Gạc Ma: cái chết tức tưởi của 64 bộ đội VN

03 Tháng Tư, 2019 | Bình Luận

Mỗi năm, cứ đến những ngày 19 tháng Giêng, 17 tháng Hai và 14 tháng Ba, có những người dân Việt Nam tự động tổ chức những buổi lễ tưởng niệm các ngày quân Tàu xâm chiếm Hoàng Sa; đánh 6 tỉnh biên giới phía Bắc và chiếm đá Gạc Ma. Họ tổ chức tưởng nhớ những chiến sĩ thuộc hai chiến tuyến và ý thức hệ đã hy sinh bảo vệ giang sơn của tổ quốc. Họ tổ chức tại tư gia. Ở một vài địa điểm công cộng, họ bị nhà cầm quyền cấm, cho dư luận viên đến phá, thậm chí bị giải tán hay bắt giam. Những biến cố lịch sử kể trên xảy ra đã khá lâu: 1974 (Hoàng Sa), 1979 (chiến tranh biên giới phía bắc) và 1988 (Gạc Ma ở Trường Sa).

Chỉ mới gầnđây, trước áp lực của dư luận, nhà cầm quyền chỉ cho phép tổ chức tưởng niệm những tử sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến chống Tàu Cộng ở một số địa điểm   giới hạn tại địa phương với sự tham dự của đại diện cấp huyện. Không thấy mặt của Tổng-chủ Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Thậm chí chẳng thấy bóng dáng của Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch. Nửa tháng trước họ xum xuê đón tiếp tên đồ tể Bắc Hàn Kim Jong Un nhưng họ không nhín chút thì giờ thăm, an ủi những quả phụ và gia đình các tử sĩ đã chết khi bảo vệ Gạc Ma. Những người đã chết vì cái lệnh “không được nổ súng” hay “không được nổ súng trước”, tùy cách giải thích cái lệnh bằng miệng này của lãnh đạo CSVN.

Hãy nghe vài đoạn trong bài văn tế “Ngày Gạc Ma 14.3.1988” của nhà văn cựu đại tá bộ đội Phạm Đình Trọng:

Sáu mươi tư người lính Việt Nam, trở thành sáu mươi tư tấm bia sống cho giặc Tàu Cộng giết hại

Lệnh không nổ súng là lệnh đầu hàng

Lệnh dâng đá Gạc Ma, đá Chữ Thập, đá Châu Viên, đá Xu Bi, đá Huy Gơ, đá Ga Ven cho giặc Tàu Cộng

Lệnh phản bội Tổ quốc, phản bội nhân dân, phản bội lịch sử

Lệnh ô nhục của kẻ bán nước ô nhục

Lời nói gió bay

Tưởng lệnh miệng vô bằng, sẽ trốn không bị nhân dân hỏi tội, không bị lịch sử phán xét.

Nhưng Trường Sa tháng ba, năm một ngàn chín trăm tám mươi tám.

Gạc Ma ngày mười bốn tháng ba, năm tám mươi tám đau thương.

Là bằng chứng không thể chối cãi, của lệnh trói tay người lính.

Bắt người lính phải đầu hàng giặc.

Giao mạng sống người lính cho giặc!

Giao biển đảo của tổ tiên, cho kẻ thù của sâu thẳm lịch sử Việt Nam.

Cũng vì cái lệnh bằng miệng này mà lãnh đạo cộng sản đã cấm phát hành và tịch thu  cuốn sách “Gạc Ma vòng tròn bất tử” được ra mắt vào tháng 7 năm ngoái (nhân tưởng niệm 30 năm trận Gạc Ma).

Cuốn sách này do Nhà xuất bản Văn học và First News Trí Việt ấn hành. “Gạc Ma vòng tròn bất tử”  phải mất bốn năm để hoàn thành, với sự tham gia biên soạn của 68 người, gồm các nhà nghiên cứu lịch sử và các cựu chiến binh trở về từ Gạc Ma, do Thiếu tướng Lê Mã Lương làm chủ biên. Đây là cuốn sách đầu tiên trong lịch sử xuất bản Việt Nam phải được thẩm định bởi một hội đồng thẩm định cấp nhà nước.

Ấy thế mà sau khi phát hành đợt một bán hết 10,000 trong vòng khoảng một tuần, tái bản 20,000 cuốn và ra mắt sách trong một buổi lễ long trọng có sự hiện diện của Thiếu tướng Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm, vợ con liệt sĩ Trần Văn Phương và đại diện các gia đình 64 liệt sĩ Gạc Ma, liền có lệnh thu hồi vì sách có chi tiết sai sót. Như vậy, cuốn sách chỉ được tồn tại trên thị trường một cách hợp pháp khoảng 3 tuần lễ. Không biết số 20,000 cuốn của ấn bản thứ hai có bán chui và bán hết không, bởi từ ngày 31.8.2018 khi có lệnh thu hồi bởi Cục Xuất bản và Phát hành của Bộ Thông tin và Truyền thông, người ta không còn nghe đến tên cuốn sách này.

Chi tiết “sai sót” vẫn còn được tranh cãi đó là lệnh miệng “không được nổ súng trước” trong khi sách nói “không được nổ súng”. Câu nào cũng nói lên sự trói tay và trao mạng sống của binh sĩ cho giặc Tàu.

Tội của đảng CSVN rất lớn.

 

(Xã Luận báo in TVTS số 1721 phát hành ngày 20.3.2019)