Hỏi và giải đáp 350: Năm mới chuyện cũ: “Hoa vô chủ”

18 Tháng Hai, 2018 | Uncategorized
Hình minh họa: TVTS

Còn nhớ năm ngoái, trên mục ‘Hỏi và giải đáp’ có đăng bài viết của một nữ độc giả với tựa đề “Hoa vô chủ”, kế tiếp là thư của một tu mi nam tử, tự nhận là “bạn tốt” của một số bông “hoa vô chủ”, viết để phản đối ý kiến của bà. Và sau cùng là sự tham gia của thế hệ đi sau: cháu A với những ý kiến dung hòa, nhưng kết luận thì vẫn về phía “phe ta”, tức phe các bà vợ.

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý nhất trong thư của cháu A là cháu cho rằng “nhân vật chính” trong đề tài này, tức là nhân vật đáng trách nhất không phải là những “bông hoa vô chủ” lẳng lơ mà chính là những đấng ông chồng… như mèo thấy mỡ.

Tuần qua, TL lại nhận được một lá thư có nội dung liên quan tới “hoa vô chủ”, và người viết lo ngại mình sẽ trở thành nạn nhân. Vì cần bảo mật tối đa cho người trong cuộc, TL chỉ rất sơ lược thư hỏi:

Y, ngoài 40, có chồng là A, hiện đang có cảm tình với B, một người đã ly dị chồng và có… con. B rất đẹp, thu hút, có học thức và sự nghiệp, nhưng không hiểu sao lại tan vỡ hạnh phúc (chồng cũ của B và B rất xứng đôi vừa lứa), và sau này dù quen biết và tỏ ra thân thiết với một số đàn ông cùng hoàn cảnh và lứa tuổi, đã không cặp với ai mà lại chỉ bám sát A (chồng của Y), đồng thời tỏ ra rất quý mến Y.

Y nêu 3 câu hỏi:

– A luôn luôn nói A chỉ coi B như “em gái”. Trên thực tế, có thể có việc khó tin này hay không?

– A không hề tỏ thái độ lạnh nhạt với vợ, thờ ơ với con cái, làm sao để phản đối sự thân thiết giữa chồng mình và B?

– Người ta nói tin bạn mất chồng, làm sao để có thể cảnh cáo B mà không khiến A phải bực mình, không làm tổn thương tình bạn giữa Y và B?

Trả lời của TL:

Em Y thân mến,

Trước hết, em không thể và không nên liệt B vào thành phần “hoa vô chủ” như đã được nhắc tới trong những lá thư trước đây. B ở vậy, vừa lo nuôi dạy con, vừa đi chơi, tiệc tùng, giao thiệp công khai với cả người “available” lẫn “không available”  thì không có gì chê trách được.

Về câu hỏi thứ nhất của em, TL trả lời như sau: có thể có việc khó tin này, nhưng hai chữ “em gái” ở đây không thuần túy là em gái do cha mẹ sanh ra, mà phải có một chút tình cảm đặc biệt nào đó. Gọi là “đặc biệt” bởi vì chưa chắc đã có tình cảm nam nữ trong đó, nhưng cũng không phải chỉ là giữa anh em ruột.

Về hai câu hỏi sau của em, TL không thể trả lời, bởi vì phải sống vào hoàn cảnh, vị trí của em thì mới biết được mình phải đối phó ra sao, hoặc chẳng cần phải đối phó.

Nhưng nói một cách chung chung, thì trong hoàn cảnh hiện nay, em nên cầu mong vào lòng chung thủy của chồng và tư cách của B hơn là tìm biện pháp đối phó. Bởi vì nếu A thiếu chung thủy, đây là cơ hội bằng vàng cho A; và nếu B là người lẳng lơ, A cũng rất khó chống cưỡng. Và quan trọng hơn cả là hai người dư sức qua mặt em.

Thành thử trong trường hợp này, tỏ thái độ nghi ngờ chồng một cách vô cớ, hoặc tự dưng lạnh nhạt với B là việc không nên, và vô ích – nếu chuyện gì xảy ra thì đã xảy ra, và nếu sẽ xảy ra em cũng không tránh được.

Có lẽ em đang nói TL trả lời như thế là bù trất, nhưng sự thật là như thế. Muốn ngăn ngừa, đề phòng thì đã phải hành động ngay từ đầu, khi A và B chưa thành “anh em”, B và em chưa coi nhau như “chị em”. Còn nay đã thân nhau tới mức này rồi thì rất khó.

Em mà bóng gió với chồng như em đã dự tính, thì nếu A không có gì với B, sẽ bực mình và bớt quý trọng vợ; ngược lại, nếu A có gì thì sẽ giật mình, rồi tìm cách dấu, chứ không chấm dứt đâu!

Tóm lại, em không nên lo lắng nhiều, bởi vì sẽ thêm nghi ngờ và tưởng tượng ra đủ thứ chuyện ghê gớm. Tốt hơn hết là tỏ ra hết lòng với B, và cố gắng làm mai cho B một người đàn ông xứng đáng, thì vừa hết lo, vừa thanh thản, nhẹ nhõm tâm hồn.

Thanh Lan