Brexit và biểu tình Hồng Kông, những cuộc đấu tranh vì dân chủ

25 Tháng Chín, 2019 | Bình Luận
Các cuộc biểu tình đòi cải cách chính trị và dân chủ đang tiếp diễn tại Hong Kong. Photo courtesy: Reuters

Nếu như hàng triệu người biểu tình đòi dân chủ tại Hồng Kông ròng rã suốt hơn ba tháng qua vẫn quyết đấu tranh không ngừng nghỉ cho dù phải đánh đổi quá nhiều mất mát và đối mặt với bao đe dọa, thì tại nước Anh tình hình chính trị hỗn độn với một tiến trình rời Liên minh châu Âu (Brexit) quá sức gian nan. Cuối tuần qua, mặc dù đặc khu trưởng Hồng Kông Carrie Lâm đã phải cúi mình thỏa hiệp, thông báo loại bỏ hoàn toàn dự luật dẫn độ, những người trẻ Hồng Kông vẫn kiên quyết chưa dừng lại và sẽ còn tiếp tục cho đến khi đạt được thêm các điều kiện bảo đảm sự tự do dân chủ một cách vững chắc.

Trong khi đó thủ tướng mới lên Boris Johnson của nước Anh trải qua những thất bại đầu tiên trong quốc hội khi kế hoạch Brexit không thỏa thuận của ông bị chối bỏ. Johnson rất có thể sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài phải chấp nhận xin trì hoãn thêm ba tháng để chuẩn bị cho một thỏa thuận Brexit thay vì ra đi vào ngày 31/10 như dự định. Chỉ vì vụ ly hôn dai dẳng Brexit, hai đời thủ tướng đã ra đi (David Camaron và Theresa May), và người kế nhiệm Boris Johnson cũng cho thấy đang theo bước trên con đường đầy chông gai.

Chúng ta tự nhủ, những người biểu tình Hồng Kông và những người theo đuổi Brexit tại Anh, cớ gì mà họ tự dấn thân vào những con đường đầy gai góc, rủi ro và thậm chí dẫn đến những tổn hại nhất định về kinh tế và chính trị cho mảnh đất mà họ yêu quý? Họ theo đuổi điều gì? Hai bức tranh ở hai châu lục xa xôi, với hai câu chuyện khác hẳn nhau, nhưng tựu chung lại đều là những cuộc đấu tranh để bảo vệ cái mà chúng ta, những người sống trên đất Úc đôi khi cho là điều hiển nhiên– đó chỉ là hai chữ dân chủ.

Cuộc đấu tranh cho dân chủ tại Hồng Kông là nhằm vào phản đối sự thống trị của chính quyền cộng sản Trung Quốc dưới bộ máy lãnh đạo của nhà độc tài Tập Cận Bình. Khi dự luật dẫn độ người phạm tội sang Trung Quốc lục địa được đưa ra, người dân Hồng Kông nhìn thấy một mối hiểm họa rõ nét đang đến gần, họ thấy những sự tự do mà bấy lâu nay họ được hưởng đang có nguy cơ bị tuột mất. Trung Quốc mặc dù là một trong những thế lực mạnh và đang ngày càng mở rộng ảnh hưởng, cơ chế độc tài không cho phép tự do ngôn luận, trừng trị người bất đồng chính kiến và đè nén cộng đồng thiểu số khiến người dân HK sợ hãi đến hốt hoảng.

Còn tại Anh, người dân bỏ phiếu ủng hộ Brexit, tách ra khỏi Liên minh châu Âu EU, cũng là vì họ muốn đòi lại toàn quyền quyết định đối với đời sống chính trị, kinh tế và cả biên giới của chính mình, thay vì chịu sự chi phối quá nhiều từ luật lệ của khối EU. Có thể nói, nếu như Hồng Kông đấu tranh bảo vệ dân chủ khỏi chế độ độc tài, thì Brexit là đấu tranh đòi lại quyền tự chủ từ sự điều khiển của liên minh châu Âu. Trong trường hợp nước Anh, dân chủ bị đe dọa không phải bởi tính chuyên quyền độc tài mà là bởi hệ lụy của tiến trình toàn cầu hóa.

Toàn cầu hóa giúp mở rộng giao lưu, đẩy mạnh tự do thương mại, xóa nhòa biên giới, là một bước đi lớn trong lịch sử nhân loại, nhưng bên cạnh đó cũng kéo theo những cái giá phải trả như bất bình đẳng gia tăng, sự thiếu ổn định kinh tế vĩ mô và mất mát các giá trị văn hóa đa dạng, thậm chí dẫn đến những phản ứng tiêu cực bao gồm chủ nghĩa dân túy, bài nhập cư, dấy lên từ nỗi sợ đánh mất nhận dạng dân tộc.

Dân Hồng Kông chẳng phải thiếu thốn về vật chất, cũng như người dân Anh– một quốc gia châu Âu phát triển, vậy mà họ vẫn chấp nhận rủi ro chỉ để bảo vệ và đòi lại một thứ trừu tượng mang tên tự do, dân chủ. Biểu tình Hồng Kông có thể sẽ không thể đem lại thắng lợi cho vùng đất nhỏ bé trước gã khổng lồ Trung Cộng, cũng như Brexit có thể sẽ còn khiến chính trị nước Anh tiếp tục trong thế cuồng phong. Nguy cơ thất bại nhiều hơn thành công và cái giá phải trả là quá lớn, nhưng không có nghĩa họ đầu hàng.

Còn ngay chính tại đây, ta thấy hàng trăm nghìn người cật lực mỗi ngày mong muốn được ở lại trên đất Úc– cái họ cần đôi khi chẳng phải là tiền bạc hay danh vọng vật chất, mà chỉ đơn thuần là được sống với những giá trị tự do và dân chủ một cách đúng nghĩa.

(Trích từ báo in TVTS số 1746 phát hành ngày 11.9.2019)