Úc-Pháp: mối tình trăm năm sau Đệ nhất TC

23 Tháng Năm, 2018 | Bình Luận
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến tham dự một cuộc phỏng vấn hôm 12.4.2018 với đài truyền hình TF1. Photo Courtesy: Reuters

Ngày 25 tháng 4, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull qua Pháp khánh thành trung tâm Sir John Monash Centre tại  Villers-Bretonneux nơi vị danh tướng Úc đã ngăn chận cuộc tấn công của quân Đức vào năm 1918, góp phần kết thúc Đệ nhất Thế chiến. Gần 300,000  binh sĩ Úc phục vụ tại Mặt trận Miền tây Pháp với khoảng 76,000 người chết và bị thương, khoảng 11,000 người mất tích. Với một nước lúc đó dân số chỉ 5 triệu người, đây quả là một sự hy sinh và mất mát lớn.

Pháp biết ơn Úc nhưng không có sự thể hiện rõ rệt, đó là chưa kể đã có thời gian họ làm quan hệ giữa hai nước xuống thấp vì Pháp thử nguyên tử ở Thái bình dương, sân sau của Úc, đánh bom tàu Green Peace bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Úc. Cho nên không lạ gần một trăm năm  chẳng có nguyên thủ Pháp nào đến Úc. Năm 2014 Tổng thống Francois Hollande có đặt chân đến Úc thì cũng chỉ vì ông đến dự hội nghị thượng đỉnh G20 tại Brisbane. Do đó, ông Emmanuel Macron trở thành vị tổng thống thứ hai đặt chân đến Úc trong tuần qua. Nhưng đây là chuyến công du chính thức kéo dài trong ba ngày với một chương trình làm việc vừa nghiêm túc vừa xã giao rất là “pha-lăng-sa”, thu hút sự chú ý của báo giới.

Sự chú ý nhiều nhất phải nói là về mặt an ninh quốc phòng. Bởi vào cuối năm 2016, Úc đã loại Nhật trong cuộc đấu thầu để cho Pháp thắng đóng 12 chiếc tàu ngầm lớp Barracuda trị giá $50 tỉ Úc kim. Điều này không những nói lên sự tin tưởng vào khả năng kỹ thuật của Pháp mà còn tin tưởng vào về mặt an ninh quốc phòng nữa.

Pháp hiện vẫn làm chủ một số hòn đảo ở Thái Bình dương. Một số thuộc địa vẫn còn dưới sự cai trị của Pháp như New Caledonia (Tân Đảo) ở Thái bình dương, Reunion (nơi vua Duy Tân bị lưu đày) ở Ấn Độ dương, với sự hiện diện của khoảng 6,000 binh sĩ. Điều này nói lên quyền lợi của Pháp có thể bị đe dọa nếu có sự trỗi dậy của một cường quốc hiếu chiến hay không thân thiện.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc họp mặt với Thủ tướng Malcolm Turnbull đã nói đến việc thành lập một trục (axis) tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình dương. Ông Macron nói hai nước Úc Pháp  cùng nước Ấn Độ dân chủ có trách nhiệm bảo vệ khu vực khỏi bá quyền (hegemony), ám chỉ Trung Cộng. Tổng thống Pháp nói: “Sự trỗi dậy của Trung Quốc là tin tốt cho mọi người. Tốt cho bản thân của Trung Quốc, các giai cấp trung lưu của họ, và tốt cho sự tăng trưởng toàn cầu, tăng trưởng của khu vực”. Nhưng “điều quan trọng là duy trì sự phát triển trong vùng căn cứ vào luật pháp, duy trì các sự cân bằng trong vùng”. Và qua một thông dịch viên, tổng thống Pháp nhấn mạnh: “Và điều quan trọng với bối cảnh mới này là chớ có chủ nghĩa bá quyền”.

Tuyên bố như vậy, một lần nữa Tổng thống Macron đã nói thay cho Thủ tướng Turnbull vì Úc càng ngày càng lo ngại sự bành trướng không ngừng của Trung Cộng. Bắc Kinh liên tục bồi đắp, nới rộng các đảo đá ngầm, cải tạo các rặng san hô ở Biển Đông thành những hòn đảo nhân tạo, xác lập chủ quyền một cách bất hợp pháp và xây dựng các sân bay, thậm chí mang cả hỏa tiễn ra đặt ở đó. Ngoài ra, theo Viện Nghiên cứu Lowy của Úc, trong thời gian từ năm 2006 đến 2016, Trung Quốc đã viện trợ bao gồm cho vay dễ dãi các nước trong vùng Thái Bình dương số tiền $1.78 tỉ Mỹ kim. Dùng tiền để mua chuộc các nước nghèo là chiến lược của Bắc Kinh.

Cũng như tổng thống Pháp, thủ tướng Úc có cùng quan điểm khi nói rằng Úc hoan nghênh Trung Quốc đầu tư thêm nữa trong vùng,  hoan nghênh những lợi ích bởi sự phát triển của Trung Quốc nhưng đồng thời Úc cũng cương quyết bảo vệ trật tự quốc tế theo luật pháp.

Tuy nói được tiếng Anh nhưng khi ông Macron muốn cám ơn sự hiếu khách của vợ ông Turnbull, ông Macron  nói “your delicious wife Lucy” thay vì delightful đã làm nhiều người cau mày, nhưng bà Turnbull không lấy làm phật lòng mà còn vui nữa. “Ngon miệng” hay “tuyệt vời” cũng chẳng sao với một người ngoại quốc muốn làm hài lòng chủ nhà.

Tai nạn “ga lăng” của ông Tây đẹp trai thật dễ thương!

 

(Xã Luận báo in TVTS số 1676 phát hành ngày 09.05.2018)