Hỏi và giải đáp 218: Ma chê cưới trách

19 Tháng Ba, 2017 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

Vì tính cách tế nhị, LNĐ không muốn đăng nguyên văn thư hỏi và chỉ tóm tắt như sau:

Con gái ông bà X sắp kết hôn với con trai ông bà Y. Gia đình bà X quen biết giới hạn, ông bà lại chủ trương càng đơn giản càng tốt vì quan niệm “ma chê cưới trách, làm lớn, mời nhiều cũng không thể hài lòng tất cả”, trong khi đàng trai lại muốn tổ chức linh đình tới mức tối đa.

Như vậy, như vậy nếu đàng trai mời nhiều, đàng gái mời ít thì sẽ có hai nguồn dư luận: (1) cho rằng về mặt giao thiệp, gia đình ông bà X “thua kém” gia đình ông bà Y, (2) cho rằng gia đình ông bà X bị đàng trai ra “giới hạn”, tức là chịu lép vế.

Vì thế hiện nay nội bộ vợ chồng bà X lại xảy ra bất đồng: bà muốn “người ta sao thì mình vậy” để người ngoài nhìn vào khỏi thắc mắc, bình phẩm; ông lại muốn hạn chế tối đa, mặc ai muốn nghĩ sao thì nghĩ. Bên cạnh đó, bà X còn bực mình, tự ái trước thái độ tự phụ của đàng trai nên muốn chứng tỏ gia đình mình cũng “ngang cơ”.

 

Ý kiến LNĐ:

Bà X kính mến,

Lời khuyên đầu tiên của LNĐ là bà không nên quá băn khoăn lo nghĩ trước việc tổ chức đám cưới cho con gái. Chắc hẳn bà còn nhớ trước kia ở VN, việc tổ chức đám cưới là trách nhiệm của đàng trai, cho nên họ mời bao nhiêu khách là quyền của họ, còn nhà gái sẽ đưa ra yêu cầu của bên mình.

Cũng nói về thời đó, việc mời nhiều hay mời ít chỉ tùy thuộc phần nhỏ vào mức độ giao thiệp, quen biết của hai họ, nhưng tùy thuộc phần lớn vào khả năng tài chánh của nhà trai. Bởi vì ở VN ngày ấy, thường thường chỉ có những bậc trưởng thượng hoặc người thân ruột thịt mới mừng tiền cho đôi tân hôn, còn lại đa số khách mời sẽ mừng quà, hoặc nếu mừng tiền thì cũng chỉ mang tính cách tượng trưng.

Nói cách khác, tổ chức đám cưới càng lớn thì gia đình đàng trai càng “hao địa”. Cho nên mới có việc “kỳ kèo bớt một thêm hai” về số khách mời của đàng gái, cũng như mới có việc bị người này người kia “trách” vì không được mời.

Ngày nay ở Úc mọi việc đã khác xa, ai được mời dự tiệc cưới cũng biết thân biết phận để đi “bì thư” sao cho không dư thì cũng phải đủ tiền phần ăn nhà hàng. Như vậy nếu không kể tiền mua sắm áo cưới, trang sức, chụp hình quay phim… mà chỉ tính tiền nhà hàng thì  hầu như không có đám cưới nào bị lỗ cả. Suy ra, mời nhiều hay mời ít là tùy thuộc vào mức độ giao thiệp, quen biết cũng như chủ trương của hai gia đình.

Quen biết nhiều mà mời ít thì sẽ bị trách móc là quên người thân, sót bạn hiền; ngược lại quen biết ít mà mời nhiều thì sẽ bị cười chê là mời cho cố vào để “gom bì thư”!

Đi vào trường hợp của ông bà hiện nay, nếu ông bà chỉ mời giới hạn, cùng lắm cũng chỉ bị người ngoài nhìn vào cho rằng về mặt giao thiệp, ông bà thua kém ông bà Y, chứ chẳng mấy ai nghĩ rằng đàng gái bị đàng trai giới hạn số khách mời. Trên thực tế, việc “giới hạn” đôi khi cũng xảy ra nhưng nguyên nhân chỉ vì nhà hàng chật hẹp không đủ chỗ ngồi chứ không phải vì sợ phải bao thêm phần ăn. Nhưng ở đây đàng trai đã chủ trương làm càng lớn càng tốt (có lẽ tổ chức ở một reception rộng thênh thang) thì nếu ông bà chỉ mời giới hạn cũng không có gì phải mặc cảm. Tức là bà không nhất thiết phải “người ta sao thì mình vậy”.

Vấn đề còn lại là bà bực mình, tự ái trước thái độ tự phụ của đàng trai nên muốn mời nhiều để chứng tỏ gia đình mình cũng “ngang cơ”. LNĐ xin góp ý như sau:

Tạm thời cho rằng nhận xét của bà về thái độ của đàng trai là đúng, nhưng vì gia đình bà chỉ quen biết giới hạn, vậy muốn tìm cho đủ số khách ngang ngửa với khách đàng trai, bà sẽ phải mời “tối đa”. Hậu quả là sẽ có nhiều người không vui khi nhận được thiệp hồng mời “chung vui”. Như vậy, giữa việc “dưới cơ” đàng trai và việc bị chê cười là bạ ai cũng mời, bà chọn cái nào? Riêng LNĐ, gặp hoàn cảnh này sẽ chấp nhận “dưới cơ”.

Tới đây, cũng cần bàn thêm về hai chữ “dưới cơ”. Nếu nói về “lượng”, dưới cơ có nghĩa là mời ít hơn người ta, còn nói về “phẩm” dưới cơ có nghĩa là mời khách không “xịn” bằng người ta. Vậy nếu ông bà mời ít nhưng khách đa số là người có uy tín, tiếng tăm, trình độ, tư cách thì chẳng những không có gì phải mặc cảm mà còn không lo ngại xảy ra những sự việc ngoài tầm kiểm soát.

Biết bao đám cưới lớn mà ồn ào vô trật tự như cái chợ, thậm chí có khi còn xảy ra to tiếng, uýnh lộn, hoặc ói mửa đầy toa-lét… thì chủ nhân chẳng những không được khen mà có khi còn bị người hiểu biết đánh giá thấp vì những vị “khách” quý hóa ấy!

Cuối cùng nói về việc bị trách vì mời thiếu, mời sót. Theo LNĐ, không phải hễ cứ mời đông là không sợ thiếu, sót mà quan trọng là chúng ta phải cân nhắc khi lập danh sách gửi thiệp hồng. Thí dụ: khi quyết định chỉ mời 100 người (đàng gái), chúng ta ưu tiên cho ông bà cô dì chú bác anh em… (chẳng hạn 30 người), sau đó tới bạn bè  thân thiết nhất và những người có “ân oán” bắt buộc phải mời (chẳng hạn 50 người), còn lại mới tới bạn bè thân vừa vừa…

Dĩ nhiên, một số người không được mời sau đó sẽ trách, nhưng chữ “trách” ngày nay chỉ còn là “trách nhẹ” chứ không nặng nề như trong câu “ma chê cưới trách” ngày xưa nữa. Bởi vì ngày xưa trong khi của ngon vật lạ thì hiếm hoi, khi đi dự tiệc cưới người ta chỉ phải mừng tượng trưng tùy hỉ, thì ngày nay tiệc tùng ăn riết cũng ngán, mà đi dự thì thủ tục đầu tiên đã có “tiêu chuẩn” rõ ràng, nên nhiều người được mời lòng thấy nặng nề, xót xa, không được mời lại hân hoan thoải mái!

Viết ra nghe phũ phàng, nhưng đúng trong nhiều trường hợp.

 

Lão Ngoan Đồng