Hỏi và giải đáp 373: Đổ vỡ đáng tiếc

12 Tháng Tư, 2018 | Uncategorized
Hình minh họa: TVTS

TL lại phải trở lại với đề tài nhức đầu muôn thuở: chia tay! Càng nhức đầu hơn nữa khi hai người trong cuộc đã nửa chừng xuân!

Để giữ kín lý lịch cho X, TL chỉ xin sơ lược vài dòng về chuyện buồn của em:

X, đã gần 40, và A là đôi uyên lý tưởng, không chỉ dưới mắt người ngoài mà còn cả với người trong cuộc (tức X và A): trình độ, gia thế, địa vị xã hội, ngoại hình…, nhưng sau mười mấy năm chung sống, con cái đã khôn lớn, vẫn đi tới chia tay. Giờ này nhìn lại, X không thể tin rằng ngày xưa hai người lại có thể yêu nhau và hạnh phúc tới mức ấy… Từ đó, X không còn tin vào sự bền vững của tình cảm con người nữa…

Ý kiến của Thanh Lan:

Em X thân mến,

Người tây phương thường gọi những cuộc hôn nhân không hạnh phúc là “vết ngứa 7 năm” (the 7-year itch, cũng là tựa đê một cuốn phim). Nguyên nhân: nếu không hợp nhau, người ta chỉ có thể chịu đựng nhau tối đa 7 năm! Theo một số người, sau nửa thế kỷ, “vết ngứa” ấy ngày nay chỉ còn 5 năm. Từ nhận xét trên, người ta suy ra: một khi đã vượt qua được cái mốc 5, 7 năm ấy, hai vợ chồng có thể chung sống cho tới khi đầu bạc răng long! Nhưng trên thực tế, theo các tác giả viết về hôn nhân, người ta còn một cái “ải” nữa, đó là khủng hoảng tuổi trung niên (middle-age crisis).

Trường hợp chia tay nhau của em và A, nếu tính bằng thước đo thời gian thì nằm giữa cái mốc vết ngứa  5, 7 năm và khủng hoảng tuổi trung niên – mà TL tạm gọi là chia tay vào tuổi nửa chừng xuân.

Cũng theo các tác  giả viết về hôn nhân, những trường hợp chia tay vào tuổi nửa chừng xuân tương đối hiếm, bởi vì sau khi qua cái mốc 5, 7 năm, là thời gian bù đầu lo cho tương lai tài chính của gia đình, nuôi dạy con cái, cho nên người ta có khuynh hướng, hoặc có thể nói là bị đặt vào cái thế phải “đồng vợ đồng chồng”.

Nhưng hiếm không có nghĩa là không xảy ra, và một khi nó xảy ra thì giải thích sao đây? Dĩ nhiên, mỗi trường hợp có những nguyên nhân sâu xa khác nhau, nhưng giải thích một cách chung chung thì đây là một hình thức “ung thư” – mà đã là ung thư thì một khi phát ra là hết thuốc chữa.

Trong những trường hợp chia tay vào tuổi nửa chừng xuân, thường thấy nhất là những cặp vợ chồng “có những điều kiện lý tưởng khách quan”. Giải thích một cách dễ hiểu là, như em đã viết, có “trình độ, gia thế, địa vị xã hội, ngoại hình…” xứng hợp với nhau, mà không xét tới khía cạnh tâm hồn (chủ quan). Nói Cách khác, đó là một cuộc hôn nhân lý tưởng về mặt hình thức. Cho nên có thể suy ra những gì mà em gọi là “tình yêu” và “hạnh phúc” trước khi chỉ là những ảo giác, những cái bong bóng xà phòng (bubble) muôn màu rực rỡ, tới khi vỡ tan thì không còn lại gì cả.

Điều tai hại nhất trong các cuộc hôn nhân “lý tưởng khách quan” ấy là cả hai, hoặc một trong người trong cuộc cho rằng mình là nhất, và có quyền mong đợi (expect) những gì tốt đẹp mà người kia phải đem lại cho mình. Không được như mong muốn thì bất mãn, rồi lòng tự ái và tự tôn sẽ khiến họ xa cách, lạnh lùng, thậm chí ngoại tình!

Vì thế, quan sát chung quanh, chúng ta thấy không thiếu gì cặp vợ chồng nhìn vào lý tưởng nhưng lại chia tay, trong khi có những cặp như đôi đũa lệch mà lại bền!

Cho nên, khi tìm hiểu nhau với mục đích tiến tới hôn nhân, yếu tố hòa hợp tâm hồn cần phải đặt lên ưu tiên hàng đầu. Và cha mẹ cũng không nên “đầu độc” con cái bằng cách nhồi nhét tư tưởng môn đăng hộ đối, hoặc quá chú trọng tới trình độ, nghề nghiệp, địa vị, coi đó như những yếu tố quyết định…

Tóm lại, trong hoàn cảnh của em hiện nay, hãy cố quên đi quá khứ, có nuối tiếc cũng chẳng ích gì. Bởi vì em và A đến với nhau  vì những ảo tưởng hơn là tình cảm thực sự. Nói cách khác, cả em lẫn A không hề thay đổi, mà chỉ là sau bằng đó năm chung sống, đã nhận ra rằng hai người hề yêu nhau, hoặc không yêu nhau tới mức dẹp tự ái, tự tôn để tiếp tục chung sống.

TL không khuyên em khi tìm hiểu những người đàn ông khác, dứt khoát phải tìm một người thua kém mình, mà chỉ khuyên em nên đặt nặng yếu tố tâm hồn hơn là vật chất.

Thanh Lan