Ôm tiền xuống suối vàng!

07 Tháng Ba, 2023 | Uncategorized
Minh hoa: TVTS

(Thư em X)

Quý bạn đọc thân mến,

Tuần này TL góp ý kiến với em X, một người vợ khổ sở vì người chồng keo kiệt, lúc nào cũng chỉ biết tới tiền. Sơ lược hoàn cảnh của X như sau:

X và chồng (A) lấy nhau đã khá lâu, có… con. A là một người không có bất cứ tật xấu nào, nhưng lại mê tiền còn hơn mê vợ! Càng ngày X càng cảm thấy cuộc chung sống trở nên vô nghĩa, lạnh nhạt (kể cả trong phòng the), người thân, bạn bè xa cách dần… Có cách nào để thay đổi chồng?

Ý kiến của Thanh Lan:

Em X thân mến,

TL viết ngay để em đừng đặt nhiều hy vọng vào TL. Không phải TL không hết lòng giúp em, nhưng trong trường hợp người mê tiền không phải là người vợ mà lại là người chồng thì rất khó lòng can thiệp, thay đổi. Nhưng dù sao em cũng phải cố gắng.

Trước hết, TL đồng ý với em gạt chuyện chia tay chồng sang một bên, bởi vì A không tứ đổ tường, không làm điều gì sai trái với vợ con; còn việc A lạnh nhạt trong chăn gối chỉ có thể gọi là sự thiếu sót.

Trên thực tế, TL đã biết một vài hoàn cảnh tương tự hoàn cảnh của em, mà người vợ phải chấp nhận. Tất cả những gì người vợ có thể làm trong trường hợp này chỉ là giảm thiểu lòng mê tiền của chồng được chừng nào hay chừng ấy.

Một trong những phương cách có hiệu quả nhất là nói chuyện thẳng thắn với chồng về mục tiêu (goal) của gia đình: mấy căn nhà thì ngưng đầu tư, bao nhiêu tuổi thì thôi cày “overtime”, v.v…

Em nên ôn tồn, kiên nhẫn phân tích cho A thấy nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí của vợ chồng con cái. Điều quan trọng nhất là em không bao giờ nên đem sinh hoạt gia đình của bạn bè, của người quen biết ra để so sánh, mà chỉ cần đưa ra những đề nghị riêng cho gia đình mình.

Thí dụ, mấy tuần thì đưa con cái đi chơi, đi giải trí, hoặc sinh nhật của con thì phải tổ chức party như thế nào, cần phải mời những ai… Nếu A cứ khăng khăng bác bỏ, em phải tỏ ra cứng rắn.

Vẫn biết viết ra thì đã muộn nhưng TL vẫn phải viết: sở dĩ tình trạng tệ hại tới mức này là vì ngay từ đầu em đã không chịu lên tiếng phản kháng; bởi nếu em tỏ rõ lập trường của mình ngay từ lúc mới bắt đầu chung sống, 10 phần A cũng phải bớt được 5, 6.

Hiện nay, nếu A vẫn khăng khăng đòi mua thêm nhà, không chịu dành thì giờ cho gia đình, em có thể gây áp lực (blackmail) bằng cách đe dọa sẽ nghỉ làm hoặc chỉ đi làm part-time, để có thì giờ chăm sóc con cái, dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng món này món khác, hoặc tới kỳ holiday sẽ đem con đi chơi xuyên tiểu bang, để A ở nhà đi “cày” một mình…

Song song, em nên tìm cách này cách khác bắt A tới tham dự những buổi họp mặt, ăn uống vui vẻ tại nhà những người thân, hoặc bạn bè, mục đích để hỗ trợ cho những lập luận của em: làm ra tiền thì sống phải hưởng thụ chứ chết không ôm tiền theo được!

Em chỉ nên khuyên tới giới hạn đó mà thôi, chứ không nên chê trách A là người chỉ biết đồng tiền, không bạn bè, không tình cảm, không biết những giá trị tinh thần, bởi vì em càng chê trách, A càng tự ái, càng ngoan cố. Về tiền công đức, nếu quả thật em tin rằng Trời Phật có mắt, em có thể âm thầm làm một mình.

Một trong những việc em có thể làm mà A không thể phản đối là tổ chức kỷ niệm ngày cưới của hai người, và trổ tài “vận động ngoại giao” để mời bạn bè tới tham dự. Em có thể năn nỉ người này, nói dối với người kia (rằng chính A cũng muốn tổ chức, cũng muốn mời bạn bè…). Tới bữa đó, dù cho A có “mặt một đống”, em vẫn cứ vui vẻ tiếp đãi bạn bè, mục đích để tạo một bầu không khi vui vẻ, và để cho A thấy mình không giống ai!

Đồng thời, không phải TL xúi em dối trá, nhưng khi tổ chức party tiệc tùng, tốt nhất là em chỉ nên cho A biết “một nửa tốn phí thực sự” mà thôi, để A không cảm thấy tiếc tiền.

Tóm lại, những người chồng như A tuy hiếm nhưng không phải là không có, và trong đa số trường hợp, người vợ phải chấp nhận. Dĩ nhiên, TL đang nói tới vợ chồng Á đông mà thôi, chứ không gôm cả người tây phương, bởi những người vợ tây phương mà rơi vào hoàn cảnh như em, họ sẽ đi chơi một mình, thậm chí còn tìm một vòng tay đàn ông khác chứ không chấp nhận cảnh “gió lạnh đêm hè” đâu!

Thanh Lan

TVTS -1561