Hỏi và giải đáp 203: Vấn nạn thích sống độc thân

10 Tháng Một, 2017 | Uncategorized

Lần này, TL giới thiệu lá thư rất thú vị và cũng khá… nhức đầu của nữ độc giả NB. Xin đăng nguyên văn thư:

Cô Thanh Lan quý mến,

Hy vọng cô vẫn còn nhớ tôi, người đã đôi lần góp ý về một số đề tài trong lãnh vực xã hội và giới trẻ. Hôm nay tôi xin trình bày một đề tài khác về giới trẻ. Đúng ra, trước kia tôi không nghĩ đây là đề tài quan trọng nhưng sau khi xảy ra trong chính gia đình của mình, tôi mới nhận thấy đây là một vấn nạn chung của giới trẻ VN sống ở Úc. Vấn nạn ấy là thờ ơ trước việc lập gia đình.

Tôi xin kể ra trường hợp của gia đình mình trước khi nói tới chuyện của người chung quanh:

Vợ chồng tôi có dăm ba người con, trưởng nam đã lấy vợ từ lâu và sản xuất đều đặn, các em trai gái cũng đều yên bề gia thất, chỉ trừ cô trưởng nữ. So với tiêu chuẩn của người ngoài, cái gì cháu cũng từ trung bình trở lên, còn so với anh em trong nhà, cháu có phần vượt trội. Cũng sống như bạn bè cùng trang lứa: đi chơi đủ mục, có bạn trai sớm, nhưng cháu lại không chịu lập gia đình. Cháu không nói mình không muốn mà chỉ nói khi nào happen thì happen!

Thời gian trôi qua đã hơn 10 năm, sau khi tất cả anh em đều đã có nơi có chốn, cháu vẫn ngoan cố tiếp tục cuộc sống độc thân. Có điều tôi cũng xin viết ra đây: cháu không hề mặc cảm gái già, và mỗi khi tôi nói xa nói gần tới việc người ta có thể cho là mình bị ế chồng thì cháu nói người nào có tư tưởng đó đều stupid bởi vì ngày nay hôn nhân không mang tính cách bắt buộc như ngày xưa để mà phải lấy đại cho xong!

Dần dần, tôi cũng chán nản, không thèm đề cập tới việc chồng con với cháu nữa. Rồi nhìn sang bạn bè quen biết, tôi thấy mình không phải là người duy nhất gặp vấn nạn này, mà còn có nhiều con trai con gái khác đã trên 30 mà vẫn không chịu lập gia đình.

Qua trường hợp của con gái và tìm hiểu bạn bè, người quen, tôi nhận thấy hầu như không có trường hợp nào là bị ế vợ ế chồng hết, cũng không phải kén chọn, chê hết người này tới người khác, mà chỉ đơn thuần vì chưa muốn lập gia đình mà thôi. Tính cách nguy hiểm của sự việc là ở chỗ: tới một tuổi nào đó, chưa muốn lập gia đình sẽ trở thành không muốn lập gia đình!

Với nhãn quan và suy tư của một người làm việc trong ngành giáo dục và xã hội, tôi thiển nghĩ tình trạng này do ảnh hưởng nếp sống tây phương. Ảnh hưởng qua hai yếu tố: tinh thần và vật chất.

Tinh thần: trong cuộc sống ở xã hội tây phương, nhu cầu luyến ái nam nữ nhiều khi dừng lại ở tình yêu chứ không nhất thiết phải tiến tới hôn nhân. Bởi vì tình yêu vẫn đem lại vui thú cho tâm hồn (tôi không nói tới tình dục) mà không ảnh hưởng tới tương lai sự nghiệp, tự do cá nhân, nghĩa là không đem lại một sự lo nghĩ hay ràng buộc tinh thần nào cả.

Về vật chất, tình yêu không đem lại gánh nặng, hoặc ít ra cũng là những rắc rối phức tạp trong cuộc sống cá nhân như sau khi đã lập gia đình.

Phần lớn người Á đông chúng ta thường đánh giá người Tây phương là ích kỷ, tôi không dám hùa theo nhưng nhận xét một cách khách quan ít nhất chúng ta cũng phải nhìn nhận người Tây phương ích kỷ trong việc bảo vệ tự do cá nhân. Nghĩa là tự do cá nhân trên hết, trong khi về những lãnh vực khác thì họ lại tỏ ra rộng lượng hơn chúng ta, chẳng hạn việc cứu trợ các nạn nhân, đóng góp cho các tổ chức từ thiện, hiến máu, hiến cơ phận thân thể, v.v…

Như vậy, có thể nói tình trạng không chịu lập gia đình ở một số người trẻ gốc Á đông là một vấn nạn xã hội mang tính cách cộng đồng (community). Nghĩa là chỉ có thể giải quyết bằng những phương án riêng của từng cộng đồng. Tôi xin đan cử một thí dụ điển hình: một số sắc tộc Trung Đông sau khi tới Úc lập nghiệp vẫn duy trì tập tục hôn nhân sắp đặt (arranged marriage), hoặc tới một tuổi nào đó bắt buộc phải kết hôn, thì trong cộng đồng của họ sẽ không xảy ra nhiều trường hợp sống độc thân.

Đương nhiên, cộng đồng mình không thể áp dụng biện pháp trên vì ngay ngày còn ở VN, chính chúng ta đã đả phá những cuộc hôn nhân sắp đặt, và sang Úc chúng ta đã để con cái sống hòa nhập thì việc bị ảnh hưởng không thể tránh khỏi và không thể trách con em.

Cô Thanh Lan thân mến,

Trên đây là vấn nạn tôi trình bày mà không đưa ra câu trả lời hay ý kiến về một lối thoát. Tôi thực sự bị bí, mong cô Thanh Lan và quý độc giả, mỗi người một chút góp ý biết đâu sẽ giúp giải quyết phần nào tình trạng ngày càng đáng báo động trong cộng đồng chúng ta.

Kính mến, NB

 

Ý kiến Thanh Lan:

Bà NB kính mến,

Tình trạng không chịu kết hôn khi tới tuổi kết hôn đề rồi sau đó có thể trở thành không bao giờ kết hôn đã được một số phụ huynh và cả một vài bạn trẻ nêu lên trên trang báo này. Tuy nhiên, nếu TL nhớ không lầm thì bà là người đầu tiên  gọi là một vấn nạn.

Theo thiển ý, nếu chúng ta gọi là một vấn nạn thì là vấn nạn của phụ huynh chứ không của con em. Bởi vì, như bà đã viết, tình trạng này là do ảnh hưởng nếp sống tây phương, thì các bạn trẻ sẽ thoải mái sống và thoải mái đón nhận những gì sẽ xẩy ra, xem đó là sự việc bình thường.

Viết như thế không có nghĩa là việc sanh ra và lớn lên trong một gia đình Á đông ở xã hội Úc, chẳng ảnh hưởng một chút nào tới suy nghĩ và cách sống của thế hệ con em. Nhưng theo TL, và có lẽ đa số độc giả cũng đồng ý, những ảnh hưởng tích cực nếu có cũng chỉ đóng khung trong lãnh vực đạo đức mà thôi. Còn về quan niệm sống, cách sống, con em sẽ chịu ảnh hưởng của xã hội nhiều hơn là gia đình (hai chữ xã hội ở đây xin hiểu rộng là về tất cả mọi mặt của đời sống bên ngoài ngưỡng cửa gia đình). Mà một khi đồng ý điều này, chúng ta cũng phải đồng ý là không thể đi ngươc lại sự tiến hóa của xã hội.

TL chẳng nhận mình là người cấp tiến hay bảo thủ, chỉ xin đưa ra nhận định khách quan như sau: trong một xã hội tây phương, trong khi đạo đức có thể suy đồi hơn xã hội đông phương, quan niệm và cách sống thực tế của họ chưa hẳn đã có hại hơn là quan niệm và cách sống bảo thủ của người đông phương.

Riêng tình trạng không chịu kết hôn khi tới tuổi kết hôn đề rồi sau đó có thể trở thành không bao giờ kết hôn, TL cho rằng phụ huynh không thể can thiệp và cũng không nên can thiệp, bởi lẽ giới trẻ ngày nay biết ý thức sớm hơn thế hệ cha anh ngày xưa rất nhiều.

Suy nghĩ và sự lựa chọn của các cháu có thể khiến cha mẹ phải lo âu, buồn lòng nhưng trong đa số trường hợp đó là những sự lựa chọn đúng đắn, có suy nghĩ. Cứ  tạm cho là trong một số trường hợp, sau này các cháu sẽ phải ăn năn hối hận vì đã không nghe lời cha mẹ, thì vẫn còn dễ chịu hơn là ăn năn hối hận vì đã trót nghe lời khuyên của mẹ cha!

Suy ra nếu các cháu không chịu kết hôn vì biết trước sẽ đổ vỡ thì cứ mặc các cháu, hơn là ép uổng, thúc dục kết hôn để rồi sau đó đi tới đổ vỡ.

Tóm lại, việc một số các cháu chưa chịu hoặc không chịu lập gia đình, trong khi có thể làm cha mẹ phải lo âu, buồn lòng, cũng chưa đủ yếu tố để vội vã đi tới kết luận đó là điều không hay, không tốt cho cuộc đời các cháu.

Dĩ nhiên, trên đây cũng chỉ là suy nghĩ của TL trước vấn nạn mà bà NB trình bày. Tuy nhiên, TL vẫn cho rằng nếu quả thực cần có một lối thoát, mỗi gia đình sẽ tìm ra một cách giải quyết riêng cho mình, chứ không thể có một chiều hướng giải quyết chung cho cả cộng đồng chúng ta. Bởi vì một khi đã bắt buộc phải hòa nhập, chúng ta phải chấp nhận sự đồng hóa – toàn phần nay giới hạn.

Tất cả những gì chúng ta có thể truyền lại cho thế hệ đi sau chỉ là tinh thần dân tộc và truyền thống đạo đức của nguời Á đông mà thôi.

Kính mến,

Thanh Lan