Nhà giáo dục Nguyễn Xuân Thu: Người đi giữa hai làn đạn

23 Tháng Ba, 2015 | Người Việt đó đây

 

Nguyễn Hồng Anh

 

 

Giáo sư  Nguyễn Xuân Thu (giữa) trong buổi ra mắt và gây Quỹ học bổng AVEPA vào năm 2014. Hình: TVTS

  

Lời tòa soạn: Trang báo này mở ra để kỷ niệm 40 năm ngày mất Miền Nam và đánh dấu 40 năm định cư của người Việt ở Úc và trên thế giới, về sự đóng góp của họ cho cộng đồng Việt Nam và xã hội nơi họ định cư. Họ có thể là các khoa học gia, các nhà giáo dục, chính trị gia, thương gia, văn nghệ sĩ  v.v…

 

Những người chưa hay không được đưa tên tuổi và sự nghiệp trên trang báo này không có nghĩa là sự nghiệp của họ không lớn, nổi bật nhưng bởi vì TVTS không biết hay không có cơ hội, phương tiện để tiếp xúc.

 

40 năm là một chặng đường dài đối với một đời người để nhìn lại, để đánh giá và để công nhận. Đất nước và dân tộc chúng ta đau thương với biến cố lịch sử 30.4.1975 nhưng như người ta thường nói “bỉ cực thái lai”,  vì cái rủi ro đó mà ngày nay chúng ta may mắn có một cộng đồng Việt Nam hải ngoại ba bốn triệu người, tuy nhỏ so với 90 triệu người trong nước nhưng sức mạnh rất lớn, về kinh tế cũng như tri thức.

 

50 năm sau, 100 năm sau, vài trăm năm sau, biết đâu người Việt hải ngoại sẽ có sức mạnh và ảnh hưởng không những đối với quê hương Việt Nam mà  với cả với những  nước con cháu chúng ta sinh sống như người Do Thái?

 

* * *

 

Như đã viết trong bài báo phát hành ngày 19.3.2014 có tựa “Đêm AVEPA với giọng ca đẹp mang tên một loài hoa: Thủy Tiên”, tôi đã nghe tên và biết Giáo sư Nguyễn Xuân Thu từ đầu thập niên 1980 khi ông mới qua Úc (một người con trai của ông là nhân viên tòa soạn của tôi trong những năm đầu của báo TiVi Tuần-san), nhưng tôi chưa bao giờ nói chuyện với ông, cho đến lúc tôi được ông mời tham dự buổi văn nghệ gây quỹ học bổng giúp sinh viên Úc gốc Việt có tên Australia Vietnam Education Promotion Association (AVEPA).

 

Sau đó, qua vài buổi nói chuyện tôi được ông tặng cuốn hồi ký có tựa “Nguyễn Xuân Thu  – Hành trình từ trường làng đến Đại học RMIT Việt Nam” và được mời đến dự buổi ra mắt sách vào đầu tháng 6 năm 2014.  Tuy không đi dự vì bận việc, tôi có hứa sẽ đọc và sẽ có vài lời giới thiệu. Giáo sư Thu nói: “Anh đọc cuốn sách đó rồi anh sẽ hiểu tôi, tấm lòng của tôi dành cho đất nước”. Ông nói như vậy có nghĩa tôi “chưa hiểu” ông?  Có lẽ không chỉ mình tôi mà rất nhiều người trong cộng đồng chưa hiểu ông, chưa kể có một số người cáo buộc ông thân cộng hay tay sai của cộng sản với lập luận vì vậy ông mới bị phái đoàn Mỹ từ chối cho đi Mỹ dù ông từng du học Mỹ, có bằng tiến sĩ của Mỹ và là một công chức cao cấp của chế độ Việt Nam Cộng Hòa.

 

 

Tuổi trẻ nghèo khó, bất hạnh

 

Nguyễn Xuân Thu, năm nay 80 tuổi, sinh ra ở  vùng đất nghèo khổ bậc nhất của Việt Nam: huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị nơi đất cày lên sỏi đá, lại mồ côi cha lúc 5 tuổi, mồ côi mẹ lúc 13 tuổi. Tứ cố vô thân, cậu thiếu Nguyễn Xuân Thu bỏ làng ra đi, tha phương cầu thực, làm đủ nghề, thế mà cuối cùng với ý chí sắt đá, chịu thương chịu khó ông đã  tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế, đi dạy học, rồi được học bổng du học Hoa Kỳ, đậu tiến sĩ về giáo dục, về nước làm Giám đốc Nha Nghiên cứu Bộ Giáo dục cho đến ngày 30.4.1975.

 

Nguyễn Xuân Thu bị đưa đi học tập trong các trại cải tạo từ nam ra bắc cho dến tháng 5 năm 1980 thì được trả tự do  và hơn một tháng sau, ông vượt biên thành công đến trại tị nạn Songkla, Thái Lan  để lại vợ và 5 con ở Sài Gòn.

 

Trong cuốn hồi ký, Nguyễn Xuân Thu nói trại Songkla là một xã hội thu nhỏ và do những tị hiềm cá nhân, nên đã có những người bị tố cáo là cộng sản hay hoạt động cho chế độ cộng sản với các phái đoàn đến phỏng vấn nên có một số khá lớn bị từ chối đi định cư ở nước thứ ba một cách oan uổng.

 

Ông viết: “Bản thân tôi cũng bị tố cáo là cộng sản. Không có điều kiện để xác minh, phái đoàn Mỹ dựa vào các đơn tố cáo ấy, từ chối đơn xin tị nạn của tôi dù họ biết tôi đã  đi du học và có bằng Thạc sĩ và Tiến sĩ tại Mỹ, công chức cao cấp trong chính phủ VNCH và có thời gian làm đại diện Bộ Giáo dục tại Trung tâm Bình định và Phát triển Trung ương thuộc văn phòng Thủ tướng Chính phủ và làm việc trực tiếp với Ban Cố vấn Mỹ thuộc Văn phòng dưới quyền của Đại sứ Hoa Kỳ William Colby. Bạn bè của tôi tại Mỹ rất phẫn nộ khi nghe tin ấy”.

 

Nhưng sau hơn một năm rưỡi ở Thái Lan, Nguyễn Xuân Thu đã được nhận vào Úc theo diện nhân đạo, lúc này ông đã 47 tuổi.

 

Nguyễn Xuân Thu đến Melbourne vào tháng 2 năm 1982, sau tác giả bài viết này khoảng một năm rưỡi. Ngày Nguyễn Xuân Thu đến Melbourne, như tôi được nghe kể lại ông đã bị người tị nạn ở đây “hỏi thăm sức khỏe” vì ông bị tố cáo là cộng sản. Cho nên trong sinh hoạt cộng đồng thời đó, ông bị tẩy chay dù ông thành công trong việc phát triển ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam trong cộng đồng chính mạch.

 

 

Giúp RMIT mở đại học tại Việt Nam

 

Đến Úc chỉ một tuần lễ, Nguyễn Xuân Thu được tuyển chọn vào làm việc cho PIT (Phillip Institute of Technology, năm 1992 sát nhập với Đại học RMIT) để soạn chương trình giảng dạy môn tiếng Việt và văn hóa Việt Nam cho sinh viên ba trường kỹ thuật PIT, FIT (Foostcray Institute of Technology) và MICE (Mercy Institute of Catholic Education).

 

Ông soạn sách giáo khoa cho học sinh và sau đó cùng với các ông Nguyễn Triệu Đan và một số cựu giáo chức Việt Nam khác vận động đưa môn Việt ngữ vào các lớp 11 và 12 để học sinh chọn làm sinh ngữ thứ hai khi thi tú tài.

 

Ông cũng là người sáng lập và điều hành tập san Việt học đầu tiên bằng tiếng Anh của người Việt tại Úc, Journal of Vietnamese Studies (1988-1995) và Vietnamese Studies Review (1997-1998).

Nhưng đáng nói nhất là ông đã có công đưa  RMIT University  (Royal Melbourne Institute of Technology) sang Việt Nam mở một học xá có tên Đại học RMIT Việt Nam.

 

Năm 1991, khi Việt Nam mở cửa,  Nguyễn Xuân Thu trở lại Việt Nam lần đầu trong vòng một tháng để thăm người chị và “vì quá đau lòng trước một Sài Gòn nhộn nhịp năm xưa và một Thành phố Hồ Chí Minh nghèo nàn, đói khổ bây giờ” nên ông nói sau đó không đêm nào ông ngủ ngon giấc.

 

Con đường dẫn ông trở lại nơi ông đã chạy trốn được ông tâm sự như sau trong cuốn hồi ký:

“Đêm nào cũng nằm trằn trọc, suy nghĩ. Phải làm gì để giúp những người nghèo khó ở Việt Nam? Làm sao để trẻ con Việt Nam có cuộc sống tốt đẹp hơn? Làm  cách nào để mọi trẻ em có thể  cắp sách đến trường? Từ ngày đó, tôi âm thầm lập một kế hoạch làm việc khác trước đây: 50 phần trăm thì giờ dành cho việc nghiên cứu giảng dạy và các hoạt động văn hóa giáo dục là những việc giúp tôi có đồng lương để sống và  50 phần trăm thì giờ còn lại dùng để tìm kiếm  phương tiện để giúp cho những người nghèo khó ở Việt Nam. Là một đứa trẻ mồ côi ngày trước, bây giờ giúp họ là chính giúp con người của tôi ngày xưa. Dĩ nhiên số giờ làm việc gần gấp đôi, khoảng 16 giờ trong 24 giờ mỗi ngày và tốc độ làm việc khẩn trương hơn rất nhiều”.

 

Từ năm 1991 đến 1994, cùng một số đồng nghiệp, ông lập Quỹ Học bổng Việt Nam (Vietnam Scholarship Foundation)  đã cấp phát hàng trăm học bổng cho các học sinh cấp ba và một số sinh viên đại học ở Sài Gòn, Huế và Hà Nội.

 

Năm 1994, mặc dầu đang là một trong rất hiếm giáo sư thực thụ gốc Việt của một đại học lớn ở Úc như RMIT, ông Nguyễn Xuân Thu đã xin nghỉ việc vào tháng 4 năm 1994 để về làm việc tại Việt Nam mặc dù vợ ông hết sức phản đối. Lý do: ông đã trả xong tiền mua nhà, và tất cả năm đứa con đã tốt nghiệp đại học nên ông có thể dành hết thì giờ thực hiện hoài bão của ông, dùng giáo dục để nâng cao đời sống của người dân Việt Nam.

 

Ông viết: “Dù mỗi người có cách đánh giá khác nhau về việc tôi về Việt Nam, nhưng riêng tôi, tôi đã làm theo mệnh lệnh con tim của mình. Tôi quá đau đớn không chịu nổi khi thấy cảnh một đất nước Việt Nam nghèo nàn, lạc hậu, trẻ con đói, rách, bệnh hoạn, bỏ học. Nhớ đến quá khứ mồ côi đói rách của mình, tôi nghĩ mình phải làm một cái gì đó cho những con người kém may mắn ấy. Và muốn làm điều ấy thì tôi phải về Việt Nam. Chỉ có thế thôi. Thế là tôi bỏ tất cả mọi thứ để về Việt Nam với một nửa số tiền hưu tôi lãnh được để sống trong thời gian đầu”.

 

Nhờ sự quen biết với các nhà giáo dục và quan chức trong Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, Nguyễn Xuân Thu đã mở được một đầu cầu nối liền giữa giới chức Việt Nam và Đại học RMIT. Sau đó ông được giao làm đại diện RMIT tại Việt Nam, đặt văn phòng ở Hà Nội. Từ đây, hình thành dự án thành lập một đại học quốc tế  tại Việt Nam.  

 

Sau sáu năm  tiến hành dự án, ngày 20.4.2010 Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp giấy phép cho thành lập Đại học Quốc tế RMIT Việt Nam (chữ Anh: RMIT International University Vietnam). Đây là trường đại học quốc tế đầu tiên được thành lập tại Việt Nam với 100% vốn  đầu tư của ngoại quốc có thời gian hoạt động trong 50 năm. Ba thành viên sáng lập là Giáo sư Nguyễn Xuân Thu, Giáo sư viện trưởng RMIT David Beanland và Giáo sư David Wilmoth.

Trở về Úc, Nguyễn Xuân Thu lại tiếp tục làm việc cho Đại học RMIT ở Melbourne với tư cách tư vấn về các vấn đề Việt Nam, và làm việc với các ngân hàng quốc tế để vay tiền xây khuôn viên đại học RMIT Việt Nam tại quận 7, Sài Gòn.

 

 

 

Bìa cuốn hồi ký của Nguyễn Xuân Thu với hình Đại học Quốc tế RMIT Việt Nam

 

 

Đi giữa hai làn đạn

 

 

Có thể nói nếu không có Nguyễn Xuân Thu, có thể sẽ không có Đại học Quốc tế RMIT Việt Nam, một đại học của  tư bản ở một nước cộng sản, giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh.  Trước đây đã có những đại học khác làm thử nhưng thất bại.

 

Chúng ta hãy nghe Giáo sư  David Beanland, cựu Viện trưởng RMIT ở Melbourne nói về công lao của Giáo sư  Nguyễn Xuân Thu trong buổi ra mắt hồi ký của ông vào giữa năm ngoái:

“… Giáo sư Thu đã có đóng góp rất đặc biệt, sự đóng góp tiêu  biểu dành cho Việt Nam, cho nước Úc, cho Đại học RMIT và cho tất cả những người mà ông từng tiếp xúc không vì mục tiêu vụ lợi…

“… Sự nghiệp của Giáo sư Thu là một hành trình với nhiều thành quả hoàn toàn mang tính vị tha. Đó là những cống hiến cho lợi ích của người khác thông qua giáo dục và các chương trình học bổng. Những mục tiêu và ưu tiên của Giáo sư Thu luôn gồm các hoạt động mang  lại những lợi ích làm thay đổi cuộc sống của người khác. Đó  là điều khiến ông cảm thấy hài lòng. Đó là một câu chuyện phức tạp hết sức thú vị và tôi chắc chắn rằng rất đáng đọc, và tác giả đã kể câu chuyện đó rất hay”.

 

Nhưng dù có công như vậy,  Nguyễn Xuân Thu đã không có dịp về Việt Nam dự lễ khai trương trường đại học này. Ông bị trục xuất ngay sau khi trường RMIT Việt Nam được cấp giấy phép và bị cấm nhập cảnh trong vòng 4 năm  vì bị nghi ngờ hoạt động cho tình báo Mỹ, các thế lực thù địch bên ngoài.

4 năm sau, cũng vì ưu tư  với giáo dục dành cho những tài năng trẻ, những người kém may mắn, ông trở lại Việt Nam khi đã 70 tuổi, tuổi đáng lẽ đã về hưu.

 

Sau này, ông mới biết là công an có nhiệm vụ theo dõi ông báo cáo ông đến gặp nhà văn phản kháng Dương Thu Hương nhưng người đến gặp bà Dương Thu Hương  là nhà văn Nguyễn Hưng Quốc (tức Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Tuấn, hiện đang dạy tại Đại học Victoria) sau đó ông Nguyễn Hưng Quốc lại đến nhà  Nguyễn Xuân Thu nên công an báo báo lầm.

 

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho đài Radio Australia tiếng Việt trong buổi ra mắt sách, Nguyễn Xuân Thu nói về sự nghiệt ngã của cuộc đời khi ông bị đi giữa hai làn đạn. Ông nói số người trong cộng đồng người Việt ở Úc hiểu ông “không nhiều” nhưng số người tẩy chay ông vì cho rằng ông theo cộng sản “khá nhiều”.  Có lẽ ông Nguyễn Xuân Thu  nói đúng, bởi vào tháng 3 năm ngoái, khi tôi viết bài nói về buổi trình diễn văn nghệ gây quỹ học bổng của hội AVEPA, có một độc giả lập tức email cho tôi hỏi tôi có biết ông Nguyễn Xuân Thu là người hợp tác với cộng sản không và cho tôi link một số hội nghị giáo dục để “chứng minh” ông Thu hợp tác với cộng sản.

 

Nhưng “hợp tác” với cộng sản để đem mang đến cho đất nước một cơ sở giáo dục bậc đại học hàng đầu thế giới như  RMIT với số sinh viên theo học khoảng 7,000 người có là “cái tội” hay không thì tùy quan điểm của từng người. Ông Nguyễn Xuân Thu biết điều đó, nhưng có một điều bạn đọc có thể chưa biết về nỗi lòng của ông khi phải “hợp tác” với một chế độ từng bỏ tù ông trong 5 năm và làm ông phải lìa bỏ quê hương, để lại vợ con ở quê nhà trong chuyến hành trình đã làm hàng trăm ngàn người Việt Nam chìm dưới lòng đại dương.

 

Đó là thời gian đầu mới về Hà Nội, thuê căn nhà vừa làm văn phòng vừa là chỗ trọ, ông bị buộc phải treo cờ, nên đã kể về tâm trạng  lúc treo cờ của ông trong cuốn hồi ký như sau:

“… Nhưng có một điều mà không ngờ tôi bắt buộc phải làm. Đó là vào dịp lễ kỷ niệm chiến thắng 30/4 và ngày Lao động quốc tế 1 tháng 5, mọi nhà ở Hà Nội đều treo cờ. Riêng nhà tôi thuê ở không thấy có cờ treo nên công an phường đến gõ cửa và bảo tôi phải tìm cờ treo. Tôi vào nhà, tìm lá cờ đỏ sao vàng, mà mặt mày tôi tái xám, tay run run, người rã rời muốn ngất xỉu. Tôi cầm lá cờ treo lên trước  cửa nhà  mà thấy mình là kẻ phản bội vì lá cờ đó không phải là lá cờ mà tôi đã quá quen thuộc trong những năm tháng  tuổi thơ. Lá quốc kỳ hiện cả nước đang trân trọng, trong thâm tâm, đối với tôi vẫn còn rất xa lạ”.

 

 

“Kẻ không nhà” nhưng “có tâm và tầm”

 

 

Về cuộc sống hôn nhân, tuy lấy vợ từ năm 1962, có bốn trai một gái, tất cả đã thành đạt, nhưng ra vẻ ông không hạnh phúc với hôn nhân. Ông ít sống gần vợ vì đi du học, đi tù, vượt biên và từ khi về Việt Nam  ở bên đó sáu năm “sự xa cách ấy chắc chắn càng làm cho những bất đồng về quan điểm và tính cách càng lúc càng trầm trọng thêm” nên giữa năm 2002 họ quyết định ly hôn. Ông Nguyễn Xuân Thu tâm sự với tôi khi tôi hỏi ông hiện giờ ở đâu và ông nói ông hiện “homeless”, là kẻ không nhà, ở nhờ con cái hay bạn bè bởi như ông viết trong cuốn hồi ký, khi ly dị ông đã giao hết nhà cửa cho vợ, chỉ mang quần áo và sách vở ra đi. Ông nói với tôi ông không có nhiều nhu cầu vật chất và hiện sống với tiền hưu trí dành cho người già như mọi người cao niên khác.

 

Có thể nói ông Nguyễn Xuân Thu nghèo, nhưng rất giàu lòng với tha nhân.

 

Trong một lần ăn cơm trưa với ông ở nhà hàng, một người điện thoại nhờ ông cố vấn và giúp  về di trú, dù đó không phải là nghề ông. Tuần qua, trong khi đang viết bài này, tôi email muốn nói chuyện với ông thì được ông cho biết đã về Việt Nam hơn hai tháng nay, đang giúp cho ra đời Quỹ học bổng Lương Văn Can  và mới giúp làm xong  website bằng tiếng Anh và Việt cho quỹ này “để giúp một số tinh hoa đi du học các nước như Úc, Anh, Mỹ… để sau này họ về nước gíp phát triển đất nước và nhờ thế người dân có một cuộc sống khá hơn”.

 

Biết ông hơn 30 năm nhưng chỉ mới nói chuyện hai lần mà cả hai lần ông đều nói về việc lập học bổng để giúp sinh viên Việt Nam. Và tuần qua, nói chuyện bằng email cũng chỉ nghe ông nói về quỹ học bổng. Nguyễn Xuân Thu đã đóng góp nhiều cho nền giáo dục Việt Nam, lập học bổng cho sinh viên Úc gốc Việt và sinh viên ở Việt Nam và qua đó đóng góp cho nước Úc, nước Việt Nam  như cựu Viện trưởng David Beanland của Đại học RMIT Melbourne nhận xét trong buổi ra mắt hồi ký của ông Nguyễn Xuân Thu.

 

Nhà văn và nhà giáo Nguyễn Hưng Quốc, trong lời giới thiệu cuốn hồi ký đã viết: “Quen thân với ông đã trên 20 năm, nhưng những lúc nhìn ông tận tụy giúp hết người này đến người khác,  bày hết dự án này đến dự án khác, tôi vẫn cứ ngạc nhiên về tầm của cái tâm của ông. Ở đời, rất nhiều người có tâm. Nhưng tâm lớn như Nguyễn Xuân Thu có lẽ là hiếm”.

 

Nguyễn Hồng Anh

Melbourne 6.2.2015

 

(Trích báo in TVTS số 1507)