Công lý Úc và Việt Nam khác nhau chỗ nào?

25 Tháng Tư, 2018 | Bình Luận
Hình minh họa. (Photo courtesy: Reuters)

Phiên tòa xử luận tội  Đức Hồng y George Pell kéo dài bốn tuần lễ tại Tòa Sơ thẩm Melbourne đã chấm dứt vào Thứ Năm tuần trước. Một tuần lễ sau, vào Thứ Năm tuần qua, phiên tòa xử sáu người thuộc Hội Anh Em Dân Chủ đã diễn ra tại Tòa án Nhân dân Hà Nội, dự trù kéo dài trong hai ngày, nhưng chỉ một ngày là xử  xong với kết quả 66 năm tù dành cho cả nhóm.

Phiên tòa luận tội Đức Hồng y Pell với rất nhiều cáo buộc về lạm dụng tình dục phần lớn xảy ra cách  đây khoảng 40 năm với rất nhiều người được coi là nạn nhân ra làm chứng tại tòa hay qua màn ảnh nối kết. Trạng sư của hồng y đã chất vấn cảnh sát đóng vai công tố và các nhân chứng. Trạng sư Robert Richter, QC (Queen Counsel) của hồng y đã có lúc yêu cầu bà Thẩm phán Belinda Wallington hãy tự rút lui (disqualify herself) vì ông cho rằng bà thiên vị khi chấp nhận những chứng cớ không đáng chấp nhận hay không chấp nhận những chứng cớ đáng lý chấp nhận, tuy nhiên bà thẩm phán nói bà vẫn ngồi ở cái ghế quan tòa của phiên luận tội này (committal hearing).

Phiên tòa mở ra cho công chúng xem mặc dù an ninh rất chặt chẽ bởi vai trò và chức vụ của vị hồng y này đối với Giáo hội  Công giáo Úc và Giáo hội Công giáo toàn cầu. Để đòi vị hồng ý lớn tuổi và sức khỏe yếu từ La Mã về Melbourne để bị buộc tội là cả một tiến trình nhiêu khê và kéo dài. Vị hồng y có thể từ chối không về Úc bởi không có hiệp ước dẫn độ giữa hai quốc gia, nhưng hồng y đã tự nguyện trở về hầu  bảo vệ thanh danh của mình, bởi Hồng y Pell luôn khẳng định mình vô tội.

Thẩm phán Wallington cho các luật sư hồng y bốn tuần lễ để đệ nạp thỉnh nguyện cuối cùng và sau đó bà sẽ có quyết định. Đưa vụ án này lên tòa trên (trung thẩm hay thượng thẩm) xử, gọi là trial nếu bà xét có đủ bằng chứng để phiên xử thành công, tức phán   bị cáo có tội. Nếu bà thấy rằng các bằng chứng của bên công tố chưa đủ thì sẽ hủy bỏ vụ này, coi như Hồng y Pell chưa bao giờ bị truy tố.  Quyết định nằm trong tay một mình bà thẩm phán và đây có thể coi là quyết định quan trọng nhất trong đời làm quan tòa của bà vì Hồng y Pell không những là Giáo chủ Giáo hội Công giáo Úc mà còn là nhân vật cao hàng thứ ba của một giáo hội toàn cầu có 1.5 tỉ tín đồ. Bà sẽ tự quyết định và không chịu áp lực của bất cứ ai. Và nếu bị đưa ra xử ở tòa trên, phiên tòa còn có thể kéo dài hàng tháng và dĩ nhiên bị cáo vẫn được coi là vô tội cho đến khi bị (bồi thẩm đoàn) phán có tội. Bị cáo có quyền kháng án.

Ở một xã hội dân chủ thượng tôn luật pháp, mọi công dân đều được bình đẳng dù đó là một tên cướp giết người hay một vị giáo chủ. Một luật cho mọi người. Ở Việt Nam dưới chế độ cộng sản thì sao? Trên luật pháp còn ai nữa không?

Chưa bao giờ các nhà lãnh đạo  cộng sản bị một cái án nặng dù họ phạm không biết bao nhiêu tội, đủ thứ tội. Chỉ mới gần đây vì lý do đấu đá nội bộ đảng mà một người trong Bộ Chính trị bị đưa ra tòa xét xử, nhưng cũng đã bị tước mất chức ủy viên trước khi bị bắt và bị xử.  Đinh La Thăng nói ông làm theo lệnh của thủ tướng nhưng Nguyễn Tấn Dũng đã chưa bao giờ bị gọi ra tòa để làm nhân chứng hay bị chất vấn. Lý do, án đã có sẵn.

Đối với những người bất đồng chính kiến thì sao? Các phiên tòa luôn luôn được xử nhanh và gọn, chỉ trong một ngày là xử xong và có án ngay, như vụ xử Luật sư Nguyễn Văn Đài và năm anh em trong Hội Anh Em Dân Chủ. Họ bị cáo buộc tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Luật sư Đài bị án 15 năm tù giam và 5 năm quản chế, ông Nguyễn Trung Tôn và Trương Minh Đức 12 năm tù và 3 năm quản chế, ông Nguyễn Bắc Truyển 11 năm tù và 3 năm quản chế, bà Lê Thu Hà 9 năm tù và 2 năm quản chế, ông Phạm Văn Trội 7 năm tù và 1 năm quản chế.

Trước và sau phiên xử, các tổ chức nhân quyền quốc tế và một số chính phủ tây phương yêu cầu trả tự do cho những người này. Nhưng như  đã nói ở trên, đảng cộng sản ngồi  trên luật pháp nên ai bị buộc tội chống hay  lật đổ đảng thì chỉ có đi tù, đôi khi còn bị xử tử. Đó là sự khác biệt giữa dân chủ và độc tài cộng sản. Trên luật pháp còn có tổng bí thư!

 

(Xã Luận báo in TVTS số 1672 phát hành ngày 11.04.2018)