Hỏi và giải đáp 213: Chia tay lần thứ hai

23 Tháng Hai, 2017 | Uncategorized
(Photo: Reuters)

TL trả lời thư em Y, một người vợ trẻ đã một lần tan vỡ và hiện sắp sửa… tan vỡ lần thứ  hai. Xin tóm tắt nội dung thư và sửa đổi một số chi tiết như sau:

Y sống với người chồng thứ nhất (A), có một con rồi chia tay. Nguyên nhân: A có tật trai gái (bồ bịch hẳn hoi chứ không phải ‘đi đèn đỏ’). Sau vài năm, Y quen B, một chàng ‘tứ tuần’ độc thân và trở thành vợ chồng. Trước khi lấy B, Y đã cẩn thận tìm hiểu tư cách cũng như  tính tình, và sau khi chung sống, B đã chứng tỏ là một người chồng lý tưởng.

Nhưng, sự thật phũ phàng là B đã một lần chia tay (với X) và có một con gái, sau khi lấy Y, B vẫn lén lút liên lạc thăm hỏi qua một người trung gian.  Khi Y khám phá và truy hỏi, B đã không chối và tự biện hộ rằng mình ‘dấu Y vì nói ra cũng không có lợi gì’. B còn cho biết hiện nay X đã chung sống với một người đàn ông khác. Nhưng Y cho đây là một sự lừa dối không thể tha thứ. Y viết:

‘Hiện nay em bị rối loạn tinh thần, lúc thì muốn chia tay, lúc lại muốn tiếp tục với điều kiện B phải cắt đứt với quá khứ, nhưng không có cách nào để biết chắc B thực sự cắt đứt… Em không muốn có con mặc dù B năn nỉ vì không biết tương lai sẽ biến đổi ra sao. Sở dĩ em chưa quyết định được là vì em thấy B yêu em hết lòng…’

 

Trả lời của Thanh Lan:

Em Y thân mến,

Khi yêu nhau, lấy nhau người ta luôn luôn nói nào là ‘only you’, nào là ‘forever’ nhưng thực ra những lời huê mỹ ấy chỉ là một cách diễn tả tình yêu dành cho nhau vào thời điểm đó mà thôi. Bởi vì nếu những lời ấy có giá trị tuyệt đối, như đinh đóng cột thì đã không có những vụ chia tay, không có những những trường hợp làm lại cuộc đời. Mà trong xã hội ngày nay, chúng ta phải công tâm nhìn nhận có những trường hợp nên chia tay, và có không ít trường hợp làm lại cuộc đời mà hạnh phúc, tốt đẹp hơn lần đầu.

Điển hình là trường hợp của em và B. Ngày kết hôn với A, chắc em cũng nói ‘only you’ với lại ‘forever’, nhưng hiện nay thì B đã thay thế A. Cũng thế, trước khi có con với X, dù không chính thức cưới hỏi, B cũng phải nói những lời đại khái như vậy để rồi nay lại yêu em. Và điều quan trọng là cả em lẫn B đều cảm thấy hạnh phúc hơn lần thứ nhất. Cho tới khi chuyện quá khứ của B bị phơi bày!

Dĩ nhiên, không một người đàn bà nào có thể bình tĩnh, có thể ngồi yên trước một khám phá ‘động trời’ như vậy. Nhưng trong khi phản ứng có thể giống nhau thì người ta lại giải quyết khác nhau.

Người nào cao thượng và cao tay ấn thì sẽ đặt thẳng vấn đề với chồng, và sau đó quy định một hình thức duy trì liên lạc ở một mức độ nào đó. Người nào quan niệm chồng là ‘sở hữu’ của vợ con một cách tuyệt đối thì hoặc là buộc chồng phải cắt đứt nếu không sẽ chia tay, hoặc là tiếp tục chung sống và cho phép liên lạc nhưng luôn luôn dày vò, oán trách.

Đại đa số phụ nữ chúng ta thuộc thành phần thứ hai, tức là không cao thượng, thiếu bản lãnh. Đã thế lại còn hiểu chữ ‘bản lãnh’ một cách sai lầm, lệch lạc: lúc nào chồng cũng khúm núm, nể sợ thì mới là người vợ bản lãnh! Thực ra, bản lãnh phải là làm sao để chồng vừa nể phục vừa cảm thấy hạnh phúc, như ‘con chim hót trong lồng’ chứ không phải ‘con hổ bị nhốt trong cũi’!

Có lẽ đoán biết đa số đàn bà con gái thuộc thành phần nói trên, hoặc do kinh nghiệm ‘xương máu’ của bản thân, cho nên đàn ông con trai thường hay nói dối. B cũng không khác gì những người đồng phái. Theo suy nghĩ của TL, sở dĩ em bị rúng động mạnh và đặt nặng tội dấu diếm của B chỉ vì trước đây em đã bị A lừa dối. Em phải bình tâm để phân biệt hai trường hợp: A lừa dối trong lúc chung sống với em, còn B chỉ dấu diếm chuyện đã xảy ra trong quá khứ.

TL tin tưởng tới 99% việc B tự biện hộ rằng mình dấu diếm vì cho rằng nói ra không có lợi: sẽ bị em cho ‘de’ ngay từ đầu, hoặc làm khó dễ đủ thứ trước khi chấp nhận chung sống…

Viết những điều trên đây, TL không có ý khuyên em phải tiếp tục chung sống với B bằng mọi giá, mà hoàn toàn tùy thuộc suy nghĩ của em. Qua đọc thư, TL biết em sẽ không bao giờ quên, không bao giờ bỏ qua cho B, vậy nếu tin chắc B yêu mình và mình cũng yêu B thì nên tiếp tục chung sống, tới khi nào nhận thấy đau khổ, dằn vặt, bất hòa nhiều hơn là hạnh phúc thì chia tay cũng chưa muộn. Dĩ nhiên trong trường hợp này thì chưa nên có con vội.

Trường hợp em chỉ coi B như một người đàn ông để điền vào chỗ trống trong cuộc sống cô đơn của mình, và tin rằng chia tay sẽ thoải mái hơn là tiếp tục chung sống thì nên chia tay càng sớm càng tốt. Đừng để yếu tố ‘B yêu em hết lòng’ xen vào quyết định của mình, bởi vì đó chỉ là một sự thương hại, nể nang đặt không đúng chỗ.

Nhưng dù em quyết định như thế nào, TL cũng khuyên em hai điều: thứ nhất, đàn bà con gái đã một lần dang dở thì chịu thiệt thòi nhiều hơn là đàn ông con trai đồng cảnh ngộ; vì thế, chúng ta không thể đòi hỏi nhiều như trong lần yêu, lần lên xe hoa đầu tiên. Thứ hai, khi còn trẻ, người ta thường nóng nảy, nông cạn, hiếu thắng và hẹp hòi hơn là khi đã sống qua nửa đời; vì thế những gì hiện nay em không chấp nhận, chẳng hạn việc B còn quan tâm lo lắng cho đứa con mất cha, còn nhớ tới người bạn tình cũ không biết giờ này sinh sống ra sao, v.v…, sau này có thể em sẽ coi là việc thường tình, tự nhiên, thậm chí tốt đẹp.

Và nếu ngay trong lúc này em suy nghĩ được như thế, chẳng những TL khuyên em bằng mọi giá tiếp tục chung sống với B mà còn bảo đảm rằng B sẽ yêu mến, nể phục em gấp bội phần.

Điều mâu thuẫn lớn nhất nơi con người là khi đọc tiểu thuyết hay  xem phim ảnh, tuồng cải lương, chúng ta luôn luôn yêu mến, kính phục và ‘về phe’ với những nhân vật có tâm hồn cao thượng, nhưng khi trở lại cuộc sống thực, chúng ta chỉ biết sống với những tầm thường của mình.

Đêm nay nằm vắt tay lên trán, em thử suy nghĩ xem TL viết có đúng không?

 

Thân mến,
Thanh Lan