Úc: 11 năm có đến bảy thủ tướng, tốt hay xấu?

12 Tháng Chín, 2018 | Bình Luận
Tân Thủ tướng Scott Morrison. Photo Courtesy: Reuters

Thứ Sáu 24 tháng 8 vừa qua là một ngày bão táp trong chính trường Úc. Lại thêm một thủ tướng được bầu lên chưa hết nhiệm kỳ bị thách thức chức thủ lãnh đảng Tự do và cuối cùng đã phải từ chức, ra đi trong cay đắng.

Thủ tướng Malcolm Turnbull đòi hỏi các đảng viên quốc hội (gồm các dân biểu và thượng nghị sĩ) phải trình cho ông đủ 43 chữ ký (trên tổng số 85) thì ông mới chấp nhận cho họ bỏ phiếu xem có chấp nhận mở lại cuộc bầu lại chức vụ thủ lãnh vốn đã được ông bất ngờ mở ra hai ngày trước và ông thắng 48/35. Nếu đa số muốn bầu lại, thì ông sẽ từ chức thủ lãnhđể người khác ra ứng cử và sẽ từ bỏ luôn cái ghế dân biểu. Kết quả có 45 trên 40 người muốn bầu lại thủ lãnh. Ông Turnbull tuyên bố ghế thủ lãnh trống. Ba người ra tranh cử chức thủ lãnh đảng gồm cựu Bộ trưởng Nội an Peter Dutton, Bộ trưởng Ngân khố Scott Morrison và Ngoại trưởng Julie Bishop.

Trong vòng chưa tới một tiếng họp và bầu, ông Morrison trở thành thủ lãnh đảng Tự do và theo hệ thống chính trị Westminster, ông trở thành vị thủ tướng chỉ định (designated prime minister) và trong vòng vài giờ sau đã tới  gặp Toàn quyền Peter Cosgrove để tuyên thệ nhận chức, trở thành vị thủ tướng thứ 30 của nước Úc.

Cuộc đảo chánh không đổ máu này được truyền thông thế giới gồm các nước láng giềng,  các  nước dân chủ nói tiếng Anh như Hoa Kỳ, Gia Nã Đại và Anh quốc theo dõi và bình luận đầy thú vị. Dĩ nhiên không thể thiếu Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam vì ông Turnbull đã lên chương trình thăm sáu nước Á châu trong đó có Việt Nam. Chế độ độc đảng Việt Nam đã mất công chuẩn bị đón người  khách không bao giờ đến, nhưng từ chuyện này, dù muốn dù không, cũng học thêm bài học họ không bao giờ muốn xảy ra ở Việt Nam, đó là trò chơi dân chủ thứ thiệt.

Bà Julie Bishop và cựu Thủ tướng Malcolm Turnbull tại Canberra hôm 24.8.2018. Photo Courtesy: Reuters

Người ta nói rằng Úc ngày nay không thua gì nước Ý vì chức thủ tướng đổi liền tay từ khi Thủ tướng John Howard thất cử vào năm 2007. Cánh cửa vào The Lodge (tên của dinh thủ tướng ở Canberra) bây giờ là loại cửa xoay tròn, người vào kẻ ra. Sau khi ông  Howard cư ngụ hơn 11 năm, các người khác vào rồi ra, không một ai ở hết nhiệm kỳ gồm ông Kevin Rudd, bà Julia Gillard, (rồi lại Rudd),  ông Tony Abbott và ông Malcolm Turnbull.

Có người cho rằng chế độ đại nghị Westminster của Úc không ổn định như  tổng thống chế của Hoa Kỳ hay Pháp để có thể thi hành các chính sách dài hạn bởi vị thủ tướng có thể bị các đảng viên quốc hội lật đổ bất cứ lúc nào như trường hợp Thủ tướng Turnbull tuần qua. Đảng Lao động rút kinh nghiệm đấu đá giữa ông Rudd và bà Gillard nên đã đưa ra quy luật muốn thay đổi thủ lãnh, ngoài lá phiếu của các dân biểu nghị sĩ,  phải cần 50% phiếu của đảng viên ở các chi bộ nữa. Nhưng thủ tướng (tức thủ lãnh đảng cầm quyền) vẫn có thể bị đảng hạ bệ bất cứ lúc nào nếu họ có đa số, khác xa chế độ cộng sản Việt Nam.

Đấy là lợi điểm của chế độ đại nghị bởi nhà lãnh đạo quốc gia khó trở thành nhà độc tài, chuyên   chế trong một thời gian dài. Tuy là nhà lãnh đạo tối cao trong chính phủ thủ tướng phải hỏi ý kiến của các cộng sự viên trong nội các, của các dân biểu nghị sĩ ghế trước và ghế sau, đó là chưa kể chịu sự kiểm soát và chất vấn của đảng đối lập, các đảng nhỏ và các dân cử độc lập.

Vì vậy, dù khoảng ba năm có bầu cử (liên bang) một lần hay dù thủ tướng có bị thay đổi trong nhiệm kỳ,  chính phủ vẫn vận hành bình thường, các chính sách đã được toàn đảng ủng hộ vẫn được thi hành. Những cuộc đảo chánh trong chính trường Úc không bao giờ đổ máu, không bao giờ có tiếng súng hay bạo lực, chỉ tốn nước miếng mà thôi. Những người có tham vọng và muốn  làm lãnh tụ phải thuyết phục được các đảng viên đồng chí rằng họ có khả năng hơn các đối thủ, có đường lối  làm cho dân giàu nước mạnh, an ninh được bảo đảm và dĩ nhiên bảo đảm được cái ghế của các đồng chí đảng viên trong cuộc bầu cử tới.

Tin tranh giành quyền, thậm chí đời tư lãnh tụ, được báo chí Úc loan tải hàng ngày không phải là tin xấu, chỉ nên đăng 10% như ông quyền Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông đòi hỏi báo chí ở VN. Đấy là tin tốt để người dân biết mà quyết định lá phiếu. Chừng nào VN được như vậy?

 

(Xã Luận báo in TVTS số 1692 phát hành ngày 29.08.2018)