Hỏi và giải đáp 248: Anh em họ yêu nhau

20 Tháng Sáu, 2017 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

TL trả lời một lá thư khá khác lạ so với những thắc mắc tình cảm thường thấy trên TVTS, đó là chuyện anh em họ yêu nhau. Để giữ bí mật cho người trong cuộc, TL xin rất ngắn gọn và thay đổi một số chi tiết trong nội dung thư của cháu X:

X, trên 25 tuổi, từ ngày khôn lớn đã từng có nhiều bạn trai (nhưng chưa hề “thân mật”). A là em trai họ (con của người dì) lớn hơn X 2 tuổi, thường đi chơi chung với nhau từ nhỏ. Thời gian đầu, hai người hoàn toàn vô tư nhưng càng ngày X càng cảm thấy có một cái gì đó khác hơn là tình cảm giữa hai anh em họ, mà cháu gọi bằng tiếng Anh là ‘mutual affection’ (yêu mến lẫn nhau).

Hiện nay, hai người đã tới giai đoạn ‘touching’, luôn luôn do A khởi sự. X cũng đáp lại nhưng trong lòng lo sợ và có mặc cảm tội lỗi (guilty feelings).

X thắc mắc: cháu giỏi tiếng Việt và đọc truyện Quỳnh Dao, cháu thấy anh em họ người Hoa yêu nhau, lấy nhau, và cháu cũng nghe nói ở Âu châu, Mỹ châu có những nơi Thiên chúa giáo cho phép anh em họ (first cousins) kết hôn với nhau, trong khi người Việt thì không thấy có. Vì tục lệ hay vì đó là sự ‘loạn luân’ (incest)? Cháu phải giải thích với B như  thế nào?…

 

Trả lời của Thanh Lan:

Cháu X thân mến,

Cô rất mừng vì cháu đã viết thư hỏi kịp thời và thành thật kể hết cho cô trước khi xảy ra những việc tai hại khôn lường.

Trước khi có những lời khuyên cho cháu, cô trả lời những thắc mắc như sau:

– Theo cô tìm hiểu qua một số người Hoa quen biết thì việc anh em họ một đời (biểu huynh biểu muội – tức first cousins) ở Trung Hoa lấy nhau có xảy ra nhưng không phổ biến mà chỉ giới hạn ở một vài vùng nào đó, mà mục đích nguyên thủy là để giữ gia tài khỏi bị thất thoát vào  tay người xa lạ. Có lẽ nữ sĩ Quỳnh Dao viết về vùng này nên mới cho chuyện đó xảy ra.

– Ở Âu châu cũng thế, việc này chỉ xảy ra tại miền quê của một số địa phương (chẳng hạn ở Đức) mà đối tượng là tín đồ của các giáo phái tin Lành (Protestant), hoặc tín đồ Công giáo ở một vài vùng quê Tây-ban-nha.

Cô không có dịp tìm hiểu về những gì xảy ra ở Đức, nhưng riêng ở Tây-ban-nha thì phải nhấn mạnh những tín đồ Công giáo ở vùng này không ‘normal’ như những nơi khác, họ mê tín dị đoan, đem nhiều tập tục địa phương trộn lẫn với tôn giáo, khiến các nhà lãnh đạo giáo hội cũng phải chịu thua. Ở những vùng này, anh em họ một đời được tự do lấy nhau!

Còn ở Mỹ, cô không rành lắm nhưng có lẽ cũng chỉ xảy ra trong một vài giáo phái nào đó. Cũng nên biết ở Mỹ và Canada hiện nay có giáo phái vẫn cho phép ‘đa thê’, tức là một người được lấy nhiều vợ!

(Ở đây cô không kể tới những quốc gia lạc hậu nơi mà nhiều người còn sống theo hình thức bộ lạc (tribe), tục lệ về hôn nhân của họ đôi khi rất kỳ quái)

Theo lời giải thích của một vị linh mục Công giáo, ngày xửa ngày xưa Giáo hội cho phép việc này vì lúc đó giáo dân còn ít, không muốn lấy người ‘ngoại đạo’. Hiện nay, trên nguyên tắc vẫn không cấm nhưng trên thực tế thì không ai muốn thấy việc này xảy ra. Hơn nữa, tôn giáo giáo nào cũng phải hòa nhập với địa phương, tức là phải theo luân thường đạo lý, phong tục tập quán của dân tộc đó.

Cho nên các vị linh mục Việt Nam khi hướng dẫn về giáo lý hôn nhân cũng phối hợp với những gì ông bà truyền dạy, theo đó anh em họ một đời thì dứt khoát không cho phép kết hôn với nhau.

Công giáo còn như thế, nói chi tới cháu và A là tín đồ Phật giáo – bởi Phật giáo vốn có ở Việt Nam từ mấy ngàn năm trước, chắc chắn cũng phải ‘strict’ từ bằng cho tới hơn!

Thành thử cháu và A không thể đem những gì xảy ra tại Đức, tại Tây-ban-nha áp dụng vào trường hợp của mình là người Việt Nam, bằng không sẽ bị lên án là loạn luân như cháu đã viết. Cháu có mặc cảm tội lỗi là việc đương nhiên, bởi việc đó không được gia đình, xã hội, tôn giáo và lương tâm cho phép.

Cháu không có cách nào khác hơn là phải chấm dứt ngay. Chớ để tới khi ‘lửa gần rơm lâu ngày cũng bén’ thì thật là tai hại. Chấm dứt tình cảm với boyfriend thì khó chứ chấm dứt tình cảm ‘bất hợp pháp’ với người em họ thì dễ thôi. Chỉ cần cháu cương quyết là xong. Không đi chơi chung (chỉ có hai người với nhau), không đóng vai ‘partner’ của nhau, không ngồi xe chung, không ngồi gần nhau, và quan trọng không kém là cháu phải tìm một bạn trai ‘normal’ để nếu muốn, có thể tìm những ‘sexual feelings’ chính đáng.

Về việc giải thích với A, cháu chỉ cần nói với A rằng đối với xã hội Việt Nam cũng như  Úc, đối với tôn giáo, và cả bản thân cháu sau khi suy nghĩ, đã nhận thấy đây là tội lỗi thực sự (sin) chứ không chỉ là những ‘wrong doings’ thông thường.
Cô,
Thanh Lan