Thờ Quốc Tổ” không dám dùng vì công ty bị xem như hoạt động cho mục đích “thờ phượng/tôn giáo”, không xin tài trợ được. Trên đây là hai lý do chính vì sao chúng tôi phải thành lập “công ty” và tên “công ty” đó lại không có chữ “Đền Thờ Quốc Tổ” trong đó.

 

Cũng xin thưa thêm và việc đề nghị thành lập công ty “Trung Tâm Bảo Tồn Di Sản Văn Hóa Việt Nam” đã được BCH CĐNVTD-VIC đưa ra thảo luận với các Hội đoàn, Đoàn thể trong cộng đồng 2 lần (tất cả quá trình thảo luận và thành lập công ty đều xảy ra dưới nhiệm kỳ 2003 – 2005 do Ông Châu Xuân Hùng làm Chủ tịch) và đã được các hội đoàn đoàn thể, Hội Đồng Tư Vấn và Giám Sát, đồng bào tham dự cho phép và chấp thuận xúc tiến.

 

Theo “Nội Quy” (constitution) được đăng bạ với cơ quan ASIC (Australian Securities and Investments Commission) của công ty, mục đích của công ty bao gồm:

 

1. Xây dựng và điều hành trung tâm bảo tồn di sản văn hóa VN.

2. Phát triển trung tâm trở thành một tụ điểm nghiên cứu và thu thập văn hóa Việt.

3. Trợ giúp các thế hệ trẻ Úc gốc Việt có cơ hội hiểu biết văn hóa Việt.

4. Hướng dẫn người Úc hiểu biết hơn về văn hóa, lịch sử, phong tục và tôn giáo Việt và những diễn biến đưa đến sự hiện diện của người Việt trên đất Úc.

5. Thu thập những tài liệu có liên quan đến lịch sử định cư của người Việt tỵ nạn tại Úc.

 

Công ty có khoảng 23 thành viên (theo Corporation Act thì gọi là “cổ đông”) trong đó có 17 thành viên sáng lập gồm tất cả các vị trong Ủy Ban Xây Dựng Đền Thờ Quốc Tổ lúc đó và 6 vị thân hào nhân sĩ khác được mời tham dự với tư cách thành viên bình thường. Việc điều hành công ty do một Hội Đồng Quản Trị (Board of Directors) gồm 3 người được bầu trong nhiệm kỳ 5 năm và một Ban Điều Hành (Management Committee) gồm 7 người chịu trách nhiệm điều hành).

 

Sau khi thành lập, các thành viên đã bầu tôi vào chức vụ Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị (Chairman) kiêm Chủ tịch Ban Điều Hành công ty. Theo quy định trong Nội Quy của công ty, Ban Điều Hành công ty gồm có:

 

– 1 Chủ tịch

– 1 Phó Chủ tịch

– 1 Thư ký

– 1 Thủ quỹ

– Chủ tịch đương nhiệm của CĐNVTD-VIC

– Chủ tịch đương nhiệm của Hội Đồng Tư Vấn và Giám Sát tiểu bang Victoria

– Chủ tịch Hội Đồng Cao Niên Vụ tiểu bang Victoria.

 

Các thành viên của công ty hay Hội Đồng Quản Trị, Ban Điều Hành không được quyền sử dụng tài chánh cho bất kỳ mục đích nào khác ngoài các mục đích đã đăng bạ cũng như không có quyền chuyển nhượng tài sản của công ty cho mục đích na khác.

 

Cho đến nay, và chắc chắn sau này cũng vậy, 4 lô đất Đền Thờ Quốc Tổ là do CĐNVTD-VIC đăng bạ chủ quyền (registered proprietorship) làm chủ. Theo luật của Úc, ai làm chủ miếng đất thì sẽ làm chủ bất cứ cái gì xây dựng dính liền trên miếng đất đó như nhà, hàng rào, cây cối chẳng hạn. Và như vậy, mọi nỗ lực của Trung Tâm Bảo Tồn Di Sản Văn Hóa Việt Nam nhằm xây dựng trên miếng đất do CĐNVTD-VIC làm chủ đều thuộc quyền sở hữu của CĐNVTD-VIC.

 

Công ty Trung Tâm BTDSVHVN không thể vay tiền ngân hàng được vì không có bất động sản thế chấp (quyền thế chấp là quyền của chủ đất). Khi nào mà chủ nhân của miếng đất (tức CĐNVTD-VIC) “không muốn” công ty Trung Tâm BTDSVHVN (mà nhiều thành viên của BCH CĐNVTD-VIC, các hội đoàn khác cũng là thành viên trong Ban Điều Hành) sinh hoạt trên đất của mình nữa thì có thể “mời hay đuổi” họ đi.

 

Xin hỏi luật sư Nguyễn Bá Đại những điều chúng tôi hiểu biết về Luật Đất Đai của Úc như vậy có đúng không? Và nếu đúng, thì sự nghi ngờ cá nhân tôi hay “công ty” Trung Tâm BTDSVHVN có âm mưu chiếm đoạt tài sản cộng đồng được suy diễn từ đâu trong khi chúng tôi hoàn toàn không có quyền gì để làm chuyện đó? Cũng xin nói thêm là tài chánh của công ty đều được kiểm toán (audited) độc lập và phải báo cáo cho ASIC cũng như CĐNVTD-VIC.

 

Trong các bài báo trước đây, Luật sư Nguyễn Bá Đại nêu lên giả thiết là khi bị “đuổi” đi khỏi đất của CĐNVTD-VIC, công ty TTBTDSVHVN có thể đòi CĐNVTD-VIC – chủ đất phải “mua lại” phần mà công ty đã “gắn” vào miếng đất. Xin thưa là miếng đất của CĐNVTD-VIC thuộc hệ thống Torrens System, việc đòi bồi thường do “chiếm ngụ hợp pháp” rất khó kiện, phải không Luật sư?

 

Ngoài ra, phần “gắn” lên miếng đất đâu phải chỉ là tài sản của riêng TTBTDSVHVN, phần lớn là tiền của funding body (của chính phủ), của Giáo sư Lương Minh Đáng, của CĐNVTD-VIC và của nhiều người trong cộng đồng đóng góp. Ngoài ra, cũng xin nhớ là nhiều thành viên trong Ban Điều Hành của TTBTDSVHVN cũng chính là Chủ tịch CĐNVTD-VIC, Hội Đồng Giám Sát Và Tư Vấn, Hội Đồng Cao Niên Vụ, v.v… nên quyền của đại diện CĐNVTD-VIC trong TTBTDSVHVN rất lớn.

 

Tôi cho rằng giả thiết mà luật sư Nguyễn Bá Đại nêu ra có vẻ như là một giả thiết có tính lý thuyết, thiếu các yếu tố thực tế và hàm chứa ẩn ý khác khi được đưa ra trong bối cảnh hiện tại. Dù sao tôi cũng cám ơn Luật sự đã nêu lên giả thiết này. Tôi sẽ đề nghị với công ty TTBTDSVHVN ký một thỏa thuận cam kết với CĐNVTD-VIC sẽ không đòi bồi thường nếu bị đuổi để Luật sư và mọi người yên tâm.

 

3. Việc xây dựng Đền Thờ và vấn đề giấy phép của Council:

 

Sau khi mua được miếng đất, bàn thờ Quốc Tổ được dựng lên trong một căn nhà nhỏ có sẵn lợp bằng tole chật hẹp, nóng bức và luộm thuộm. Một vài sinh hoạt của cộng đồng cũng được tổ chức tại đây. Nhu cầu có một nơi thờ phượng Quốc Tổ trang nghiêm hơn trở thành khẩn thiết.

 

Những bãi rác quanh “đền thờ”

Lúc đó, dù khu đất được quy hoạch là khu kỹ nghệ nhẹ nhưng chưa làm đường, chưa đặt hệ thống nước và cống… nên Council chưa cấp Planning Permit. Các hãng xưởng, nhà cửa xây trong khu vực  đều không có giấy phép. Council cho biết là khi nào làm đường, đặt hệ thống nước, cống rãnh, v.v… thì các cơ sở đã xây sẽ xin giấy phép theo diện Building có sẵn. Ủy ban Xây Dựng Đền Thờ Quốc Tổ đành phải chấp nhận việc xây cất đền thờ trước khi có giấy phép của Council với lòng tin chắc chắn rằng việc xin Planning Permit sau này khi Council bắt đầu làm đường, nước và cống v.v… sẽ không gặp trở ngại.

 

Điều chúng tôi tin tưởng đã xảy ra trên thực tế: đơn xin Planning Permit không bị cư dân gần đó phản đối và Hội Đồng thành phố Brimbank đã thông qua đơn xin. Chúng ta đang chờ Planning Deparment chính thức cấp giấy phép.

 

Vì chưa có Planning Permit nên không thể xin Building Permit được. Việc xây cất không có Building Permit khi Council biết được sẽ buộc phải xin permit trên căn bản của một building có sẵn và nếu không xin giấy phép thì phải dỡ bỏ. Chúng tôi đã giải thích với Building Deparment của City of Brimbank, nộp bản vẽ của đền thờ theo yêu cầu và đang làm việc với các chuyên gia để sửa chữa sao cho đúng theo Building Regulations của Council để được cấp Building Permit.

 

Chúng tôi rất lấy làm tiếc là thành phố Brimbank đã ra lệnh cấm sinh hoạt tại Đền Thờ trong thời gian chờ đợi giấy phép.

 

Xin các Hội đoàn, Đoàn thể và tất cả mọi người Việt tự do tiểu bang Victoria nhận nơi cá nhân tôi lời xin lỗi chân thành nhất về việc này vì đã không tiên liệu được rủi ro bị người tố cáo với Council và Council đã ra lệnh ngưng sinh hoạt, gây hoang mang và nghi ngờ cho nhiều người.

 

Cũng xin được thưa thêm ở đây là sự tiên liệu về rủi ro bị ra lệnh tạm ngưng sinh hoạt dựa vào kinh nghiệm của nhiều hội đoàn, tôn giáo khác của chúng ta ở Victoria mà cá nhân tôi cũng như nhiều người được biết. Nhiều căn nhà được biến thành nơi tụ họp, thờ phượng sau khi sửa chữa không có giấp phép, không xin được giấy phép… nhưng vẫn tiếp tục sinh hoạt. Riêng Đền Thờ Quốc Tổ thì chúng tôi tin là sẽ được cấp giấy phép nên không lường trước được sự hoang mang của nhiều người khi Council ra lệnh tạm ngưng sinh hoạt.

 

Tuy nhiên, thật ra còn một lý do khác quan trọng hơn khiến chúng tôi phải xây Đền Thờ Quốc Tổ ngay thay vì chờ cho đến năm sau khi được Planning Permit mới bắt đầu khởi công. Giáo sư Lương Minh Đáng, vị đại ân nhân của đền thờ, sau khi đến dự Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2004 đã hỏi chừng nào xây Đền Thờ cho đàng hoàng hơn và hứa nếu không đủ kinh phí thì Giáo sư cho thêm.

 

Đứng trước sự thiết tha của vị mạnh thường quân giàu lòng với Quốc Tổ như vậy (đã cho $133,000 mua đất rồi), chúng tôi càng nóng lòng để sớm có một nơi trang nghiêm thờ phượng Quốc Tổ. Chúng tôi nhờ nhà thầu quote về chi phí xây cất và được cho biết là sẽ tốn vào khoảng $150,000.  Tiền xây cất công trình hiện hữu của đền thờ lấy từ tiền lời Hội chợ Tết, các lần vận động gây quỹ nhỏ, $15,000 do chính phủ Victoria tài trợ và phần còn lại do Giáo dư Lương Minh Đáng cho làm nhiều lần, tổng cộng ông đã cho là $81,000. Xin thưa thêm là Giáo sư Lương Minh Đáng qua đời tháng Tám năm vừa qua, nếu chúng ta đợi đến khi có giấy phép xây cất thì có lẽ phải chờ khá lâu nữa mới có thể bắt đầu vì không đủ kinh phí và vật liệu xây cất tiếp tục tăng.

 

Nêu việc Council ra lệnh tạm ngưng sinh hoạt được xem như là một cái “nấc cục” (a hiccup) và chúng ta đã hoàn thành được ước nguyện lớn – có được một Đền Thờ Quốc Tổ và nơi sinh hoạt cộng đồng khang trang – tôi mong rằng lỗi sơ sót của tôi sẽ được mọi người niệm tình tha thứ.

 

Dù đã tường trình và giải thích tại đây, tôi vẫn chờ được trình bày chi tiết hơn với tất cả bằng chứng lưu trữ cho Ủy ban Độc Lập Giải Quyết Các Vấn Đề Liên Quan Đến Đền Thờ Quốc Tổ và hy vọng mọi hoang mang nghi ngờ không còn nữa để chúng ta cùng nhau dồn nỗ lực cho những việc hữu ích chung cho Cộng Đồng và dân tộc.

 

Xin Quốc Tổ và anh linh của các bậc Tiền Nhân, Anh Hùng Liệt Nữ, Tử sĩ của QLVNCH và Úc Đại Lợi phù hộ chúng ta trong bước đường phục vụ cộng đồng và dân tộc.

 

Chân thành xin lỗi và tri ân toàn thể quý vị và đồng bào.

 

Nguyễn Thế Phong

Chủ tịch, Hội Đồng Quản Trị Đền Thờ Quốc Tổ

Kiêm Chủ tịch BCH – CĐNVTD-VIC