Hỏi và giải đáp 244: “Đàn ông phản bội” (4)

06 Tháng Sáu, 2017 | Uncategorized
Hình minh họa: TVTS

Sau khi đăng lá thư của nữ độc giả Y trong “Hỏi và giải đáp 238” (Đàn ông phản bội – 2) và phần đóng góp ý kiến của nữ độc giả X trong “Hỏi và giải đáp 241” (Đàn ông phản bội – 3), TL đã nhận được lá thư thứ hai của nữ độc giả Y. Như đã rào trước đón sau khi cho đăng hai lá thư nói trên, lần này TL cũng xin nhắc lại: dù thế nào chăng nữa, chủ ý của người viết cũng là xây dựng hơn là đả kích lẫn nhau. Tuy nhiên, vì nhận thấy đã tạm đủ, tuần này sau khi đăng lá thư thứ hai của bà Y, TL sẽ có vài hàng ngắn gọn và tuyên bố chấm dứt đề tài ‘Đàn ông phản bội’.

* * *

Nguyên văn lá thư thứ hai của bà Y:

ĐÍNH CHÁNH!

Thanh Lan thân mến,

Khi viết bài số 2 “Đàn Ông Phản Bội” mình chỉ muốn nói chị em cùng cảnh ngộ chia sẻ và người khác thông cảm chứ không muốn đả phá bất cứ ai, mình cũng chuẩn bị tâm lý sẽ bị một ông nào đó công kích và sẽ vui vẻ chấp nhận lời lẽ của mấy ông, nhưng thật bất ngờ cho mình vì đó là người cùng phái chẳng khác gì “gà nhà bôi mặt đá nhau”, thôi thì cho mình cơ hội làm quen và bàn thảo với nhau.

* * *

Từ ngữ VN mình rất là phong phú và đa dạng, chỉ cần một câu nói phát ra từ một người nhưng khi họ nhấn giọng thêm một tí là đã trở thành hai nghĩa, huống chi bài viết của tôi, người đọc nhận xét, phán đoán theo cá nhân của mỗi hoàn cảnh khác nhau.

Trong xã hội luôn có nhiều tầng lớp, mọi thành phần, đúng chị X nói “văn minh” thì có nghĩa là đi lên, lấy cái mới để thay cái cũ…” nhưng cái văn minh ấy đã bị người xấu không hiểu biết, lạm dụng để tệ nạn xã hội mỗi ngày một nhiều, bằng chứng là buôn bán xì-ke, hôn nhân tan vỡ… thì liệu khuynh hướng thực tế có đi lên được không? mà họ làm vậy chỉ vì đồng tiền (bán luôn mạng mình) để đáp ứng đầy đủ vật chất của nền văn minh này, như phone cầm tay, computer. Ở đây tôi không nói đến những người biết lợi dụng nó để trở thành giàu có vì họ biết sử dụng đúng chỗ. Và cũng từ cái phone cầm tay, ngồi chat mới nảy sinh những cuộc hôn nhân tan vỡ.

Lúc nào tôi cũng lấy đa số chứ không nói đến thiểu số như X đã viết “Đào sâu thêm hố ngăn cách mà một thiểu số VÔ Ý THỨC đã đặt ra”, nếu cái ý thức đó đều ít nhiều có trong mỗi người thì chúng ta đã không bàn luận và viết lên những bài  này.

Theo tôi rút từ kinh nghiệm bản thân, mắt thấy tai nghe nơi những chị em khác, xin hỏi cuộc hôn nhân hoàn mỹ phải như thế nào? như chị X viết “giữ sắc đẹp, thân hình…  thì các ông cùng lắm cũng chỉ đi đèn đỏ…” theo chị đó là hạnh phúc thật sự sao? Chị có nghĩ tới khi ốm đau (lúc đó còn giữ được bộ mặt xinh xắn, thân hình cân đối không? còn có sức khỏe để chiều chuộng, thu hút nữa không?)

Cái cảm giác mà chị nói “liên kết thiêng liêng vô hình giữa hai người bạn đời…” tôi xin hỏi, những người có vợ bé, vợ bé của họ có trạc tuổi chồng hay không, hay là thua họ cả 10, 20 tuổi, thậm chí có khi chỉ bằng tuổi con họ, và họ cũng đã bỏ biết bao nhiêu tiền mới mua được thân xác của mấy em (chớ không phải cái cảm giác thiêng  liêng như chị đã nói). Sự thiêng liêng và cảm giác mà mua bằng tiền bằng dục vọng có phải là trời ban cho không! Trời đất nào cũng chỉ chúng ta làm điều hay lẽ phải chớ không chỉ chúng ta bước vào vòng tội lỗi để làm cho người khác đau khổ.

“Một con sâu làm rầu nồi canh”, chỉ một thiểu số thôi mà làm cho hầu hết đàn bà chúng ta bị mang tiếng lây là “tham tiền”, nếu tham tiền ngày xưa chúng tôi đã kiếm những người đàn ông đầy đủ điều kiện để lấy, khỏi vật lộn với cuộc sống rồi kết quả trở thành gánh nặng cho xã hội. “Gái có công thì chồng không phụ”, đằng này chị em chúng tôi được gì khi trao ra rất nhiều nhưng nhận chẳng bao nhiêu, và giờ đây phải sống một mình nuôi con, người đàn ông nhìn được trách nhiệm, bổn phận, thấy sự hy sinh đó phải bù đắp, chia sẻ, bồi dưỡng để tăng thêm hạnh phúc cho chính họ và vợ con ở tuổi xế chiều chớ!

Vậy mà còn bắt chị em chúng tôi phải chịu một phần lỗi về mình sao? Tôi xin thưa nếu ai nói tôi cố chấp tôi chịu chứ không bao giờ tôi chịu trách nhiệm đó vì đối với tôi và đa số phụ nữ theo truyền thống Á đông, đã lập gia đình là một đời, một kiếp, lúc nào cũng phải lấy trách nhiệm, bổn phận làm đầu, chứ nói đến đạo đức và lý trí trong con người, nếu đừng phạm vào bốn kỵ “cờ bạc, rượu chè, trai gái, hút xách” thì không cần phải chịu trách nhiệm về một sự đổ vỡ nào hết. Đã là vợ chồng nhứt là sống với nhau lâu dài phải có va chạm và đụng chạm, đều có thể bàn thảo với nhau bất cứ chuyện gì. Tóm lại, theo tôi người phụ nữ nào dù ở thời đại nào cũng đều bị thiệt thòi vì chồng vì con trong cuộc sống hôn nhân (cũng có chị em  rất “may mắn” như chị X đã tự xác nhận nhưng thử hỏi được bao nhiêu phần trăm trong đa số), đối với chúng tôi điều đó chẳng nghĩa lý gì nếu được đền bù một cách thỏa đáng.

Đã là một xã hội thì muôn màu, muôn vẻ, văn minh càng đi lên thì tệ nạn xã hội càng nhiều. Ngày xưa vào thời đại ông cha mình tệ nạn xã hội sao không thấy nhiều, bằng chứng hiện tại radio, báo chí, phim ảnh đã phải đả phá rất nhiều. Vì vậy nếu đem ra mổ xẻ thì đến bao giờ mới hết (với trình độ chị em chúng mình thì không đủ), tôi chỉ muốn nói lên ở đây là hoàn cảnh thực tế của những chị em đang phải sống độc thân nuôi con.

Kính chào cô Thanh Lan.

Y.

 

Kết luận của TL:

TL chỉ không đồng ý kiến với bà Y về một điểm nhỏ: ‘văn minh càng đi lên thì tệ nạn xã hội càng nhiều’. Thực ra ‘văn minh’ và ‘suy đồi’ cùng đi lên song song nhưng không liên quan; thí dụ ‘văn minh tư tưởng’ khiến con người trở nên nhân đạo hơn trong khi tệ nạn bỏ vợ bỏ con là do đầu óc tham lam ích kỷ của một số đàn ông và khuynh hướng hưởng thụ của một số đàn bà.

Còn lại, TL hoàn toàn đồng ý với bà Y, nhất là về hai điểm quan trọng: (1) người phụ nữ nào dù ở thời đại nào cũng đều bị thiệt thòi vì chồng vì con trong cuộc sống hôn nhân (trừ một số chị em ‘may mắn’ như bà X), và (2) nếu đem ra mổ xẻ thì không biết đến bao giờ mới hết.

Nhưng bên cạnh đó, TL cũng phải đồng ý với bà X khi bà viết ‘Những sự thiệt thòi mà phụ nữ, kể cả tây phương lẫn Á đông, phải chịu là do hủ tục, truyền thống xã hội đem lại chứ không phải vì đàn ông ít lương tâm, kém đạo đức hơn đàn bà. Chúng ta phải chấp nhận sự thiệt thòi ấy như một việc tất yếu thì mới vui sống hạnh phúc được’.

Như vậy, có thể kết luận: thân phận phụ nữ nói chung là chịu thiệt thòi trong cuộc sống gia đình, và đó là một việc đương nhiên, không một ai có thể vỗ ngực tự xưng mình ngon lành, mình bản lãnh nên không bị đau khổ, không bị chồng bỏ.

Tất cả những gì chúng ta có thể làm là cố gắng tạo dựng hạnh phúc và làm mọi cách để bảo vệ, giữ gìn hạnh phúc ấy. Lá thư của bà X được viết không ngoài mục đích gợi ý cho chúng ta trong công việc khó khăn và đầy tính cách ‘hên xui may rủi’ ấy.

Ước mong ba lá thư vừa qua (của bà Y) đã ‘không đào sâu thêm hố ngăn cách mà một thiểu số vô ý thức đã đặt ra giữa những người cùng phái nhưng khác cảnh đời’ như  bà X đã viết.

 

Thanh Lan