Hỏi và giải đáp 379: Đàn bà thua thiệt!

26 Tháng Tư, 2018 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

TL góp kiến với em Y, một người vợ không hạnh phúc nhưng cũng không muốn chia tay… Xin rất sơ lược hoàn cảnh của Y như sau:

Y và A chung sống đã gần 10 năm, những năm đầu khá hạnh phúc nhưng sau này ngày càng giảm bớt vì tính A rất khô khan lạnh nhạt với vợ con. Trong khi đối với bên ngoài thì A rất được bạn bè quý mến, nhất là đàn bà con gái, nguyên nhân rất dễ hiểu là ra ngoài đường A rất “nice” với mọi người. Hai vợ chồng đã gây gổ, bất hòa nhiều lần nhưng A không thay đổi một chút nào… Hiện nay, Y không muốn tiếp tục chung sống trong tình trạng này nữa, nên dự tính ly thân, khi nào A cảm thấy cần vợ con thì trở về. Nhưng suy đi nghĩ lại, Y cho rằng giải quyết như thế là trả tự do cho A, là dại. Y đã chán A lắm rồi nhưng lại không muốn nhường cho ai!…

Ý kiến của Thanh Lan:

Em Y thân mến,

Có thể nói tâm trạng của em hiện nay là điển hình của biết bao bà vợ khác trên cõi đời này. Cùng tâm trạng, nhưng mỗi người có một khuynh hướng giải quyết khác nhau, tùy theo nhận định của từng người.

Một cách tổng quát, tâm trạng ấy gồm 2 phần: nhận định về người bạn đời, và tâm lý “không muốn nhường cho ai”.

Trước hết, nói về nhận định, thì trong cuộc sống hôn nhân, mỗi người chúng ta, nam cũng như nữ, đều có thể có những nhận định khác nhau về người bạn đời. Từ nhận định khác nhau, sẽ đưa tới suy nghĩ khác nhau. Chẳng hạn, cùng có một ông chồng như A, có người thây kệ, miễn sao ổng đừng cờ bạc, rượu chè, mèo chuột là đủ; nhưng có người thì không chấp nhận, so đo phân bì từng chút.

Ý kiến TL trong mục này là “trung dung”, nghĩa là chồng đừng coi thường vợ con quá mức, mà vợ cũng không nên phân bì quá đáng. Bởi vì bản tính chung của đàn ông con trai, cho dù chấp  nhận “nhất vợ nhì trời” thì khi ra khỏi nhà cũng muốn được mọi người yêu mến. Đó chỉ là nhu cầu thỏa mãn tự ái cá nhân, chứ không có nghĩa là xem vợ con không có ký-lô nào cả. Mình tỏ ra ghen tức, ganh tỵ chỉ khiến ông bực mình, khổ tâm.

Cũng theo kinh nghiệm của TL, gặp phải những ông chồng như thế, mình càng tỏ ra khó chịu thì mấy ổng càng thấy mình khó thương, từ đó dẫn đưa tới bất hòa thường xuyên. Chi bằng cứ để mặc mấy ổng “khôn nhà dại chợ”, tới một cái tuổi nào đó, tự động sẽ nghĩ lại.

Thứ đến là tâm lý không muốn nhường cho ai, viết ra thì hơi phũ phàng nhưng trên thực tế, sau khi chia tay, nếu cả hai người đều tìm được hạnh phúc mới thì chẳng nói làm gì, còn không tìm được mà thấy chồng cũ, hay vợ cũ hạnh phúc thì sẽ không tránh khỏi cay đắng. Cho nên, nhiều bà vợ đã thà chấp nhận tiếp tục chịu đựng, chứ không trả tự do cho chồng, bởi vì sợ rằng buông ra là sẽ có kẻ nhào vô.

Phụ nữ tây phương không phải lo sợ như phụ nữ Á đông, bởi vì sau khi chia tay, nam hay nữ cũng đều có cơ may làm lại cuộc đời như nhau; có khác nhau chăng là đàn ông thì cần có tiền hoặc địa vị, đàn bà thì cần có hương sắc. Nhưng với người Á đông, trong một cuộc tan vỡ thì phụ nữ bị thiệt thòi hơn thấy rõ. Một phần vì quan niệm bảo thủ của Á đông, một phần vì tâm lý sợ “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”, nhiều phụ nữ ngần ngại trong việc  làm lại cuộc đời…

Như vậy, nếu em đã suy nghĩ “trả tự do cho A là dại”, và  “không muốn nhường cho ai”, thì phải chấp nhận tiếp tục chung sống – dĩ nhiên là chung sống hạnh phúc chứ không phải coi nhau như người dưng, hoặc kẻ thù! Ly thân là giải pháp chẳng đặng. Đồng ý rằng, chỉ ly thân chứ không ly dị, là còn có thể trở lại với nhau, nhưng một khi chung sống trở lại, dù muốn hay không, vợ chồng cũng nó thấy nó kỳ kỳ thế nào ấy. Đó chưa kể ly thân, sẽ tạo cơ hội hợp pháp cho những người đàn bà khác tìm cách “an ủi” A, thì mười phần tới bảy, A sẽ đi luôn.

Thanh Lan

 

NHẮN TIN:

Nữ độc giả Braybrook” – TL đã chuyển thư riêng của em cho tác giả “Lụy vì Tình”. Chúc em mọi sự tốt đẹp. TL