Hỏi và giải đáp 415: Tức nước vỡ bờ

19 Tháng Bảy, 2018 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

TL trả lời thư cháu A, viết về một đề tài xưa như trái đất: mẹ chồng – nàng dâu! Tóm tắt nội dung thư:

A và B là một cặp vợ chồng trẻ lý tưởng: xứng đôi vừa lứa, yêu nhau từ thuở còn đi học, nay đều thành đạt, có sự nghiệp, và một đứa con xinh đẹp… B may mắn có toàn bộ gia đình cùng ở Úc: cha mẹ, anh chị em sống gần gũi yêu thương đoàn kết, ai nhìn vào cũng thèm thuồng, mơ ước. Nhưng với A thì đó lại là nguyên nhân của “vấn đề”. Chủ yếu là bà mẹ chồng! Bà là người rất tốt, đạo đức nhưng lại mắc phải khuyết điểm chỉ coi trọng con rể và xem thường con dâu. Bà không xét nét, vạch lá tìm sâu, hoặc tỏ ra đối nghịch với con dâu như các bà mẹ chồng miền Bắc thường thấy trong tiểu thuyết, mà bà chỉ xem thường. Thí dụ, mỗi khi đại gia đình có việc gì cần bàn thảo thì chỉ con trai, con gái và con rể mới có quyền có ý kiến, hoặc khi có điều gì không hài lòng về con dâu, thì mắng vốn con trai để về… dậy vợ!

Theo nhận xét của A, hình như các chị em bạn dâu lớn hơn mình không ai để ý tới tình trạng này (hay có mà họ không tỏ lộ ra?) nhưng riêng A thì rất bất mãn. Thời gian đầu, A cố gắng làm lơ nhưng tức nước vỡ bờ, cuối cùng A đã đôi ba lần tỏ thái độ trước mặt mẹ chồng và mọi người. Hậu quả, sau đó về nhà A bị chồng “kiểm thảo”, A liền “phản kháng”, đưa tới bất hòa! A… biết hiện nay mình đang bị mọi người trong gia đình chồng xem là một cô con dâu “dữ”, nhưng A thà mang tiếng “dữ” chứ không chấp nhận để gia đình chồng lấn lướt… Mặc dù vậy, A cũng rất buồn vì chồng mình không biết bênh vợ!

Ý kiến của Thanh Lan:

Cháu A thân mến,

Đọc lá thư của cháu vào đúng lúc mọi người đi bỏ phiếu bầu tân lãnh tụ liên bang, cô bỗng có ý nghĩ khôi hài trước hiện tượng “phụ nữ vùng lên”, nào là nữ Thủ hiến Queensland, nữ Thủ hiến nữ NSW, rồi nữ Thủ tướng liên bang, và nay tới lượt cháu!

Tuy nhiên, so với các vị nữ lưu ấy, hoàn cảnh của cháu hoàn toàn khác biệt. Đó là trong khi trên chính trường người ta phải một mất một còn với đối thủ, thì nàng dâu không thể, không nên tuyên chiến với mẹ chồng. Dĩ nhiên cũng có những trường hợp bất khả kháng, nhưng chẳng đặng đừng mới phải tuyên chiến, bởi vì nói theo người bình dân, một khi chiến tranh xảy ra, không cần biết ai thắng ai bại thì đôi bên cũng “từ chết tới bị thương”, chứ không có người nào toàn vẹn cả.

Một khi đã lập gia đình, chuyện mẹ chồng nàng dâu không ai có thể tránh khỏi. Bởi vì trong thời gian tìm hiểu nhau, người ta chỉ chú ý tới đối tượng chính là người chồng tương lai; hơn nữa phần lớn những xung khắc giữa mẹ chồng nàng dâu chỉ nổi lên sau khi ván đã đóng thuyền.

Đi sâu vào hoàn cảnh của cháu hiện nay, nếu thay vì cháu là người viết thư khiếu nại, mẹ chồng cháu lại là người viết thư than phiền, thì độc giả sẽ thấy cháu là người có lỗi. Cho nên phương cách tốt đẹp nhất xưa nay, và cũng là lối thoát duy nhất là phải dung hòa.

Mỗi gia đình có một truyền thống, lề lối sinh hoạt sinh riêng, nhưng nói chung, với phương ngôn “dâu là con, rể là khách”, các cô con dâu không nên kỳ vọng sẽ được nể trọng như các ông con rể. Chính trong gia đình cô cũng có những “còm-len” về tình trạng phân biệt đối xử này, nhưng suy nghĩ kỹ, thấy các cụ cũng có lý của các cụ. Bên cạnh đó, nếu xét tới nơi tới chốn, thì được xem là “con” phải tốt hơn là “khách”.

Cháu viết rằng bà mẹ chồng của cháu “là người rất tốt, đạo đức nhưng lại mắc phải khuyết điểm chỉ coi trọng con rể và xem thường con dâu…”,  trong khi bà “không xét nét, vạch lá tìm sâu, hoặc tỏ ra đối nghịch với con dâu”, thì thú thật với cháu, có vô số con dâu mong muốn được như cháu đấy!

Hai chữ “xem thường” mà cháu sử dụng, theo cô chỉ có nghĩa là “không cho có tiếng nói trong các quyết định chung”. Xưa nay, các gia đình bên chồng có lề lối sinh hoạt ấy không thiếu gì, mà các cô con dâu chẳng hề lên tiếng, hoặc tỏ thái độ “phản kháng”. Bởi vì họ không cần làm việc ấy (phản kháng) để có thể bị mang tiếng là một cô con dâu “dữ” như cháu hiện nay, mà họ chỉ cần âm thầm chi phối ông chồng của mình!

“Phản kháng” như cháu là dại. Bởi vì không mấy bà mẹ chồng bình tâm tự nhủ “con A nó chỉ dữ cái miệng” , hoặc “nó là người thẳng tính, nói ra là xong, không để bụng”, mà đa số sẽ “ra tay” để chứng tỏ uy quyền của một bà mẹ chồng!

Nhìn quanh, cô thấy không ít người có cùng phương hướng với cháu: thà mang tiếng “dữ” chứ không chấp nhận để gia đình chồng lấn lướt, nhưng thử hỏi “dữ” có chấm dứt được tình trạng mà cháu gọi là ‘bị gia đình chồng lấn lướt” hay không?

Câu trả lời thật quá rõ ràng: trừ khi cháu nhất quyết ăn thua đủ, bất chấp mọi hậu quả (kể cả hạnh phúc gia đình mình), cháu không bao giờ thay đổi được tình hình.

Cuối cùng, cô cũng muốn nhấn mạnh với cháu cũng như tất cả mọi người vợ đang bất mãn gia đình chồng: đừng quên ông chồng “đáng thương” của mình. Đáng thương, bởi vì về bên nớ thì nghe mẹ mắng vốn, trở lại bên ni thì bị vợ đay nghiến.

Mà trong lúc đay nghiến, chẳng có người vợ nào nhận thức được rằng mình đang làm khổ tâm người bạn đời, mà chỉ cần biết mình đang tấn công một đại diện, một đồng minh của mẹ chồng!

Thanh Lan