Hỏi và giải đáp 539: “Hoài niệm” hay “Tình cũ không quên”?

12 Tháng Năm, 2019 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

TL mời các bạn chia sẻ với tâm sự của bạn A, một người chồng trẻ yêu vợ và được vợ yêu, nhưng biết chắc chắn vợ mình vẫn còn nhớ tới người yêu cũ. Vì lá thư có quá nhiều chi tiết cá biệt, TL xin miễn đăng lên mặt báo, chỉ góp ý kiến.

* * *

Cháu A thân mến,

Mặc dù không dựa trên một kết quả nghiên cứu nào, tự mỗi người chúng ta qua kinh nghiệm của bản thân, của bạn bè, cũng thấy được một điều: rất ít người trong chúng ta (chỉ nói về những người lập gia đình) chỉ yêu một lần duy nhất trong đời, nghĩa là người bạn đời của  mình cũng chính là người con trai, người con gái đầu tiên mà mình yêu.

Như vậy, em không phải là người chồng duy nhất là “kẻ đến sau”. TL không hiểu trong tiếng Anh, tiếng Pháp, người ta gọi là gì nhưng riêng mấy chữ “kẻ đến sau” trong tiếng Việt thì nghe không hay ho thơ mộng một chút nào cả.

Chẳng những nghe không thơ mộng mà trong nhiều trường hợp còn bị hiểu một cách tai hại, lệch lạc là “xây-cần hen”!

Trên thực tế, chưa chắc mối tình đầu đã là mối tình lớn nhất, đẹp nhất của một đời người, và chưa chắc người ta đã yêu người tình đầu một cách tha thiết, mãnh liệt hơn là “kẻ đến sau”.

Theo suy nghĩ của TL cũng như qua quan sát, tìm hiểu mọi người  chung quanh, hạnh phúc hôn nhân hoàn toàn tùy thuộc vào những gì hai người trao nhau, đối xử với nhau trong hiện tại, chứ không ăn nhập gì tới việc trong quá khứ chàng và nàng đã trải qua mấy lần yêu!

Thế nhưng tâm lý chung của con người là luôn luôn muốn tìm hiểu, hoặc tệ hại hơn, nhắc nhớ quá khứ yêu đương của người bạn đời để tự chuốc lấy đau khổ, hoặc có khi làm khổ lẫn nhau!

Thực ra, khi mới gặp nhau và bị tiếng sét ái tình, không ai trong chúng ta “care” về quá khứ của đối tượng, mà chỉ biết tìm mọi cách để chiếm cho bằng được trái tim của người ấy. Chỉ tới khi đã chiếm được rồi, chung sống rồi, mới “hưởn” để ghen với quá khứ của vợ, của chồng mình!

Như đã viết ở trên, đây là tâm lý thông thường của con người, không có gì đáng trách, đáng gọi là nhỏ nhen, nhưng nếu để quá đà thì sẽ chỉ tự chuốc thêm đau khổ cho mình.

Những phương cách hiện nay cháu đang sử dụng để tìm hiểu vợ mình đang suy nghĩ gì, có còn nhớ tới người yêu cũ hay không, TL cho là “quá đà”. Điều tại hại nhất, mà không mấy người chịu nghĩ tới, là khi ghen với quá khứ của vợ, chồng thì đồng thời mình cũng quên hết hạnh phúc trong hiện tại mà người bạn đời đã và đang đem lại cho mình. Từ đó, sẽ đi xa hơn khi tự cho rằng hình ảnh người xưa vẫn ngự trị trong tim của người bạn đời.

Cháu băn khoăn tự hỏi: vợ cháu không quên được hay chỉ vì cô ấy không muốn quên? Cô trả lời cháu như sau: có khi chính vợ cháu cũng không biết!

Ai trong chúng ta không muốn có một cuộc sống lứa đôi hạnh phục trong hiện tại. Muốn đạt được hạnh phúc ấy thì phải hướng về tương lai. Vì thế, bên cạnh tình yêu bắt buộc phải có, người tây phương hay sử dụng chữ “devotion” trong quan hệ vợ chồng. Áp dụng vào hoàn cảnh của cháu hiện nay, “devotion” ấy là sự thông cảm, từ thông cảm sẽ hết lòng đem lại hạnh phúc cho vợ mình, và điều dễ hiểu là vợ cháu càng hạnh phúc trong cuộc sống hiện tại, thì càng ít nhớ tới người xưa.

Cuối cùng, TL cũng phải “văn chương” một chút để giúp cháu hiểu được rằng những gì vợ cháu nhắc nhớ với bạn bè của cô ấy chỉ nên coi như một sự “hoài niệm” (nostalgia), tức là nhắc nhớ những gì đẹp đẽ của một thời đã qua mà không bao giờ còn tìm lại được!

Nếu cháu đã từng yêu, dù chỉ thầm yêu, một cô bạn thời trung học, có lẽ cháu cũng phải đôi lần hoài niệm như thế trong đời mình, và không ai có thể lên án, có thể bắt buộc cháu phải “đoạn tuyệt” với quá khứ ấy!

Thanh Lan