Nửa vòng Âu Châu trong 23 ngày: chúng tôi đi Tây: Ý-Pháp-Anh-Bỉ (kỳ 1)

23 Tháng Bảy, 2003 | Pháp
Trong thơ và nhạc: Paris có gì lạ không em? Mai anh về giữa bến sông Seine… giữa một giòng sông trắng

Nguyễn Hồng-Anh

***

Từ nhỏ, tôi phải học khá nhiều về văn hóa, lịch sử và địa lý nước Pháp, và mặc dầu ghét thực dân Pháp đã đô hộ đất nước mình cả một thế kỷ, tôi cảm thấy gần gũi với văn hóa Pháp hơn là văn hóa Mỹ. Tuy nhiên, khi đặt chân đến đảo Galang ở Nam Dương, tôi lại không muốn định cư ở Pháp – dù phái đoàn Pháp gọi mời mọi người tị nạn – mà chỉ muốn đi Mỹ trong khi không đủ tiêu chuẩn.

Nhưng định mệnh đã đưa tôi tới một đất nước mà tôi chẳng biết bao nhiêu về lịch sử cũng như con người. Dạo đó, tôi làm việc cho Linh mục Dominici trong tờ báo Tự Do và Trung Tâm Sinh Hoạt Thanh Niên, đã được cha cố vấn rằng giữa Úc và Pháp, nên chọn Úc vì đấy là đất nước còn trẻ, sẽ có nhiều cơ hội.

Gợi giấc mơ xưa: sông Seine, ga Lyon đèn vàng, Lục Xâm Bảo

Không được định cư ở Mỹ, nhưng tôi lại ước muốn nếu được đi du lịch, nước mà tôi sẽ đến đầu tiên là Pháp. Chẳng phải những bài học lịch sử hay địa lý nhàm chán ở ghế trung học làm tôi thích nước Pháp mà do những bài thơ hay những bản nhạc trữ tình của các sinh viên hay nhạc sĩ du học Pháp.

Paris có gì lạ không em của nhà thơ Nguyên Sa với tiếng ca của Thái Thanh làm một thuở đời sinh viên của tôi ước mơ sao được đặt chân tới giữa bến sông Seine, giữa dòng sông trắng để xem có sự khác biệt gì với dòng Sông Hương hay Hồ Xuân Hương không.

Lên xe tiễn em đi, chưa bao giờ buồn thế, trời mùa Đông Paris suốt đời làm chia ly… Tuyết rơi phủ con tàu, ga Lyon đèn vàng  đã làm tôi đòi cô con gái người bạn hướng dẫn đi xem thắng cảnh Paris ngạc nhiên khi nói đùa phải ưu tiên đi xem Gare de Lyon mà Cung Trầm Tưởng mô tả trong chuyến xe lửa đưa người yêu về nghỉ va-căng – không còn gì lâu hơn, một trăm ngày xa cách….

Hoặc Mùa Thu Paris, trời buốt ra đi, hẹn em quán nhỏ, rượu lưng lưng ly đỏ… Mùa Thu âm thầm, bên vườn Lục Xâm, ngồi quen ghế đá làm tôi tưởng tượng đến các quán cà phê hay quán rượu trong khu Quartier Latin hay những chiếc ghế trong Vườn Lục Xâm Bảo (Luxembourg) với người em tóc vàng sợi nhỏ phải thơ mộng lắm thì Phạm Duy mới hứng thú để viết nên bản nhạc làm cho không biết bao nhiêu thanh niên của những thế hệ sau mơ ước được một lần được đặt chân tới Paris để xem cảnh vật ở đó tình đến mức nào.

Ở Việt Nam, từ Huế đến Sài Gòn, nói cho ngay, chỉ có hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa nắng, nhưng thơ nhạc về mùa Thu thì vô kể. Cho nên, không lạ gì các thi sĩ và nhạc sĩ Việt Nam khi có dịp sống ở Pháp, đã trút tất cả tâm tình của họ vào cảnh vật của mùa lá rụng, biểu hiện của sự chia ly. Phạm Trọng Cầu tuy là một nhạc sĩ sau ngày 30.04.75 được chế độ mới trọng vọng nhưng ông ta chỉ nổi tiếng với một bài duy nhất – Mùa Thu không trở lại – trong đó cũng nói về cảnh chia tay với người yêu tại Jardin du Luxembourg như Ngày em đi, nghe chơi vơi não nề, qua Vườn Luxembourg, sương rơi che phố mờ… Từ chia tay, nghe rơi bao lá vàng, ngập dòng nước sông Seine.

Chúng tôi “đi Tây”

Paris chắc phải có gì lạ nên các thi sĩ, nhạc sĩ Việt Nam mới viết nhiều như thế? Trong hơn hai mươi năm sống ở Úc, tôi vẫn thường nói với bạn bè cũng như nhà của tôi rằng, nếu có cơ hội du lịch ở các nước tây phương, tôi vẫn thích đi Pháp trước tiên. Nhưng do hoàn cảnh chỉ có thể đi du lịch trong khoảng một tuần lễ, tôi đã chọn đi Mỹ trước. Có lẽ ít có người đưa cả gia đình đi từ Úc qua Mỹ trong một chuyến du lịch 9 ngày mà ngồi trên ghế máy bay đã mất đi cả 3 ngày. Nhưng tôi vẫn thấy tạm đủ, có còn hơn không, và không tiếc nuối là đã ở Mỹ trong một thời gian quá ngắn ngủi.

Một chuyến đi tây cho cả gia đình vẫn còn nằm trong chương trình du lịch trong đời của chúng tôi. Tôi có người bạn lớn hơn tôi một con giáp, cùng dạy học sau năm 75 và cùng vượt biên trên một chiếc thuyền, đã định cư Pháp từ 23 năm qua. Anh vẫn thường viết thư mời vợ chồng chúng tôi qua Pháp, bảo đảm không phải lo chỗ ăn ở, một điều mà tôi được nghe là rất đắt đỏ ở xứ Pháp.

Nhưng chỉ đến cuối tháng qua, vợ chồng chúng tôi mới thực hiện được ước mong đó. Tôi điện thoại cho người bạn trước 5 tuần lễ, hỏi có sẵn sàng phòng ốc cho một gia đình 5 người ở trọ trong 3 tuần lễ không. Anh bạn cho biết anh hiện đang ở trong một apartment ngoại ô, cách Paris chừng 13 cây số, có 4 phòng ngủ, con cái đã tốt nghiệp và ở riêng, vợ chồng anh sẽ hoặc ngủ ở phòng khách để tiếp khách hoặc sẽ qua nhà con cái ở tạm.

Trước khi qua Pháp, anh bạn còn dặn rằng qua đấy chủ yếu là nấu cơm ở nhà, thỉnh thoảng mới kéo nhau ăn tiệm cho đỡ tốn kém. Tôi có người bạn từng làm việc ở Anh và đi Pháp nhiều lần cho biết ở Pháp, dù là bạn bè hay bạn học lâu năm gặp lại nhau, họ cũng chỉ mời nhau tới tiệm ăn để gặp mặt nhau chứ không mời về nhà ăn uống linh đình và đông đúc như ở Úc. Người bạn cũng cho biết là tiền thuê khách sạn ở Pháp rất đắt nên nếu có được người cho ăn ở là tốt nhất rồi.

Một người Úc góc Âu cũng cảnh cáo tôi rằng phải chuẩn bị tiền và tinh thần bởi vì đồng Euro hiện nay rất cao, còn cao hơn cả Mỹ kim. Một Úc kim lúc này chỉ bằng khoảng 53 xu hay 56 xu đồng Euro. Đổi tiền, tính tiền huê hồng hay dịch vụ, chỉ nhận còn một nửa. Nói rõ hơn, tiền Euro cao gấp đôi tiền Úc.

Mua vé máy bay trong thời gian tháng 7 – tháng nghỉ hè bên Âu Châu – là thời gian cao điểm của du lịch, nên đắt hơn, nhưng được lợi là trốn cái lạnh của xứ Úc và hưởng thụ một mùa du lịch ấm áp và trời tốt ở Pháp. Vé $2,050 Úc kim cho mỗi người chưa kể thuế. Vé này cho phép hành khách được tùy ý chọn dừng chân xuống 2 trạm (stop over) ở Âu Châu, chỉ trả thêm tiền thuế ở nước đó. Dĩ nhiên, việc thuê mướn khách sạn ở nước đó mình phải tự lo liệu.

Từ thánh đô Vatican đến phố cổ Brugge

Tôi chọn chuyến du lịch kéo dài 23 ngày và dừng chân ở một nước. Tôi chọn nước Ý và xuống ở phi trường Rome đầu tiên, vì lịch sử phong phú cửa người La Mã ngày xưa và cũng muốn nhân tiện hành hương thánh đô của đạo Công giáo. Tôi không dám ở lại La Mã lâu vì việc ăn ở cho cả gia đình 5 người là một vấn đề, dù chỉ mướn khách sạn loại 2 sao. Tôi chọn ở Rome 2 đêm, do đó tiền thuế lẫn bảo hiểm cho mỗi người là $200, như vậy vé máy bay tổng cộng là $2,250.

Tôi chọn Qantas vì lịch an toàn của hãng bay này. Qantas hợp tác với Air France. Nếu chỉ đi Pháp thì sẽ bay bằng Qantas sang Singapore, rồi đổi Air France bay qua Paris. Chuyến bay sẽ dài khoảng 26 tiếng. Còn muốn dừng (stop over) ở Rome thì sẽ tiếp tục bay chuyển tiếp từ Paris sang Rome. Một chuyến bay như vậy sẽ kéo dài từ 26 đến 30 giờ kể cả thời gian chuyển máy may ở 2 trạm chuyển tiếp.

Nhưng do phút chót muốn thay đổi chút đỉnh giờ giấc trong lộ trình, tôi buộc phải mua vé máy bay của Singapore Airlines. Singapore hợp tác với Lufthansa của Đức, do đó đường bay sẽ từ Melbourne qua Singapore bằng Singapore Airlines, đổi máy bay rồi bay một mạch qua Rome. Chuyến bay kéo dài 23 tiếng kể cả 3 tiếng chuyển máy bay.

Ở Rome 2 đêm, tôi bay qua Paris bằng máy bay Lufthansa, nhưng phải dừng chân ở Munich trước. Mỗi chuyến bay kéo dài gần một tiếng rưỡi chưa kể thời gian chuyển tiếp kéo dài chừng một tiếng rưỡi.

Trở về Úc, do đi máy bay hợp tác như thế, tôi lại phải bay Lufthansa từ Paris qua thành phố Frankfurt của Đức, để từ đó bay bằng Singapore Airlines về Singapore, chuyển máy bay khác cũng của hãng Singapore Airlines và bay về Melburne. Chuyến bay kéo dài khoảng 27 tiếng kể cả thời gian nghỉ để chuyển máy bay ở 2 trạm.

Singapore Airlines dùng hai loại máy bay Boeing 747 (vé bình dân mỗi dãy có 10 ghế) và 777 (mỗi dãy có 9 ghế) và bay với vận tốc trung bình khoảng 850 – 950km/ giờ và có lúc bay lên tới 1,025km. Ai cũng biết là Singapore Airlines tiếp đãi khách một cách nồng hậu và thân thiện. Uống rượu bia thả dàn, gọi lúc nào cũng có và tiếp viên lúc nào cũng tươi cười. Singapore Airlines thường xài máy bay đời mới nhất và họ tự hào là hãng đầu tiên trên thế giới đưa ra chương trình mỗi ghế ngồi có một màn ảnh tivi riêng, có thể xem đến mấy chục cuốn phim video và chương trình tivi riêng, cộng thêm với game để chơi. Phim video cũng là loại phim tương đối mới và ngoài phim tây phương, còn vài ba phim tàu tương đối mới do Thành Long hay Châu Nhuận Phát đóng như Shanghai Knights. Chỉ tiếc rằng, nếu họ có phim tập Kim Dung thì đừng nói chi chuyến bay dài từ 8 tiếng đến 12 tiếng mà bay một mạch 30 tiếng cũng chẳng làm cho mệt mỏi hay khó ngủ nhờ luyện phim tập.

Ở Pháp, tôi đi Anh bằng xe lửa hỏa tóc TGV (Très Grande Vitesse). Với vận tốc 300km giờ, từ Paris qua Luân Đôn chỉ mất 3 tiếng đồng hồ. Vé đi xe lửa TGV qua Anh hình như đắt hơn vé máy bay! Bởi vì đi một lèo từ trung tâm Paris qua trung tâm Anh, sát London Eye và Quốc Hội Anh, khỏi tốn thì giờ ra các phi trường và tiền taxi đi và đến các phi trường.

Tôi cũng có qua Bỉ và ghé thăm thành phố Brugge (còn gọi là Bruges), một thứ phố cổ Hội An ở Âu Châu hay nói cách khác là một Venice (thành phố Ý) ở Bỉ. Đây là một thành phố được xây dựng hơn 10 thế kỷ trước bởi các thương gia Âu Châu. Nhà cửa cổ kính, độc đáo được xây trên các con kênh đào dẫn ra biển. Do đấy là đúc kết của nhiều nền văn hóa Âu Châu mà qua bao nhiêu cuộc chiến trong lịch sử Âu Châu, nhà cửa phố xá vẫn còn được giữ nguyên vẹn một cách kỳ lạ.

Du lịch và hành hương

Tôi cũng làm hai chuyến hành hương – tôn giáo và lịch sử chiến tranh – tới hai thành phố cực nam và cực bắc của Pháp: Lộ Đức (Loudes), gần biên giới nước Tây Ban Nha, cách Paris khoảng 900 cây số, nơi Đức Mẹ hiện ra với nữ thánh Bernadette cách đây một thế kỷ rưỡi, và Normandy ở bờ biển Manche gần nước Anh, nơi quân Đồng Minh đổ bộ cách đây hơn nửa thế kỷ để giải phóng Pháp khỏi Đức Quốc Xã.

Tôi cũng được xem ngày “Cắt-to Du- diêu” (14 Julliet), tức lễ quốc khánh của Pháp và xem đốt pháo bông trước tháp Eiffel với dàn đèn chớp đều ở toàn bộ cái tháp mỗi đầu giờ, mới được khánh thành gần đây.

Khải Hoàn Môn, nơi tổ chức duyệt binh ngày 14 Juillet

Và dĩ nhiên tôi không thể không cùng vợ con lội bộ lên nóc Khải Hoàn Môn (Arc de Triomphe), đi hàng trăm bậc cấp lên tháp nhà thờ Đức Bà (Notre Dame) để xem Thằng Gù Nhà Thờ Đức Bà của văn hào Victor Hugo còn giữ tháp chuông đó không. Tôi cũng không quên đi lên tận nơi cao nhất ở nước Pháp vì như thân hữu Đào Văn An – cộng tác viên của TVTS ở Pháp – nói “nếu chưa đến tháp Eiffel là chưa đi Paris!”. Không những thế, tôi còn đi nhiều danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử của Pháp trong khu Ile de France (bao gồm 20 quận nội thành và các thành phố ngoại ô).

Tôi cũng tới quận 13, nơi tập trung người Hoa và Việt, xem cho biết sự tình, gặp lại bạn học cũ, một số nhà văn, các nhà khoa bảng, những người Việt thuộc các thế hệ qua Pháp từ năm 45 và sau năm 75.

Ngoại trừ những ngày đi tham quan các di tích lịch sử và văn hóa trong nội thành thì có thể thức dậy lúc 9 giờ sáng, nghỉ ngơi đến trưa hay chiều mới “lên đường” ngay để rồi khoảng 10 hoặc 11 giờ đêm mới về đến nhà. Như ngày Quốc Khánh Pháp, đến 3 giờ khuya mới về nhà và sáng hôm sau thức dậy sớm để lên đường kịp đón xe lửa chợ, đi Normandy cách Paris chừng 250 cây số.

Người bạn chủ nhà của chúng tôi đã phải kinh ngạc với lối đi tham quan không nghỉ ngơi của chúng tôi. Tôi nói với anh bạn vừa đạt tới ngưỡng cửa tuổi thất thập cổ lai hi chớ lo vì chúng tôi đã từng trèo Vạn Lý Trường Thành! Trên đường về Melbourne, khi tôi nói với con cái rằng đã được nghỉ holiday cả hơn ba tuần, nay phải chăm học trở lại, một đứa nhỏ cũng không quên đùa, nói rằng “đâu có được nghỉ, đi mệt quá!”

Rất vui và lẫn một chút bực mình

Nhiều độc giả và bạn bè trong 3 năm qua thường hỏi tôi sao không thấy đi holiday ở ngoại quốc để viết bài.

Muốn lắm chứ. Thú đi du lịch hầu như là ước mơ của mọi người. Tôi còn nhớ thuở nhỏ đi học tập làm văn, thường được thầy giáo cho xem một bài văn mẫu của một tác giả người Pháp mở đầu bằng câu Nếu tôi giàu, tôi sẽ làm chuyến du lịch vòng quanh thế giới….

Bạn bè ta cũng như tây thường nói với tôi là nên tìm cách di du lịch trong lúc này, đừng để nghỉ hưu hay về già rồi mới đi. Vì đến lúc đó sợ không còn đi đứng nổi hoặc sẽ không còn hứng thú nữa. Rất chí lý!

Nhưng đi một tuần thì biết được bao nhiêu? Lần đầu tiên tôi đã sắp xếp được một chuyến đi kéo dài 3 tuần. Bởi vậy mới có nhiều chuyện để hầu bạn đọc cũng như ghi ra một số kinh nghiệm cho những độc giả nào muốn đi du lịch Pháp hoặc Âu Châu trong tương lai. Có những chi tiết vặt vãnh mà tôi muốn ghi ra để chia sẻ với bạn đọc hầu có thể tránh những chuyện bực mình hoặc tốn kém một cách phi lý.

Mời độc giả theo dõi mục Kể chuyện đường xa trong những số báo kế tiếp.

TVTS số 904 – 23.7.2003