Khủng hoảng rác thải và tái chế đã cận kề

07 Tháng Tám, 2019 | Bình Luận
Rác thải nhựa. Photo courtesy: Reuters

Tiểu bang Victoria vẫn dẫn đầu cả nước trong tốc độ gia tăng dân số, với tổng cư dân được thống kê là hơn 5.1 triệu tính đến thời điểm tháng 7 năm nay, dự tính sẽ tiếp tục tăng lên tới 9 triệu người vào trước năm 2050. Chúng ta đã nói đến các vấn đề về cơ sở hạ tầng, về giao thông công cộng nhằm đáp ứng nhu cầu dân số tăng nhanh chóng, nhưng một vấn đề khác cũng vô cùng thiết yếu mà Victoria và toàn bộ khu vực Melbourne đang đối mặt – đó là vấn đề rác thải.

Mới đây nhất, một trong những công ty quản lý rác thải chính cho tiểu bang đã tuyên bố có thể sẽ phải đóng cửa, và lúc đó hàng nghìn tấn rác thải có thể tái chế sẽ bị đưa thẳng tới bãi rác. Phía công ty này không loại trừ việc chúng ta sẽ rơi vào khủng hoảng nếu như Trung Quốc dừng hoàn toàn nhập khẩu và tái chế phế liệu từ Úc.

Bên cạnh đó, các nước mà Úc vẫn đẩy phế liệu tới như Ấn Độ, Malaysia, Indonesia cũng đang dần hạn chế và thắt chặt việc tiếp nhận rác thải từ nước ngoài. Về lâu về dài, chúng ta sẽ chẳng còn ai khác để dựa vào ngoài chính các cơ sở giải quyết rác nội địa, và hệ thống quản lý chặt chẽ để đảm bảo một môi trường sạch sẽ và an toàn.

Indonesia hồi tuần trước tuyên bố sẽ gửi trả lại 8 công-ten-nơ  hàng phế thải, với lý do là các nguyên liệu bị nhiễm bẩn do có chứa các loại rác gia đình như tã trẻ em và cả đồ điện tử. Đây rõ ràng là một trong những vấn đề lớn trong việc phân loại rác tại Úc nói chung và tại tiểu bang Victoria nói riêng – một số đông dân chúng vẫn đang lúng túng trong cách phân biệt rác thải và việc lựa chọn thùng rác phù hợp cho từng loại rác với mục đích khác nhau.

Như vậy, hội đồng tại thành phố cũng như các khu vực ngoại ô cần tăng cường các kế hoạch trao đổi, khuyến khích người dân cách phân loại và vứt rác đúng cách. Lấy ví dụ, các vật dụng bằng giấy, bìa cứng, nhựa, kim loại, thủy tinh đều có thể được tái chế, và nếu có chứa đồ ăn hay chất hữu cơ bên trong thì cần được tráng qua để đảm bảo có thể dễ dàng được tái chế và không gây nhiễm bẩn chéo cho các phế liệu khác.

Nếu như người tiêu dùng và các hộ dân cư đóng vai trò quan trọng trong việc đổ rác đúng cách thì chính quyền tiểu bang cũng như liên bang cần tập trung thêm nữa cho việc đầu tư phát triển công nghệ, nâng cấp hệ thống giải quyết rác thải, đồng thời xây dựng chế độ giá cả và thị trường hợp lý giúp các sản phẩm tái chế được tiếp nhận trên thị trường.

SKM Recycling tại Victoria là một thí dụ điển hình cho việc hoạt động thiếu hiệu quả trong lĩnh vực tái chế. Công ty này lần lượt đóng cửa các nhà máy, và gần đây bị đòi nợ chồng chất từ các bên cho vay, có thể rơi vào tình trạng phá sản và hiện đang kêu gọi sự hỗ trợ từ chính phủ.

Đây là điều đáng buồn. Chúng ta cần một ngành công nghiệp tái chế có thể thu lợi nhuận và tự phát triển, chứ không phải một ngành chỉ có thể song sót nhờ trợ cấp từ chính phủ. Để làm được điều đó, họ cần công nghệ tiên tiến, cần kỹ thuật tự động giúp tạo ra năng suất cao, và đó là những thứ mà chính phủ có thể hỗ trợ đầu tư ngày từ đầu. Đây là phương án đường dài, thay vì đợi đến lúc lâm nguy mới ra tay, chỉ trong ngắn hạn rồi đâu sẽ lại vào đó hoàn toàn không có tính bền vững.

So với các nước dẫn đầu trong việc tái chế và sử dụng rác thải như Đức, Nhật Bản, Úc vẫn ở khá xa, đang lãng phí một lượng rác thải lớn hàng năm mà đáng lẽ có thể được tận dụng để tạo ra những sản phẩm phục vụ đời sống. Nguồn rác thải hữu cơ chiếm tới khoảng 25 đến 50 phần trăm trong các thùng rác, hoàn toàn có thể được giải quyết tạo ra phân bón. Rác cũng có thể được tận dụng để làm nguyên liệu trong sản xuất điện năng. Tất cả đều nằm trong khả năng của nước Úc.

Bao năm nay chính phủ vẫn đầu tư hàng tỷ đô la cho các dự án năng lượng tái tạo nhằm hướng đến năng lượng xanh, nhưng xin chớ quên làm sạch bãi rác và hạn chế vung vãi phế thải ra môi trường chính là điều tiên quyết trong việc bảo đảm  một môi trường sống xanh và lanh mạnh cho chính chúng ta và các thế hệ tương lai.

(Trích từ báo in TVTS số 1739 phát hành ngày 24.7.2019)