Hỏi và giải đáp 455: Vật chất trong tình yêu

21 Tháng Mười, 2018 | Uncategorized
Hình minh họa, TVTS contributor: Tri Nguyen

TL trả lời thư một nam độc giả trẻ, hiện đang phân vân thắc mắc trước việc mà bạn bè cho là “bị bắt địa”. Xin sơ lược nội dung thư của X:

X, trên 30, ở Úc một mình, có “good job” nhưng cũng nặng gánh gia đình ở VN (cha mẹ đã mất nhưng hầu như không tháng nào không có thư của anh chị xin quà cho cháu!)

Về cuộc sống tình cảm, vì trước kia thì lo học, nay lo “cày”, X chưa trải qua một mối tình sâu đậm nào, cho tới khi quen A cách đây gần 1 năm.

A, kém X hơn 5 tuổi, con nhà đàng hoàng, có việc làm tương đối nhàn hạ, nhan sắc có thể gọi là khá đẹp. Ngay từ khi mới gặp A, X đã bị “tiếng sét ái tình” lần đầu tiên trong đời. Trở ngại chính: gia đình A rất khó, cho nên hai người thường nói chuyện  qua điện thoại hơn là gặp mặt (một tháng chỉ 2, 3 lần).

Về phần A, trong khi xác định giữa hai người còn ở trong tình trạng “tìm hiểu nhau” thì mỗi khi đi chơi với nhau, thường đòi X mua cho món này món nọ, toàn là những thứ đắt tiền!

Một người bạn thân (Y) biết chuyện, cho rằng A chỉ “bắt địa” và khuyên X nên chấm dứt, nhưng X vẫn băn khoăn, nghi ngại…

Ý kiến Thanh Lan:

Em X thân mến,

Đọc xong thư của em, nhận xét đầu tiên của TL là em quá nể nang và yếu lòng!

Việc “viện trợ” cho anh chị, gửi “quà” cho các cháu là việc làm rất tốt, nếu như mình có đủ khả năng tài chính và cảm thấy vui vẻ thoải mái khi làm công việc ấy. Thiếu một trong hai điều kiện này thì thà đừng gửi đừng cho! Bởi vì làm như thế, một là bản thân mình sẽ khổ (vì thiếu thốn, chật vật), hai là mình sẽ cảm thấy bực bội, thậm chí “ghét” những người mà mình phải gửi!

Dĩ nhiên, không phải độc giả nào cũng đồng ý với ý kiến của TL, nhưng TL cho rằng đó là cách sống thực tế nhất. Thành thử,

em X nên giảm bớt dần số lượng cũng như số lần gửi về VN, không cần biết sau này em có lập gia đình hay không!

Đi vào đề tài chính, trước tiên TL khuyên em không nên vội vã nghe lời Y. Bởi vì có thể Y nhận xét đúng mà cũng có thể sai, và nếu Y sai mà em lại nghe theo thì sẽ “hụt” mất một tình yêu, một tương lai lẽ ra em được hưởng.

Bởi vì mỗi người con gái là một thế giới bí ẩn, người khác không thể xét đoán một cách vội vã, hời hợt. Có người con gái khi quen nhau, tìm hiểu nhau, chỉ cần tâm hồn, tức là sự hòa hợp; có cô thích được chiều chuộng bằng những câu nói êm ái, ngọt ngào; lại có những cô thích được chiều chuộng bằng vật chất…

Giữa việc muốn được chiều chuộng bằng vật chất và hành động “bắt địa” khác nhau nhiều lắm.

Hiện nay, TL chưa đủ yếu tố để kết luận A là một cô gái chỉ biết “bắt địa”, nhưng cũng không dám khuyên em hy vọng nhiều, bởi vì càng nuôi hy vọng nhiều thì khi bị thất bại sẽ càng ê chề, tuyệt vọng.

Phương hướng tốt nhất là nên tiếp tục tìm hiểu A, nhưng để sau này lỡ không thành, mình không phải tiếc (vật chất đã bỏ ra), không phải hận (vì đã bị “bắt địa”), em phải tự nhủ: nếu không cố gắng theo đuổi thì làm sao biết được mình sẽ thành công hay thất bại!

Dĩ nhiên, cố gắng ấy cũng có hạn. Theo TL, em phải đề nghị A cho em tới nhà A nhiều hơn, để thăm dò thiện của cả A lẫn gia đình. Thời buổi này không còn chuyện ngăn cấm con cái trong việc hôn nhân, nhưng bởi vì em đã viết trong thư rằng gia đình A rất khó, em phải vào tận “hang cọp” tìm hiểu họ chỉ khó do bản chất cố hữu, hay khó vì không chấp nhận mình (tôn giáo, địa phương, v.v…)

Và một khi biết chắc chắn họ không chấp nhận mình thì nên rút lui. Bởi nếu A có cảm tình nhiều với em thì nàng đã can thiệp với gia đình.

Thanh Lan