Úc đối diện hai cuộc chiến: virus và Trung Cộng

29 Tháng Năm, 2020 | Bình Luận
Thủ tướng Scott Morrison trong một phiên họp Nội các Quốc gia. Nguồn: SBS

Nguyễn Hồng-Anh

***

Chưa bao giờ một thủ tướng Úc phải đối phó với một cuộc chiến gặp nhiều khó khăn kể từ chiến tranh Việt Nam, một cuộc chiến làm 521 binh sĩ Úc bị tử thương và gây nhiều chia rẽ trong dân chúng Úc.

Trong cuộc chiến hiện nay, mặc dù không có tiếng súng nhưng có người chết, dù ít so với những quốc gia khác, nhưng thiệt hại về kinh tế thì không thể nào tưởng tượng được, ngay bây giờ và trong tương lai gần.

Mở cửa trở lại

Cách đây khoảng 10 ngày, sau gần hai tháng áp dụng lệnh giản cách xã hội và đóng cửa, giới hạn nền kinh tế, chính phủ liên bang đã nghĩ tới việc mở cửa trở lại, dĩ nhiên cũng với sự giới hạn trước con virus Vũ Hán đang làm đảo điên và đảo lộn thế giới.

Sở dĩ có sự lạc quan vì số lây nhiễm đã đạt tới mức bão hòa và số người chết không đáng khiếp sợ như trước, bởi tỉ lệ tử vong vẫn ở mức khoảng 1% so với các ca nhiễm, là tỉ lệ rất thấp so với các nước tây phương, và cũng thấp ngang hàng với nước láng giềng Tân Tây Lan nơi đã từng áp dụng giai đoạn 4, đóng cửa mọi sinh hoạt, cấm người dân ra đường, chỉ trừ đi mua thức ăn khi cần mà thôi.

Không còn lo sợ nạn bệnh viện quá tải và không có giường cho bệnh nhận corona virus. Bởi hệ thống y tế Úc có 95,000 giường bệnh nhưng chỉ có 58 trường hợp phải nhập viện vì corona virus, chiếm tỉ lệ chỉ 0.1%.

Đối với những bệnh nhân corona virus phải vào phòng cấp cứu (intensive care), chỉ có 23 người đang nhập viện trong tổng số 2,378 giường đang có, chiếm chỉ 1% số giường bệnh nguy cập.

Vậy là Thủ tướng Scott Morrison  đã có sẵn kế hoạch để bàn thảo với sáu  thủ hiến tiểu bang và hai bộ trưởng thứ nhất của hai lãnh thổ, mặc dù biết trước sẽ không có sự đồng thuận của các tiểu bang đông dân như Victoria.

Trong cuộc họp nội các quốc gia (national cabinet) thường lệ vào ngày 8.5 qua màn hình video (virtual meeting), các tiểu bang và lãnh thổ đồng ý sẽ áp dụng 3 bước (steps) vào những thời biểu khác nhau, tùy theo tình hình địa phương và nội các quốc gia sẽ duyệt xét sự tiến triển của các bước mỗi ba tuần.

Bước 1

An toàn Covid được bắt đầu với khoảng cách vật lý và vệ sinh:

Được phép tiếp 5 khách thăm nhà. Được tụ họp đến 10 người bên ngoài nhà. Làm việc tại nhà nếu đó là làm việc cho bản thân hay cho  chủ nhân.

Các thư viện, các sân chơi  của các trung tâm cộng đồng và các trại huấn luyện được phép mở.

Dân Úc có  thể làm được nhiều hơn:

-Đi mua sắm

-Ăn nhà hàng, uống cà phê

-Bán nhà, đấu giá

-Chơi ở sân chơi địa phương

-Trại huấn luyện ngoài trời

-Du lịch ở địa phương và vùng quê

Bước 2

Hầu hết các thương nghiệp được mở với khoảng cách vật lý và vệ sinh:

Tụ họp đến 20 người bên ngoài  nhà.

Làm việc tại nhà nếu đó là làm việc cho bản thân hay cho  chủ nhân.

Dân Úc có thểm làm được nhiều hơn trong lúc tụ họp đến 20 người:

-Mở phòng tập thể dục

-Tiệm thẩm mỹ, làm đẹp

-Rạp xi-nê, nhà hát và trung tâm giải trí vui chơi

-Bảo tàng viện, phòng triển lãm nghệ thuật

-Có thể du lịch liên bang ở vài nơi

Các tiểu bang và lãnh thổ có thể cho phép tụ họp với số lượng lớn hơn trong một số hoàn cảnh.

Bước 3

Tất cả mọi người Úc trở lại làm việc với khoảng cách vật lý và vệ sinh:

Tụ họp đến 100 người

Trở lại nơi làm việc

Duyệt xét việc qua lại eo biển Tasman, du lịch đảo Thái Bình dương và du học sinh quốc tế đi lại.

Dân Úc có thể được làm hơn trong khi tụ họp đến 100 người.

-Các tiệm ăn bên trong trung tâm mua sắm

-Saunas và bathhouses

-Du lịch xuyên mọi tiểu bang

Các tiểu bang và lãnh  thổ  có thể cho phép tụ họp số lượng hơn trong một số trường hợp.

Sau cuộc họp của nội các quốc gia, mỗi một tiểu bang và lãnh thổ có những bước thực hiện riêng.

Lãnh thổ Bắc Úc, Queensland là những nơi mở cửa thoáng nhất. New South Wales vừa phải, nhưng Victoria là chậm nhất. Trong Ngày Của Mẹ, một số tiểu bang cho phép 5 người được tới nhà thăm thân nhân. Thủ hiến NSW đề nghị không nên đi thăm mẹ mình, riêng ông Daniel Andrews thủ hiến Victoria nói  ông sẽ không đi thăm mẹ của ông dù rằng việc đi thăm không bất hợp pháp. Ông còn cho biết là học sinh Tiểu bang Victoria sẽ chỉ được tới trường trở lại vào cuối học kỳ, tức cuối tháng 6. Như vậy Victoria là nơi áp dụng cấm cửa nghiêm nhặt nhất nước và trong Ngày Của Mẹ, đã có hàng trăm người tụ họp (bất hợp pháp) ở tiền đình quốc hội đòi mở cửa trở lại, một số người vi phạm luật cấm tụ họp đã bị bắt, bị phạt.

Vào hôm Chủ Nhật vừa qua, thủ hiến TB Victoria đã tuyên bố việc nới lỏng mở cửa nhà hàng, cà phê (xem trong phần Tin Úc)

Lộ trình 3 bước. Nguồn: Chính phủ

JobKeeper chi số tiền lớn nhất trong lịch sử

Ngay khi đóng cửa nền kinh tế, Thủ tướng Morrison đã đưa ra ngân khoảng $130 tỉ Úc kim để kích hoạt nền kinh tế, duy trì công ăn việc làm của người dân bằng cách trợ cấp tiền cho chủ nhân để chủ nhân  gặp khó khăn có thể tiếp tục thuê mướn nhân công.

Số tiền $1,500 trợ cấp cho mỗi công nhân được trả mỗi hai tuần. Chủ nhân hội đủ tiêu chuẩn sẽ nhận số tiền này ($1,500 cho mỗi công nhân) và phải giao lại cho công nhân, để bảo đảm mỗi công nhân sẽ lãnh số tiền lương tối thiểu $1,500/ hai tuần.

Điều này có nghĩa, dù chủ nhân được trợ cấp $1,500/ hai tuần/ một công nhân,  nhưng nếu công nhân mỗi hai tuần đang lãnh lương $2,000 thì công nhân này vẫn lãnh $2,000 trong đó có $1,500 do chính phủ trợ cấp, còn $500 là số tiền chủ nhân bỏ ra (có nghĩa chủ nhân tiết kiệm được $1,500 tiền lương và đó là ý nghĩa của JobKeeper, giúp chủ nhân duy trì việc làm cho công nhân, thay vì sa thải do khó khăn của nạn đại dịch).

Một thí dụ khác, nếu công nhân (làm casual) chỉ lãnh lương $500/ hai tuần thì nay họ sẽ lãnh $1,500 và như vậy công nhân này hưởng lợi $1,000 còn chủ nhân không phải trả tiền lương cho công nhân này mà còn bỏ túi $500 do chính phủ tài trợ.

Dĩ nhiên, không một chính sách nào làm cho tất cả mọi người hài lòng, nhưng đây là kế hoạch để duy trì công ăn việc làm, tạo lợi tức tối thiểu cho công nhân tạm sống hay đủ sống với thu nhập $750/ một tuần, là mức lương có thể được xem là thấp nhất.

Chủ nhân các thương nghiệp, các người tự làm chủ business như sole traders có thu nhập (turnover) dưới $1 tỉ đô la đều có thể nộp đơn xin trợ cấp JobKeeper với Sở Thuế, với điều kiện thu nhập bị mất đi tối thiểu 30% so với cùng tháng của tài khóa trước.

Người tự làm chủ doanh nghiệp của mình (sole traders) chiếm 41% trong tổng số 878,000 đơn xin trợ cấp JobKeeper. Theo thăm dò của Đại học ANU, cứ 1 trong 4 người sole traders bị ảnh hưởng dịch nặng nề nhất. 5% những người trả lời thăm dò nói hầu như họ mất toàn bộ lợi tức.

Chủ nhân có thu nhập trên $1 tỉ đô la phải chứng minh thu nhập bị mất tối thiểu 50% so với cùng thời kỳ của năm trước. Tuần qua, có tin một số đại  công ty có tích sản tổng cộng đến $58 tỉ nghe nói đang làm đơn xin chia miếng bánh $150 tỉ.

Một số công ty lớn xin trợ cấp JobKeeper để cho nhân viên nghỉ holiday (annual leave) và đã có trường hợp công nhân kiện/ khiếu nại vì họ bị mất nghỉ thường niên bình thường, nhưng họ thua vì công ty có quyền yêu cầu công nhân phải lấy nghỉ thường niên.

Một công nhân bị giảm ngày làm việc xuống hai ngày, nay chủ xin được JobKeeper, yêu cầu lấy nghỉ thường niên nhưng chỉ lãnh $1,500/ hai tuần đã ra tức bực vì cho rằng, thà chủ nhân là thương nghiệp nhỏ thì họ sẵn sàng lấy annual leave hay có thể làm việc không cần lãnh lương, chứ một đại công ty mà làm như vậy là lợi dụng JobKeeper và chèn ép công nhân.

Đó chỉ vài vài vụ tranh tụng hay khiếu nại. Rồi đây sẽ có những tranh tụng, cãi cọ giữa chủ nhà và người thuê nhà bởi luật cấm không được đuổi người thuê nhà trong vòng 6 tháng do nạn dịch, nhưng nếu người thuê không trả đồng nào thì chủ nhân lấy tiền đâu mà trả tiền vay ngân hàng? Chính phủ chỉ yêu cầu hai bên thương lượng, nhưng chưa đặt ra chỉ tiêu rõ rệt, vì đây là chính sách cấp bách và bất ngờ, chưa có tiền lệ khi có sự tranh cãi.

Về phía công nhân đối với việc nộp đơn (nominate): Công nhân phải là người làm việc toàn thời, bán thời,  làm casual tối thiểu 12 tháng có quốc tịch Úc hay thường trú nhân. Chỉ được nộp đơn với 1 chủ nhân mà thôi. Nếu khai gian sẽ bị Sở  Thuế đòi trả lại và bị phạt (trả tiền lời). Công nhân chỉ được hưởng $1,500 tiền phụ cấp từ JobKeeper nếu chủ nhân nộp đơn xin JobKeeper và chủ nhân hội đủ tiêu chuẩn để hưởng (lỗ trên 30% hay 50% so cùng với thời gian năm ngoái).

Chính phủ liên bang và tiểu bang còn có một số trợ cấp khác mà chủ nhân có thể nộp đơn xin (nên hỏi kế toán hay chuyên viên tài chánh của mình, nếu không  rõ).

Thủ lãnh Đối lập Anthony Albanese tuy ủng hộ chính sách JobKeeper nhưng cho rằng cần thay đổi một số điều khoản vì ra vẻ chính sách hiện nay chỉ có lợi cho chủ nhân hơn công nhân.

Ông Albanese và một số  tổ chức đề nghị chính phủ hãy cho bất cứ người làm casual nào cũng được hưởng chính sách này, kể cả các công nhân ngoại quốc đến làm việc theo diện working visa  vì nay bị mất việc, thì làm sao họ có thể có tiền ăn và trả tiền thuê nhà.

Thủ tướng Morrison nói ông đang suy nghĩ và đợi xem tình hình đại dịch ra sao để có thể rút ngắn thời gian trợ cấp 6 tháng bởi vì gánh nặng nợ nần sẽ đè lên các thế hệ sau.

Trong khi có người đề nghị sau 6 tháng, chính phủ nên tiếp  tục chính sách JobKeeper nếu tình hình kinh tế không khả quan thì có người đề nghị nếu phải rút ngắn hay chấm dứt,  cũng không nên cắt một cách đột ngột mà nên giảm dần dần, từ $1,500 xuống $1,200, rồi $900, $600 và chấm dứt bằng $300.

Chưa bao giờ trong lịch sử mỗi tuần nền kinh tế Úc bị mất đi $4 tỉ đô la, và chính phủ phải giúp chủ nhân và công nhân số tiền kỷ lục $130 tỉ đô la trong khi vẫn chưa thấy ánh sáng ở cuối đường hầm.

Ai gây nên cái nông nỗi này?

Đại sứ Trung Cộng tại Úc, ông Cheng Jingye (hình trên) nói việc đòi điều tra virus corona có thể dấy lên sự chống đối Úc ở Trung Cộng. Hình: Reuters

Trung Cộng dùng thương mại để bắt nạt Úc

Trong khoảng hai tuần qua, bang giao giữa Úc và Trung Cộng trở nên căng thẳng nhất trong vòng bốn thập niên vừa qua.

Vấn đề vi phạm nhân quyền trầm trọng của Trung Cộng cũng như sự bành trướng và khiêu khích của Bắc Kinh ở Biển Đông chỉ  gây nên những chỉ trích giữa hai nước. Nhưng vụ Virus Vũ Hán đã gây nên một sự xung đột có thể phá tan mối bang giao và mậu dịch mà hai nước đã dày công xây dựng gần 30 năm qua, kể từ thời Thủ tướng Paul Keating, John Howard cho đến hôm nay.

Lý do: Hết ngoại trưởng Marise Payne đến Thủ tướng Scott Morrison đòi mở một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc con virus Vũ Hán hiện đã làm cho trên 4.6 triệu người trên thế giới nhiễm bệnh và trên 312 ngàn người chết.

Ngoài công khai lên tiếng, Thủ tướng Morrison còn vận động các quốc gia tây phương, khối G-20 hỗ trợ Úc làm việc này.

Bị Bắc Kinh phản đối, thủ tướng Úc nói việc làm của ông là thành thật (honest) bởi vì cần phải biết con virus xảy ra nơi đâu và từ khi nào, để thế giới có bài học, rút kinh nghiệm trong tương lai. Ông khẳng định việc điều tra này không nhắm vào Trung Cộng mà chỉ muốn có một cuộc điều tra độc lập mà thôi.

Nhưng có tật giật mình, Bắc Kinh đã phản ứng dữ dội. Đại sứ Trung Cộng tại Canberra, ông Cheng Jingye đã đặt câu hỏi liệu người dân Trung Cộng còn muốn ăn thịt bò và uống rượu vang của Úc hay đi du lịch và du học tại Úc không khi mà bạn hàng của Trung Cộng đổ lỗi dịch viêm phổi corona virus do Trung Quốc gây nên.

Tuần qua, Trung Cộng đã cấm nhập cảng thịt bò từ bốn lò sát sinh ở Queensland và New South Wales, và còn dọa sẽ đánh thuế lúa mạch nhập cảng của Úc lên 80%.

Hành động ngưng nhập cảng thịt bò và lời đe dọa ra vẻ đã làm nao núng một số chính trị gia, các doanh nhân, các chủ hầm mỏ và nhất là các nông gia, thành phần ủng hộ chí cốt của Liên đảng.   Mất nồi cơm của giới này có thể làm Liên đảng mất chính quyền!

Đối lập tuy ủng hộ Thủ tướng Morrison trong việc đòi hỏi phải có một cuộc điều tra độc lập về corona virus nhưng cho rằng cần phải vận động với các quốc gia khác trước khi  công bố. Bà cựu Ngoại trưởng Tự do Julie Bishop cũng có cùng quan điểm.

Tuy nhiên, nếu Thủ tướng Morrison không tuyên bố, không dẫn đầu thì ai sẽ làm công việc này?

Bởi cho đến bây giờ, gần nửa năm từ ngày con virus được phát hiện ở Vũ Hán, chưa có thủ lãnh nước nào lên tiếng và cương quyết như Thủ tướng Morrison dù bị Bắc Kinh đe dọa trả đũa qua cái loa Hoàn Cầu Thời Báo, các phát ngôn viên  Bộ Ngoại giao và nhất là ông đại sứ Tàu ở Canberra, làm như Cheng Jingye là toàn quyền của Hoàng đế Tập Cận Bình!

Hôm  Chủ Nhật vừa qua, trong cuộc phỏng vấn bởi đài truyền hình quốc gia ABC, Tổng trưởng Thương mại Simon Birmingham mặc dầu không tỏ ra quá bi quan về viễn ảnh chiến tranh thương mại giữa nước, nhưng ông đã tỏ ra không hài lòng khi người đồng nhiệm Trung Cộng đã từ chối trả lời điện thoại của ông.

Đề nghị đối thoại  về việc đánh 80% thuế lúa mạch của tổng trưởng Úc đã bị Bắc Kinh từ chối một cách ngạo mạng.

Trước đó, Bắc Kinh nói họ có thể mua lúa mạch của Nga và Ba Tây và sẽ có quyết định về thuế đánh vào Úc trong ngày Thứ Ba 19.5 này (tức sau cuộc họp đại hội đồng Tổ chức Y tế Thế giới).

Ông tổng trưởng cũng cho rằng đã đến lúc các nhà xuất cảng Úc nên tìm đối tác khác trong khi chờ đợi phản ứng của Trung Cộng, dù phải mất thời gian để tìm được đối tác mới.

Đa số dân chúng Úc ủng hộ thái độ và hành động của Thủ  tướng Morrison, bởi chúng ta không phải là một nước lệ thuộc Tàu trong bất cứ lãnh vực nào. Thương mại mang lại ích lợi cho hai bên, chứ không như Tàu Cộng suy nghĩ. Và đây là bài học cho mọi quốc gia khi làm ăn với Trung Cộng, một nước vừa cộng sản độc tài vừa bá quyền.

Chiến tranh thương mại Úc-Tàu hầu như sẽ xảy ra, bởi việc Úc ủng hộ Đài Loan gia nhập Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong đại hội thường niên vào Thứ Hai đầu tuần này (Thứ Ba Úc).

Tin vào đầu Thứ Hai còn cho hay, đã có 62  nước ủng hộ đề nghị điều tra nguồn gốc corona virus của Úc trong đó có toàn bộ 27 nước Liên Âu và Ấn Độ, Nhật, Anh, Gia Nã Đại, Tân Tây Lan, Indonesia và cả Nga nữa.

Thái độ và hành động của hai nước Tàu và Úc sẽ là giọt nước tràn ly. Nhưng không có mợ chợ cũng đông. Bye Bye đồ rẻ nhưng dổm “ma-dê” in China?!

 

Nguyễn Hồng-Anh
Melbourne 18.5.2020
Báo giấy TVTS số 1782