“Cơm” và “phở”

29 Tháng Ba, 2022 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

(Thư bà A)

Quý độc giả thân mến,

Tuần này TL góp ý với lá thư của bà A, một người mẹ có con gái bị tan vỡ hạnh phúc hôn nhân. Xin rất sơ lược nội dung thư:

X, con gái bà A, vừa có nhan sắc vừa có học thức, lấy Y được vài năm, chưa kịp có con thì chia tay bởi Y ngoại tình với Z, một cô gái thua kém X về mọi mặt. Sau đó, Y và Z chính thức lấy nhau, có con cái, bao năm trôi qua, vẫn chung sống hạnh phúc, và có vẻ Y còn sợ vợ nữa! Bà A băn khoăn tự hỏi nhưng không tìm được câu trả lời: tại sao Y lại “ngu” đến như thế, hay là Y bị Z bỏ bùa mê?!

Trả lời của TL:

Bà A thân  mến,

Thông thường, một khi xảy ra việc người chồng ngoại tình, bao giờ các bà vợ cũng đương nhiên đổ lỗi cho các ông chồng, nào là thích “của lạ”, thèm “ăn phở”, v.v…. chứ không bao giờ tự vấn mình có trách nhiệm trong việc này hay không?

Khi yêu nhau, các cô gái thường mơ mộng, xa rời thực tế hơn là đám con trai. Cũng chẳng sao, nhưng sau khi trở thành vợ chồng phải sống thực tế. Thực tế ấy là gì? Là đồng lao cộng khổ để xây dựng nền tảng cho gia đình. Nếu người chồng biết nâng niu, chiều chuộng vợ thì chẳng nói làm gì, nhưng nếu không thì người vợ cũng phải thông cảm, bởi áp lực của công việc, của xã hội đôi khi nó ghê gớm khủng khiếp lắm chứ không phải chuyện đùa. Mà một khi bị căng thẳng tinh thần, người chồng cũng chẳng còn tâm hồn, sức lực, thì giờ để nâng niu âu yếm vợ nữa. Trong  những trường hợp như thế thì tốt nhất là hoán đổi vị trí: người vợ phải âu yếm, vuốt ve, an ủi chồng.

Thế nhưng có không ít bà vợ không làm được như thế. Tuy nhiên, tệ hại nhất vẫn là những người vợ chỉ biết cằn nhằn, chê bai, đay nghiến chồng! Đi ra ngoài thì không tiếc lời ca tụng, thậm chí phóng đại về những cái hay cái tốt của chồng mình để lòe thiên hạ, nhưng về nhà thì chấm dứt, và quay sang cằn  nhằn trước những sai sót của chồng, chê bai khả năng “cày” của chồng, và đay nghiến chồng trước sự đối xử của bà mẹ chồng, hoặc sự hỗn láo của đám em; vô tình biến tổ ấm lứa đôi thành địa ngục trần gian.

Thử hỏi, trong những trường hợp ấy, người chồng không chán nản sao được?!

TL không hiểu cháu X là người tính tình ra sao, khôn khéo tới mức nào, nhưng nếu X thường cằn nhằn, chê bai, trách móc chồng, so sánh chồng với những người đàn ông tài giỏi, thành công hơn, thì  ưu điểm “vừa có nhan sắc vừa có học thức” của X lại trở thành khuyết điểm, khiến Y thêm chán nản, mặc cảm. Và nếu Y gặp Z  thì trong trường hợp này Z không phải là “phở” mà chính là “cơm”, tuy không cao lương mỹ vị bằng cơm nhà nhưng luôn luôn nóng dẻo và hạp khẩu vị hơn!

Khi quyết định lập gia đình, một người chồng dù ham vui, bồng bột tới đâu, cũng có khynh hướng cơm nhà quà vợ, với điều kiện cái “nhà” ấy phải là một tổ ấm, cái “quà” ấy phải quà biếu chứ không phải bố thí!

Cũng có thể, lúc đầu đối với Y, Z chỉ là “phở”, nhưng dần dần Z đã chinh phục được Y bằng tính tình đáng yêu và sự tận tụy, cảm thông của cô ấy. Giản dị thế thôi, chứ vào thời buổi này, TL không tin có bùa mê cháo lú!

Thành thử bà đừng vội chê Y là “ngu”. Còn cái mục “sợ vợ”, rất có thể đó chỉ là bản tính hiền lành của con người Y, mà trước kia đã không có cơ hội để phát tiết khi phải chung sống với một người vợ quá quắt như X.

Nhìn quanh, chúng ta có thể thấy không ít đàn bà đẹp, học thức mà tan vỡ hạnh phúc gia đình. Chẳng lẽ những ông chồng của họ đều là người “ngu” hết hay sao?! Họ không ngu, họ chỉ tìm một lối thoát sau khi đã vỡ mộng ban đầu!

Thanh Lan

TiVi Tuần-san 1498