Xã luận: Putin hoang tưởng với chiến tranh nguyên tử. Cần tỉnh thức với “văn hóa thức tỉnh”

17 Tháng Mười, 2022 | Bình Luận
Vladimir Putin trong cuộc họp báo tại hội nghị thượng đỉnh Nga – Trung Á ở Astana, Kazakhstan, ngày 14/10/2022. via Reuters – Sputnik

Cách đây hai tuần, khi Tổng thống Vladimir Putin sát nhập bốn tỉnh chiếm đóng của Ukraine, TiVi Tuần-san đã viết bài xã luận “Coi chừng Putin gây ra Thế chiến Thứ ba”. Đơn giản là luật pháp của Nga cho phép Nga dùng bom nguyên tử trong trường hợp lãnh thổ của họ bị tấn công. Mà Ukraine thì vẫn tiếp tục phản công và nhờ sự viện trợ vũ khí của Tây phương, binh sĩ Ukraine  càng ngày càng giành lại nhiều phần đất bị Nga chiếm từ ngày 24/2/2022. Điều này chứng tỏ Nga không thể thắng Uktaine với vũ khí  quy ước mà Nga tự hào  không thua Tây phương và trong một số trường hợp còn khoe lợi hại hơn.

Và bây giờ, mặc dù thế giới không công nhận sự sát nhập lãnh thổ nước láng giềng, Putin quyết đẩy mạnh cuộc xâm lăng cho đến khi thành công vì tham vọng và tự ái. Hôm Thứ Năm tuần qua, một ngày trước sinh nhật của lãnh tụ Nga, Tổng thống Joe Biden trong một cuộc vận động gây quỹ tranh cử cho đảng Dân chủ  đã báo động Hoa Kỳ “chưa bao giờ chúng ta phải đối mặt với ngày tận thế kể từ thời Kennedy” khi lãnh đạo Liên Xô là Nikita Khrushev đưa hỏa tiễn sang Cuba, nằm sát lãnh thổ Mỹ. Tại sao Tổng thống Biden nói đến kịch bản ngày tận thế? Bởi theo ông Biden, Putin từng nói ông ta không đùa khi nói đến việc sẽ phải dùng đến vũ khí nguyên tử.  Ngày 7/10 vừa qua đánh dấu sinh nhật lần thứ 70 của Putin. Đây là ngày để Putin vui mừng vì không những đã chạm ngưỡng cửa “thập cổ lai hy”, sẽ được sử sách ghi nhận làm cho lãnh thổ Nga mở rộng hơn. Vài chư hầu đã chúc mừng “thiên tử” Putin trong ngày trọng đại này. Chẳng hạn Tổng thống Alexander Lukashenko của Belarus tặng quà sinh nhật bằng một giấy chứng nhận chiếc xe cày, niềm hãnh diện của kỹ nghệ Belarus thời Liên Xô. Nhưng chỉ một ngày sau sinh nhật, với vụ nổ gây hư hại Cầu Kerch, người đứng đầu Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine, Oleksiy Danilov đã đưa lên mạng video cảnh cầu bốc cháy cùng với video Marilyn Monroe hát “Chúc mừng sinh nhật, Ngài Tổng thống”. Chưa hết, Tổng thống Zelensky trong video mỗi tối cũng đã đọc thêm bản tin “thời tiết” nói khí hậu ở Ukraine nắng ấm nhưng ở Crimea tuy cũng ấm nhưng bầu trời ảm đạm với khói mây.

Putin có thể nào chịu đựng sự nhục nhã về vật chất và tinh thần như vậy không? Cây cầu Putin tự hào  xây sau khi chiếm Crimea là mạch sống về kinh tế và quân sự của Nga. Cầu bị phá hoại làm gián đoạn sự vận chuyển binh sĩ và vũ khí cho chiến trường phía nam để tấn công Ukraine. Tấn công Crimea còn tệ hại hơn bốn tỉnh vừa chiếm. Putin cáo buộc vụ tấn công này do “khủng bố” Ukraine thực hiện với sự tiếp tay của Mỹ và Tây phương. Trước ngày 24/2 Nga đã tuyên bố nếu Crimea bị tấn công, Nga sẽ sử dụng tới vũ khí nguyên tử. Nay danh dự của Putin đã bị chạm tới mức chiến tranh nguyên tử không còn là chuyện xa vời. Dĩ nhiên Tây phương đã chuẩn bị, không phải từ hôm nay, mà từ khi khi Nga xâm lăng Ukraine vào cuối tháng hai, và có thể trước đó nữa.

Nhưng có ai ngăn chặn, trói tay Putin gây chiến tranh nguyên tử được không? Tình báo Ukraine, Do Thái, CIA hay chính nhân dân Nga? Trước khi quá muộn!

Cần tỉnh thức với “văn hóa thức tỉnh”

Tuần qua, việc Tổng giám đốc  Andrew Thorburn (nguyên là CEO của các ngân hàng NAB, NZ) của Câu lạc bộ Essendon Football Club bị yêu cầu và đã từ chức chỉ một ngày sau khi nhận chức, đã gây sự phản đối, phẫn nộ trong một số chính trị gia, nhà báo và giáo sĩ (đặc biệt từ Anh giáo). Lý do: ông làm việc trong ban quản trị City on a Hill, một giáo phái Thiên chúa mà vào năm 2013 có bài trên mạng lên án phá thai và đồng tính. Bài đó không do Thorburn viết, nhưng vì ông nằm trong ban quản trị nên bị vạ lây. Thủ hiến Daniel Andrews, một người Công giáo,  hôm Chủ Nhật gọi đấy là sự cuồng tín, gây thù ghét và ông đã bị nhiều người chỉ trích. Nhiều thành phần cấp tiến đã trở nên quá khích với những người có quan điểm bảo thủ.  Có người cho rằng, với phong trào “thức tỉnh” hiện nay, những người mộ đạo khó có cơ hội nắm những chức vụ cao—công cũng như tư. Đầu tuần này trong một bài bình luận đăng trên tờ The Australian, linh mục Dòng tên nổi tiếng Frank Brennan, một người bỏ phiếu Yes trong cuộc trưng cầu dân ý về hôn nhân đồng tính, cho rằng cần có niềm tin vào việc tranh luận kính trọng nhau hơn là loại bỏ. Đúng, tranh luận tôn trọng nhau,  phải là hai chiều.

(Xã luận TVTS số 1907 phát hành ngày 12.10.2022)