G7 phải đoàn kết mới chế ngự được TC

23 Tháng Sáu, 2021 | Bình Luận

Trước khi lên đường dự Thượng đỉnh Thất cường (G7, Group of Seven), trong một diễn văn tại Trung tâm Mỹ-Á ở Thành phố Perth, Thủ tướng Scott Morrison cho biết ông sẽ thúc đẩy các lãnh tụ G7 về việc ủng hộ làm sống lại hệ thống trừng phạt của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để kềm chế sự ép buộc kinh tế của Trung Cộng (TC) đồng thời cũng cảnh báo các đồng minh thời hậu chiến về mối đe dọa xung đột ngày càng gia tăng ở khu vực Ấn độ – Thái bình dương.

Lời tuyên bố của Thủ tướng Úc đã được Nhật hưởng ứng. Nhật là đối tác quan trọng của Úc trong vùng và là một thành viên G7 gồm các nước khác là Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý và Canada là những nền kinh tế lớn của thế giới thời hậu Chiến tranh Thế giới Thứ hai. Thủ tướng chủ nhà Boris Johnson đã mời thêm bốn quốc gia dân chủ Úc, Ấn, Nam Hàn và Nam Phi cùng tham dự tạo thành G7+ (G7-plus). Qua ba lần Thủ tướng Morrison được mời dự G7, đã có ý kiến đề nghị biến G7 thành D10 gồm thêm Úc, Ấn và Nam Hàn tạo thành Thập cường hay Thập quốc Dân chủ, gồm 10 quốc gia có nền dân chủ lớn hàng đầu thế giới về kinh tế, dân số hay diện tích.

G7 từ thuở ban đầu có mục đích phối hợp các chính sách kinh tế giữa các nền kinh tế lớn. Vai trò này dần dần đã được thay thế bằng khối G20 lớn hơn trong đó có Úc, Ấn và TC. Cho nên ngày nay vai trò của G7 tuy vẫn nặng về kinh tế nhưng chuyển hướng về chính trị nhiều hơn (Hoàn cầu Thời báo của TC tuần qua chạy bài viết G7 no longer able to order world around –G7 không còn đủ sức ra lệnh cho thế giới). Do đó thành lập D10 (Democratic 10 hay 10 biggest Democracies) là đúng lúc—thiên thời, địa lợi nhân hòa.  Nếu D10 thành hình thì sẽ tạo thành một khối kinh tế mạnh và dân chủ, có thể cùng nhau hoạt động hữu hiệu hơn là G20 gồm một số nước độc tài toàn trị như TC và Nga, hay bán độc tài như Thổ Nhĩ Kỳ và Ả rập Saudi. Mặc dầu con đường dẫn tới D10 còn xa, nhưng ý kiến thành lập D10 của Anh quốc trước đây và được Úc ủng hộ, nếu được bàn thảo tại thượng đỉnh, sẽ giúp các nước yêu chuộng dân chủ cơ hội và phương tiện để buộc Trung Cộng phải tuân thủ luật lệ của các tổ chức quốc tế một khi Trung Cộng là thành viên.

Tại một phiên họp riêng dành cho các lãnh đạo của G7+, ông Morrison đã nói về những xã hội và nền kinh tế tự do qua kinh nghiệm của Úc khi đối đầu với những chế độ độc tài toàn trị. Ông cũng thúc đẩy việc điều tra nguồn gốc corona virus để rút kinh nghiệm và đối phó trong tương lai.

Ngoài đề tài đối phó với đại dịch và khí hậu biến đổi, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đưa ra một kế hoạch nhằm đối đầu với Sáng kiến Một Con đường và Một Vàng đai (BRI) của TC, đó là kế hoạch Tái thiết Thế giới Tốt hơn (Build Back Better World, viết tắt B3W) trong đó các nước dân chủ giàu có sẽ giúp đỡ các nước nghèo xây dựng các hạ tầng cơ sở thay vì để TC cho họ vay như là cái bẫy nợ để mở rộng sự bành trướng, thiết lập những căn cứ chiến lược tại các quốc gia nghèo.

Có điều chưa biết làm thế nào để G7 tài trợ cho kế hoạch B3W trong khi hai nước Đức và Ý không muốn có những biện pháp mạnh đối với TC. Đơn giản là những nước trong khối Liên Âu này vẫn còn nghĩ đến quyền lợi của họ, của khối 27 nước trong Liên Âu. Và đó cũng là lý do mà sau 3 ngày hội thảo tại Cornwall ý tưởng thành lập một khối D10 mạnh hơn vẫn còn xa vời.

Nhưng tin phấn khởi là những gì mà Thủ tướng Morrison muốn thực hiện đã đạt một số thành quả.

Dù ông Morrison đã không có cuộc nói chuyện tay đôi với ông Biden, một người “cuồng xanh” muốn Úc cam kết đạt chỉ tiêu không còn khí thải năm 2050 nhưng với cuộc họp tay ba Mỹ-Anh-Úc cho thấy họ là đồng minh truyền thống, là thành viên Ngũ Nhãn, sẽ sẵn sàng đối phó với TC, bằng chứng hạm đội do HKMH Elizabeth dẫn đầu đã lên đường sang Thái bình đương và Biển Đông trong chuyến hải dài 28 tuần lễ. Thứ đến, Tổng giám đốc WHO, ông Tedros đã đồng ý yêu cần TC cho ủy ban điều tra tới Vũ Hán lần thứ hai. Và cuối cùng là Anh, sau khi rút ra khỏi Liên Âu, đang chuẩn bị để ký hiệp ước tự do thương mại với Úc.

 

(Trích từ báo in TVTS số 1838 phát hành ngày 16.06.2021)