Đối diện với CSVN ngay tại Úc: Từ Quyết định 1334 đến Đối tác Chiến lược Toàn diện

03 Tháng Tư, 2024 | Bình Luận
Cộng đồng NVTD-Victoria biểu tình trước thềm Quốc hội chống phái đoàn CSVN do Phạm Minh Chính dẫn đầu đến Melbourne. Hình: TVTS

(TiVi Tuần-san) – Ngày 10/11/2023 Phó Thủ tướng CSVN Trần Lưu Quang đã ký ban hành Quyết định 1334 để “Phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ đất nước trong tinh thần mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh”. Đồng thời Bộ Công an cũng cảnh báo “phấn đấu ngăn chặn các hoạt động tuyên truyền chống phá VN của các thế lực thù địch, lưu vong”.

Quyết định này cũng chỉ thị rằng đảng CSVN sẽ “phấn đấu 100% các địa bàn có cộng đồng người Việt để thành lập các hội đoàn, các trung tâm văn hóa…”.

Đảng CSVN đã có một sự chuẩn bị kỹ càng từ nhiều năm trong nhiều lãnh vực và đầu tháng này “thừa thắng xông lên” qua Úc kêu gọi Úc hỗ trợ và đầu tư, và với “tiền rừng bạc bể”, sẽ lũng đoạn cộng đồng Việt Nam tị nạn tại Úc, một cộng đồng hiện đang chia rẽ trầm trọng về đủ thứ chuyện!

Ngày 4/3/2024 phái đoàn CSVN gồm cả trăm người từ quan chức đảng đến doanh nhân do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đã tới Melbourne dự Thượng đỉnh đặc biệt ASEAN-Úc, gặp các doanh gia, chuyên gia và lãnh đạo các đại học để ký những thỏa thuận hợp tác trong nhiều lãnh vực liên quan.

Từ Hà Nội đến Melbourne

Chiều 5/3 tại Melbourne, phái đoàn  của Bộ Giáo dục và Đào tạo do Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn dẫn đầu họp với ông Brendan O’Connor, Bộ trưởng Đào tạo và Kỹ năng Úc. Theo Nguyễn Kim Sơn, Việt Nam và Úc có mối quan hệ tốt đẹp trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề. Ông cảm ơn Úc đã hỗ trợ đào tạo nhân lực cho Việt Nam trong thời gian qua. Theo Sơn, trong thời điểm hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, việc phát triển hơn nữa mối quan hệ hợp tác giáo dục, đào tạo và dạy nghề “là rất cần thiết và phù hợp”.

Ông Sơn mong muốn hai nước hợp tác nhiều hơn trong giáo dục đại học và phổ thông, tập trung phát triển các ngành công nghệ mũi nhọn, chíp bán dẫn, STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học).

“Đề nghị Bộ Đào tạo và Kỹ năng Úc  trao đổi và thông qua nhóm Công tác chung về giáo dục nhằm thúc đẩy và khuyến khích mở một số chi nhánh của trường đại học Úc tại Việt Nam”, Sơn nói.

Mỗi năm Úc cấp khoảng 70 học bổng chính phủ ở các bậc học cho du học sinh Việt Nam. Năm 2021, Úc cấp khoản viện trợ hơn 50 triệu Úc kim  để công dân Việt Nam sang học. Khoản viện trợ còn được dùng để hỗ trợ hoạt động kết nối cựu sinh viên, đào tạo ngắn hạn, nâng cao năng lực cho đội ngũ quản lý tại các cơ sở giáo dục đại học.

Cùng lúc,  Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá Úc  là một trong những lựa chọn hàng đầu của du học sinh Việt Nam. Bằng chứng là hơn 32,000 du học sinh Việt Nam đang ở Úc, đứng thứ 6 trong các nước có sinh viên quốc tế tại đây. Nhiều người từng học tập tại Úc đã và đang đóng góp tích cực cho phát triển và thúc đẩy quan hệ song phương, nhiều người là lãnh đạo quan trọng trong các cơ quan nhà nước.

Vì vậy, ông mong hai nước tăng số lượng và nâng cao phẩm chất các chương trình hợp tác, liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục đại học, trong đó chú trọng đến nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ. Các hình thức hợp tác đào tạo cần được kết hợp hài hòa, có thể tại chỗ, tại Úc, ngắn hạn, dài hạn, trực tuyến và trực tiếp. Ngoài ra, hai nước tăng cường trao đổi sinh viên, giảng viên.

Hai nước hiện có 37 chương trình liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục đại học. Việt Nam thành lập Trung tâm Việt Nam – Úc tại Học viện Chính trị Quốc gia HCM; một số đại học Úc mở cơ sở tại Việt Nam; Viện Chính sách Úc – Việt Nam vừa được khánh thành tại Đại học RMIT ở thành phố Melbourne.

Trong khi đó cộng đồng người Việt tị nạn đã phối hợp với các cộng đồng bạn như Cam Bốt, Miến Điện, Lào để lần đầu tiên cùng nhau biểu tình trước Quốc hội Tiểu bang Victoria, lên án các nhà cầm quyền độc tài trong đó có nhà cầm quyền CSVN. Hàng trăm người Việt đã có mặt trong cuộc biểu tình đó, một cuộc biểu tình được cho là thành công vì đông người dự, có nhiều Cờ Vàng gây sự chú ý của người qua lại hay qua các hệ thống truyền thông và nhất là biểu tình trong trật tự và ôn hòa. Có ôn hòa mới lấy được cảm tình của người Úc.

Toàn quyền David Hurley và TT Phạm Minh Chính ôm nhau hôn 3 lần: chụp màn hình Nhân Dân TV

Từ Melbourne lên Canberra

Sau đó phái đoàn CSVN lên Thủ đô Canberra để được tiếp đón “trọng thị” như ước mơ của các lãnh đạo VN, đặc biệt là Phạm Minh Chính.

Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc đã từng nói sở dĩ VN quyết định không bắn 21 phát đại bác đón Tổng thống Mỹ Joe Biden vì người Mỹ không câu nệ chuyện bắn đại bác chào đón quốc khách  nên lo ngại  rằng khi lãnh đạo ta qua Mỹ mà Mỹ không bắn đại bác đáp lễ thì ta sẽ “tâm tư”.

Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos-Con trước đó đã được mời đọc diễn văn trước  lưỡng viện Quốc hội Úc. Đây là một vinh dự hiếm có dành cho một quốc khách. Ông Marcos-Con là một trong vài lãnh tụ Châu Á được vinh dự đó. Nhưng một người không biết tiếng Anh lại là ông cộng sản giáo điều nói như cái máy thì làm sao các dân biểu và nghị sĩ Úc có thể nhấp nhận ngồi nghe. Nếu có dân biểu hay nghị sĩ  phản đối bỏ ra ngoài, thì lãnh tụ CSVN sẽ quê một cục.

Các lãnh tụ VN khoái món bắn đại bác thì ông Albanese chẳng tiếc gì mà không ban phát miễn là VN đồng ý nâng quan hệ giữa hai nước lên đối tác chiến lược toàn diện.  Cả ông Chính và Albanese đã toại nguyện. Vấn đề còn lại là liệu nâng quan hệ  Úc-Việt lên tầm cao nhất như với Tàu, Nga, Ấn, Hàn, Mỹ và Nhật sẽ giúp Úc và Tây phương như thế nào trước một Trung Cộng gây hấn.

Cộng sản Việt Nam có khác cộng sản Tàu không?
Úc và CSVN ký kết những gì?

Ngày 7/3, sau hội đàm, hai ông Phạm Minh Chính và Anthony Albanese đã trao đổi tuyên bố về việc nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược toàn diện và chứng kiến lễ trao 11 văn kiện hợp tác được ký kết, trao đổi giữa lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan hai nước dưới sự chứng kiến của hai thủ tướng gồm:

-Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Úc về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục giữa Bộ Giáo dục hai nước.

-Bản ghi nhớ giữa Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Công nghiệp, Khoa học và Nguồn lực Úc về việc thành lập Đối thoại cấp bộ trưởng về năng lượng và khoáng sản.

-Bản ghi nhớ giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam với Tổ chức Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Úc về nghiên cứu nông nghiệp để tăng cường hợp tác nông lâm ngư nghiệp.

-Bản ghi nhớ giữa Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Tổ chức Nghiên cứu khoa học và công nghiệp Khối Thịnh vượng chung về hợp tác trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

-Bản ghi nhớ giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Dự trữ Úc.

-Thỏa thuận Đối tác gìn giữ hòa bình giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Úc.

-Bản ghi nhớ hợp tác tài chính giữa Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Ngân khố Úc.

-Kế hoạch thực hiện Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Úc và Chính phủ Việt Nam về việc hỗ trợ công dân Việt Nam làm việc trong ngành nông nghiệp Úc

-Bản ghi nhớ hợp tác giữa Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia và Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc.

-Bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Xúc tiến thương mại Việt Nam và Cơ quan Thương mại và Đầu tư Úc.

-Thỏa thuận hợp tác về theo dõi rặng san hô giữa Viện Hải dương học Việt Nam và Viện Khoa học hàng hải Úc.

Thủ tướng Anthony Albanese và TT Phạm Minh Chính ôm nhau hôn 3 lần: chụp màn hình Nhân Dân TV

Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện có lợi cho ai?

Như báo TVTS và truyền hình online TVTS qua YouTube hàng tuần đã nhận xét, hai nước Úc và CSVN sẽ ký kết và nâng quan hệ của hai nước lên tầm cao nhất là Đối tác Chiến lược Toàn diện trong chuyến đi Úc của Phạm Minh Chính.  Nó đã không xảy ra vào cuối năm ngoái khi Phạm Minh Chính chưa có dịp để đi Úc. Dịp này đã đến khi Phạm Minh Chính tham dự Thượng đỉnh đặc biệt ASEAN-Úc diễn ra tại Melbourne và đầu tháng này.  Chính đã được Thủ tướng Anthony Albanese mời lên Canberra với tính cách là một khách danh dự và đặc biệt.

Hãy nhìn cảnh Thủ tướng Úc và Toàn quyền Liên bang Úc ôm hôn Thủ tướng CSVN nhiều lần, mỗi lần úp sát mặt nhau như kiểu thời các lãnh tụ Liên Xô ôm hôn lãnh tụ các nước trong khối cộng sản thì đủ biết Úc đã dành cho VN một sự trang trọng và thân thiết (ít ra ở bề mặt) như thế nào?

Đây là lần đầu tiên chính phủ Úc đón tiếp một lãnh tụ CSVN và bắn đại bác chào mừng. Cá nhân Phạm Minh Chính rất sung sướng với nghi lễ này, đảng CSVN cũng hài lòng vì càng ngày Úc càng gắn bó với Việt Nam, sẵn sàng giúp đỡ VN, và trên hết chi tiền cho nhà nước CSVN.

Muốn chống và ngăn cản sự bành trước của Trung Cộng, Úc và các đồng minh cần sự tiếp tay của hai nước láng giềng trong khu vực là Indonesia và Việt Nam. Từ nhiều năm nay, các nhà bình luận và nghiên cứu chiến lược nói về sự quan trọng của Indonesia và Việt Nam trong việc duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông. Và qua hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Úc, chính phủ Úc đã chính thức tuyên bố dành $2 tỉ Úc kim để hỗ trợ các quốc gia trong vùng mà hai nơi ngoài Úc là “đầu tàu” để phát triển các kế hoạch là thủ đô Jakarta của Indonesia và Thành Hồ của Việt Nam. Cộng sản VN “trúng mánh”!

Ngoài ra, như đã nói ở trên, Úc và VN đã ký kết rất nhiều thỏa thuận và bản ghi nhớ.  Lãnh đạo đảng CSVN sẽ nhờ đó mà làm giàu thêm qua truyền thống tham nhũng của đảng này. Tham nhũng nằm trong DNA của người cộng sản. 50 năm làm giàu nhờ chiếm Miền Nam. Bây giờ, nhận viện trợ và giúp đỡ của Úc và Tây phương, họ sẽ tham nhũng hơn nữa.

Còn nhớ ngày nào Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã huyênh  hoang  với “quả đấm thép” với tập đoàn tàu thủy Vinashin để VN sẽ phát triển công nghiệp đóng tàu như Nhật Bản, Đại Hàn? Kết quả là lần đầu tiên một ủy viên Bộ Chính trị (Đinh La Thăng) đã làm vật tế thần, ngồi tù. Rồi từ đó  có hàng chục tướng, bộ trưởng thứ trưởng và ủy viên Trung ương đảng tiếp tục ngồi tù vì thói quen ăn không thể nhịn. Gần đây, các Phó thủ tướng và Chủ tịch nước đã bị cho “hạ cánh an toàn” cũng vì cái thói quen, quen ăn không nhịn được. Việt Nam vẫn luôn thua thiệt vì sự độc tài và tham nhũng của tập đoàn cộng sản Việt Nam.

Từ đây, ngoài đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam, Cộng đồng người Úc có thể được lợi vì quan hệ với Việt Nam cộng sản, nhưng người dân Việt Tự do còn phải đấu tranh chống sự xâm nhập, phá hoại, lũng đoạn của CSVN ngay tại Úc, sau 50 năm tị nạn.

(Trích tuần báo điện tử www.etvts.com.au số  1974  phát hành Thứ Tư 13/03/2024)